CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Doanh nghiệp vừa và nhỏ được coi là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất của nền kinh tế, bên cạnh các trụ cột phát triển khác như cải cách thể chế và hội nhập quốc tế. Tuy vậy, thực tế hiện nay là nhóm này vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Khi doanh nghiệp làm việc với ngân hàng, chính ngân hàng cũng tỏ ra lưỡng lự do khó đánh giá rủi ro.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 17,51% tổng dư nợ tín dụng
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến ngày 30/6, tín dụng nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024 và tăng 19,4% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2022. Hiện đang có đến hơn 100 tổ chức tín dụng phát sinh tỷ lệ dư nợ cho khu vực kinh tế tư nhân. Ngoài ra, có khoảng 209.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa có phát sinh dư nợ tại tổ chức tín dụng, chủ yếu là tại các ngân hàng thương mại. Như vậy, có tới 78% doanh nghiệp nhỏ và vừa không có dư nợ ngân hàng.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết NHNN thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đi đôi với đảm bảo an toàn tín dụng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.
Tỷ trọng dư nợ tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 17,51% tổng dư nợ tín dụng, tăng 5,71% so với cuối năm 2024.
Một số ngành có tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng tiếp tục tăng trưởng khá, trong đó các lĩnh vực ưu tiên nông nghiệp, nông thôn và doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ nền kinh tế với 23,16% và 17,51%, tăng lần lượt là 5,31% và 5,71%.
Dù tỷ trọng tăng trưởng tín dụng tại khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đã cải thiện hơn, nhưng thực tế việc các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn vẫn tiếp tục diễn ra.
Ông Nguyễn Đức Linh, Giám đốc Công ty TNHH Khánh Linh (chuyên kinh doanh rau quả sấy khô tại TP.HCM) cho hay, mới đây doanh nghiệp đã được vay ngắn hạn 500 triệu đồng vốn lưu động (lãi suất ưu đãi khoảng 6%) và 500 triệu đồng vốn trung và dài hạn để mua sắm máy móc (lãi suất 9%).
“Một thời gian dài gõ cửa nhiều ngân hàng nhưng công ty vẫn không được vay do tài sản đảm bảo nằm trong vùng quy hoạch treo. Rất may, nhờ sự chỉ đạo kịp thời của các cấp, cùng với sự linh động của Agribank với việc cho vay không tài sản đảm bảo với các phương án sản xuất kinh doanh khả thi nên chúng tôi mới có vốn để tiếp tục phát triển”, ông Linh chia sẻ.
Còn theo thống kê của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân có 940.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách... Đáng lưu ý, trong số 940.000 doanh nghiệp hoạt động, khoảng 97% có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, doanh nghiệp lớn và quy mô vừa chỉ chiếm 3%. Đặc biệt, việc tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp còn rất khó khăn.
Báo cáo của VCCI năm 2024 cho thấy, hơn 70% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng.
Giải pháp tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Tại Hội nghị Đầu tư tổ chức tại Hà Nội ngày 9/7, ông Trần Anh Quý, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, ngành ngân hàng hoàn toàn hiểu và chia sẻ với những khó khăn mà khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối mặt. NHNN luôn đồng hành cùng các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức liên quan để tìm giải pháp tháo gỡ, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm được triển khai thường xuyên hàng năm.
Thực tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, thể hiện qua việc ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển phù hợp với thông lệ quốc tế. "Những gì thế giới đang áp dụng, Việt Nam cũng đều đã triển khai", ông Quý nhấn mạnh.
Trong nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn, ngành ngân hàng luôn đặt mục tiêu giảm thiểu thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình tiếp cận tín dụng.
Thời gian qua, nền kinh tế đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, đặc biệt là đại dịch Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Điều đó khiến khả năng trả nợ ngân hàng của nhiều doanh nghiệp gặp khó, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động khó lường, ngân hàng càng phải chủ động trong các biện pháp hỗ trợ.
Làm rõ về các giải pháp hỗ trợ, ông Quý cho biết NHNN đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất, cho vay mới, giúp doanh nghiệp có điều kiện vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất. Hàng năm, các đơn vị đều tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tạo diễn đàn để tiếp nhận phản ánh thực tiễn, lắng nghe khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận vốn, từ đó kịp thời đưa ra giải pháp tháo gỡ ngay tại chỗ.
Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cũng khẳng định, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành ngân hàng là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành lãi suất và tỷ giá hợp lý, tạo môi trường ổn định cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, cũng như thu hút dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.
"Khi nói đến hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng tôi luôn triển khai đầy đủ, kịp thời và đúng quy định của pháp luật," ông Quý nhấn mạnh.
Thanh Hoa