CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tiêu thụ giảm, doanh nghiệp ô tô dè dặt mục tiêu lợi nhuận

Invest Global 08:29 15/03/2023

Ế ẩm trên thị trường ô tô, lượng xe tồn có chiều hướng gia tăng, mặt bằng lãi suất cao có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất của các doanh nghiệp ô tô lẫn công nghiệp hỗ trợ. Một số doanh nghiệp dự báo lợi nhuận giảm mạnh trong năm nay.

Báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy trong tháng 2/2023, các thành viên VAMA đạt tổng doanh số 20.560 xe, bao gồm 15.681 xe du lịch, 4.692 xe thương mại và 187 xe chuyên dụng. Trong đó riêng doanh số xe du lịch tăng 11,7% so với tháng trước.

Giải pháp thiết thực là giảm 50% lệ phí trước bạ

Mặc dù so với tháng trước, sức cầu của thị trường đã tăng, tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh ô tô cho biết, hiện nay hàng tồn kho vẫn tăng cao.

-3534-1678789424.jpg

Năm 2023, dự báo thị trường ô tô nguy cơ ảm đạm như thời Covid-19.

Ông Nguyễn Quang Bảo, Tổng giám đốc THACO Auto cho hay, năm 2023, thị trường ô tô nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung được dự báo vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ cả yếu tố trong và ngoài nước. Sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực, đặc biệt là trong quý I năm 2023.

“Hiện trạng kinh tế khó khăn nói trên cũng khiến nhu cầu mua sắm nói chung, trong đó có ô tô đã chứng kiến sự suy giảm mạnh trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, những tháng mà thông thường là mùa bán hàng sôi động nhất trong năm”, ông Bảo nhận xét.

Giới chuyên gia cho rằng, các giải pháp kích cầu là cần thiết và biện pháp hiệu quả nhất lúc này theo các nhà kinh doanh, nhờ lực đẩy từ chương trình hỗ trợ 50% phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Nhìn lại thời gian qua, thị trường ô tô  đã vượt mốc 500.000 xe và thoát khỏi mác "thị trường nhỏ". Trước đó, chính sách này cũng đã giúp lượng xe sản xuất trong nước giai đoạn 2 quý cuối năm 2020 tăng đều qua các tháng.

Chia sẻ với VnBusiness, ông Nguyễn Minh Tuấn, quản lý gara ô tô Tuấn Minh nhận xét: “Đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ mới đây không giúp giảm giá xe nhưng người mua giảm được chi phí để lăn bánh một chiếc ôtô mới. Từ đó, kích thích nhu cầu tiêu dùng mua sắm trong bối cảnh ảm đạm vì áp lực siết chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Về phía doanh nghiệp, chính sách kích cầu này sẽ giúp chúng tôi giảm bớt áp lực dòng tiền, cũng như có thêm thời gian, nguồn lực cân đối chi phí duy trì sản xuất”.

Dự báo trước khó khăn

VAMA cho hay, các hãng đang điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất, đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ, ưu đãi với người mua để tái cân bằng cung cầu. Tuy nhiên, chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng đơn vị, sẽ không đủ để tạo sức bật giúp thị trường xe trong nước tăng trưởng bền vững.

Theo tính toán nội bộ của Công ty Hyundai Thành Công, mức sụt giảm doanh số toàn ngành trong năm 2023 so với 2022 có thể lên tới 17,5%, mất khoảng hơn 85.500 xe. Nếu nhìn dài hạn trong 5 năm nữa, hãng này tính toán sản lượng bán ra mất 37%.

Trong khi đó, doanh nghiệp phân phối ô tô được cho là lớn nhất cả nước là Công ty Cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) lên kế hoạch lãi sau thuế khoảng 438 tỷ đồng, giảm 148 tỷ đồng so với năm ngoái. Năm 2022, Savico đạt doanh thu thuần 21.458 tỷ đồng, tăng 51% so với 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 586 tỷ đồng, cao hơn gấp gần 3 lần cùng kỳ và gần bằng cả 3 năm trước đó cộng lại.

Quy mô doanh thu của Savico gần bằng tổng doanh thu của 5 doanh nghiệp phân phối ô tô xếp sau cộng lại. Dự báo lợi nhuận giảm 30% trong 2023 của Savico vì thế có tính đại diện lớn cho toàn thị trường phân phối xe hơi Việt Nam. Savico hiện có 72 đại lý trên cả nước, bán xe hơn 42.800 xe các loại.

Trong báo cáo thường niên vừa công bố, Savico nhận định thị trường xe năm nay có nhiều khó khăn thách thức. Theo doanh nghiệp này, lãi suất cho vay tăng cao và thiếu nguồn tín dụng từ quý cuối năm ngoái khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng dừng hoặc chậm mua sắm. Ngoài ra, thị trường tài chính chứng khoán và bất động sản khó khăn dẫn đến động lực cho việc mua sắm ô tô không còn thuận lợi như trước.

Từ tháng 9 năm ngoái, Savico cho biết sức mua chỉ còn 60-70% so với bình thường. Điều này dẫn đến dư thừa nguồn cung lớn, tạo áp lực giảm giá, chi phí tồn kho, lãi vay cao.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2023. Trong Nghị quyết, một trong các nội dung quan trọng là Chính phủ yêu cầu việc tập trung phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy xuất khẩu.

Đáng chú ý, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan liên quan nghiên cứu chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/3/2023.

Trước đó, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), UBND tỉnh Quảng Nam và UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản gửi Thủ tướng, các Bộ Công Thương, Tài chính và các cơ quan liên quan kiến nghị, đề xuất Chính phủ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong năm nay; Giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Thanh Hoa

Doanh nghiệp - Doanh nhân