CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tiếp tục gỡ vướng cho dòng chảy vốn

Invest Global 14:45 29/05/2020

NHNN vừa đưa ra dự thảo sửa đổi Thông tư số 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01) theo hướng kéo dài thời hạn hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chính sách trên nếu được sửa đổi sẽ có tác động ra sao đối với hoạt động ngân hàng, DN. Phóng viên Thời báo Ngân hàng tham vấn ý kiến của TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia ngân hàng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Quan điểm của ông về định hướng sửa đổi Thông tư 01?

Tôi hoàn toàn đồng ý với định hướng sửa đổi Thông tư 01 của NHNN. Về hướng kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản cho vay, cho thuê tài chính phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2020 tôi nghĩ là cần thiết. Vì sau ngày 23/1 cũng là giai đoạn dịch bệnh diễn ra phức tạp khiến các DN gặp nhiều khó khăn do hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ. Vì thời gian dịch bệnh diễn ra khá lâu nên không thể nào sau khi Chính phủ tuyên bố hết dịch mọi thứ trở lại bình thường. Chưa kể, ở nhiều nước trên thế giới dịch bệnh vẫn chưa kiểm soát được hết nên DN sẽ còn đối mặt với rất nhiều khó khăn chẳng hạn như ngành du lịch, kinh doanh khách sạn... phải mất thời gian dài họ mới có thể kinh doanh tốt trở lại. Do đó, DN cần có thời gian hồi phục dài hơn ít nhất là 6 tháng sau khi Thủ tướng công bố hết dịch.

Có ý kiến cho rằng, để giúp DN tiếp cận được vốn vay tốt hơn có thể cân nhắc giảm điều kiện tín dụng. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Tôi cho rằng, không thể thực hiện hạ chuẩn cho vay được. Hạ chuẩn cho vay tức là chúng ta phải chấp nhận nợ xấu thời điểm hiện tại và cả trong tương lai. Đó là điều rất rủi ro cho hệ thống nên vấn đề hạ chuẩn là không thể. Đặc biệt trong lúc này nền kinh tế, DN suy yếu, nếu lơ là quản lý rủi ro trả giá đắt dù hiểu DN đang rất cần hỗ trợ.

Để DN vẫn có thể vay được vốn, mà ngân hàng không cần phải hạ chuẩn tín dụng thì cần phải tăng cường vai trò hệ thống Quỹ bảo lãnh tín dụng (BLTD) cho DNNVV. Chỉ có hệ thống này mới giúp DNNVV và DN đang bị tác động bởi dịch bệnh có thể vay được vốn mới tại các ngân hàng. Hiện tại tình hình tài chính của DN suy giảm, họ không còn TSBĐ, thanh khoản dòng tiền, nếu không có sự bảo lãnh của Quỹ BLTD thì họ không thể vay được vốn tại ngân hàng. Do vậy, vai trò của Quỹ BLTD lúc này là rất quan trọng. Nếu họ không nâng cao vai trò giúp DN tiếp cận vốn nhiều hơn, thì bước vào giai đoạn hồi phục rất nhiều DN không còn có mặt để đóng góp cho nền kinh tế nữa. Đây không những tạo rủi ro mà còn gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.

Ngoài những chính sách hỗ trợ của Thông tư 01, có ý kiến đề xuất áp dụng các gói tín dụng của ngân hàng với lãi suất rất thấp, thậm chí chỉ là 0%. Ông có cho rằng nên triển khai chính sách này?

Đang có sự nhầm lẫn về các gói tín dụng. Theo tôi, những chương trình tín dụng hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng dịch Covid mà các NHTM đang triển khai là các chương trình của riêng mỗi ngân hàng thực hiện theo định hướng chỉ đạo của NHNN. Vốn cho vay từ các chương trình này là vốn các ngân hàng huy động từ người gửi tiết kiệm chứ không phải vốn ngân sách nên không thể đưa ra nhiều đòi hỏi như vậy. Thực tế, không phải đến thời điểm này các ngân hàng mới tung ra nhiều chương trình tín dụng cho các DN, nhất là DNNVV mà đây đều là đối tượng khách hàng trọng tâm của ngân hàng.

Nhưng như tôi nói ở trên, lúc này nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của Quỹ BLTD thì khả năng tiếp cận vốn của DNNVV sẽ hạn chế rất nhiều. Muốn làm được vậy, theo tôi cần phải sửa đổi Nghị định 34/2018/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức hoạt động của Quỹ BLTD cho DNNVV. Điều thay đổi đầu tiên là thay vì duy trì mô hình các Quỹ BLTD tại địa phương thì chỉ tập trung Quỹ BLTD quốc gia. Vì các Quỹ BLTD tại địa phương quy mô vốn nhỏ mà bị ràng buộc bởi nhiều quy định rất khó phát huy được vai trò hiệu quả. Chẳng hạn, một tỉnh có Quỹ BLTD với vốn điều lệ là 300 tỷ đồng, họ được phép bảo lãnh không quá 3 lần vốn tự có. Với một tỉnh hàng trăm nghìn DN thì 900 tỷ đồng như muối bỏ bể. Chưa kể quy định ràng buộc về trách nhiệm bảo toàn vốn… khiến cho các quỹ lại càng tỏ ra thận trọng hơn. Vì vậy, nên tập trung vào một đầu mối và tăng nguồn lực tài chính cho Quỹ BLTD quốc gia với vốn điều lệ khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Và đặt chi nhánh tại các tỉnh thành trên cả nước. Hiện toàn quốc có 28 Quỹ BLTD với tổng nguồn vốn là hơn 1.450 tỷ đồng. Đây là số tiền quá nhỏ so với nhu cầu của cộng đồng DN, nhất là trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Tôi nghĩ việc cải tổ các Quỹ BLTD là vô cùng cần thiết.

Xin cảm ơn ông!