CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Hầu hết các chuyên gia và công ty phân tích thị trường đều cho rằng động lực tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm sẽ đến từ 3 yếu tố chính là đầu tư công, bất động sản và tiêu dùng.
Hàng triệu tỷ đồng chảy vào nền kinh tế
Tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ đánh giá con số tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm là một mức tăng trưởng cao, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2024 với lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế rất lớn.
Theo ông Quang, vốn là mạch máu của nền kinh tế nên để kinh tế Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng 8% trong năm nay và tăng hai chữ số trong các năm tiếp theo, tín dụng là một động lực không thể thiếu.
Số liệu từ NHNN cho thấy, tính đến ngày 30/6, tín dụng nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024. Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, các dự án, công trình trọng điểm, khả thi.
Theo các chuyên gia, 3 trụ cột chính cho tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm là đầu tư công, bất động sản và tiêu dùng.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm tăng cao có thể do các doanh nghiệp tận dụng thuế quan với Mỹ còn thấp nên đẩy mạnh sản xuất, giao hàng, từ đó dẫn đến tín dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh tăng cao.
Theo chuyên gia này, cùng với dòng tín dụng chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, một trong những yếu tố ghi nhận khá mới trong năm nay là giải ngân đầu tư công tăng cao hơn so với năm trước. “Vốn đầu tư công giải ngân được xem như vốn mồi giúp tăng trưởng tín dụng tăng lên”, ông Hiếu nói.
Số liệu Bộ Tài chính vừa công bố cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công tính đến hết tháng 6/2025 đạt hơn 268.000 tỷ đồng, đạt gần 33% kế hoạch Chính phủ giao. Kết quả này cao hơn so với cùng kỳ năm 2024, tỷ lệ giải ngân tăng 4,3% (năm 2024 là 28,2%), và về số tuyệt đối tăng khoảng 80 nghìn tỷ đồng.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% hoặc cao hơn trong năm 2025, NHNN đánh giá vẫn còn dư địa để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm. Dù tín dụng tăng mạnh, đúng trọng tâm, nhưng NHNN vẫn lưu ý việc không thể chủ quan với nguy cơ lạm phát và sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả, từ đó có các điều chỉnh kịp thời.
Còn dư địa thúc đẩy tăng trưởng
Theo các chuyên gia, có 3 trụ cột chính cho tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm đó là đầu tư công, bất động sản và tiêu dùng.
Về lĩnh vực đầu tư công, chuyên gia Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận xét đây sẽ là một trong những động lực tăng trưởng mạnh mẽ nhất, thúc đẩy nhu cầu vốn cho các dự án hạ tầng.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025 mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đề nghị, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, xử lý kịp thời các vướng mắc về nguyên vật liệu của dự án, có phương án cụ thể để thi công trong mùa mưa... Trên cơ sở đó, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết quý III/2025 đạt khoảng 55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Còn theo quan sát của ông Hiếu, để hiện thực hóa mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công, hàng loạt giải pháp mạnh mẽ, chưa từng có đã được đồng loạt triển khai. Mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2025 đã không còn chỉ là một kỳ vọng – mà trở thành mệnh lệnh hành động, được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh như một giải pháp căn cơ để tạo việc làm, thúc đẩy sinh kế, hỗ trợ doanh nghiệp, mở rộng không gian phát triển và kích hoạt các nguồn lực xã hội đang bị “tắc nghẽn”. Do đó, chuyên gia này kỳ vọng đầu tư công là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cuối năm.
Đối với lĩnh vực bất động sản, các chuyên gia cho rằng mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức rất thấp và nguồn cung bất động sản dần được cải thiện, nhu cầu tín dụng cho lĩnh vực này sẽ được kích thích mạnh mẽ trở lại. Đây là yếu tố quan trọng giúp khơi thông dòng vốn của ngân hàng.
Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà dao động từ 3,99% đến 8,69%/năm tùy ngân hàng và kỳ hạn, thấp hơn khoảng 2% so với năm trước. Một số ngân hàng còn đưa ra mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 3,99%/năm với hạn mức vay lên đến 90% giá trị tài sản, thời hạn vay kéo dài đến 35 năm.
Lãi suất cho vay thấp, cùng với các gói tín dụng ưu đãi như chương trình 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, đã giúp tín dụng bất động sản tiêu dùng tăng từ 1,2% cuối tháng 6/2024 lên 4,62% vào cuối quý III/2024 và tiếp tục tăng. Theo NHNN, tính tới ngày 30/6/2025, tín dụng toàn hệ thống tăng gần 10%, gấp 2,5 lần so cùng kỳ năm 2024 với lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế rất lớn. Riêng tín dụng kinh doanh bất động sản đến cuối tháng 6/2025 chiếm 18,47%.
TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính, ngân hàng nhận định mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà trong nửa cuối năm 2025 cũng như năm 2026 sẽ không tăng mạnh, nhưng có xu hướng giảm nhẹ vào cuối năm 2025, có thể giảm 0,5-1%, nhờ chính sách tiền tệ linh hoạt và thị trường bất động sản phục hồi. Sang năm 2026, nếu lạm phát được kiểm soát và các dự án hạ tầng, nhà ở xã hội tiếp tục được đẩy mạnh, lãi suất có thể duy trì ổn định hoặc giảm nhẹ, dao động khoảng 5-7%/năm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cần lưu ý tín dụng vào bất động sản và chứng khoán. Hiện nay, tốc độ tăng trưởng huy động vốn của ngân hàng thấp hơn tốc độ cho vay nên khi tín dụng chảy vào các lĩnh vực này nhiều thì lĩnh vực sản xuất kinh doanh cũng không còn nhiều vốn cho vay.
Với bán lẻ và tiêu dùng, lãnh đạo Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo nhiều khả năng mảng này sẽ phục hồi chậm hơn và cần thêm thời gian, vì nó phụ thuộc vào sự cải thiện của bức tranh kinh tế tổng thể. Động lực này sẽ thể hiện rõ nét hơn ở giai đoạn cuối năm, có thể là quý IV/2025, trong khi tại quý III có thể vẫn sẽ là một giai đoạn tương đối thách thức và khó khăn.
Thanh Hoa