CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tín dụng hỗ trợ sản xuất phục hồi

Invest Global 13:28 02/06/2022

Tín dụng từ hệ thống ngân hàng đang tập trung mạnh vào khu vực sản xuất - kinh doanh. Sức hấp thụ vốn vay của cộng đồng doanh nghiệp tỷ lệ thuận với sự phục hồi ở nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực.

Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, ông Trần Quốc Hà - Giám đốc NHNN chi nhánh Cần Thơ cho biết, trong hai tháng đầu quý II, tốc độ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn khá tích cực, mang lại hiệu quả cao. Cụ thể, ước tính đến hết tháng 5/2022, tổng dư nợ cho vay của các TCTD tại Cần Thơ đạt gần 133.000 tỷ đồng, tăng khoảng 10,02% so với đầu năm. Trong đó, hầu hết dòng vốn đều hướng vào khu vực sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên và các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế thời kỳ hậu Covid-19.

Hiện NHNN Cần Thơ đang chỉ đạo các TCTD triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn Nghị định 31/2022 của Chính phủ. Theo đó, các ngân hàng đều đã rà soát khoản vay và sẵn sàng hỗ trợ lãi suất, đồng thời cho vay mới đảm bảo đủ vốn cho các nhu cầu vốn lưu động, đầu tư lại chuỗi giá trị sản phẩm.

tin dung ho tro san xuat phuc hoi Ảnh minh họa

Tương tự, bà Nguyễn Thị Bình - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Tiền Giang cho hay, đến giữa quý II/2022, tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn đạt khoảng 78.500 tỷ đồng, tăng 8,56% so với cuối năm 2021. Cơ cấu tín dụng tập trung mạnh nhất vào 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên (chiếm tỷ trọng 52,33% trong tổng dư nợ cho vay). Trong đó, nông nghiệp - nông thôn có tốc độ tăng trưởng tín dụng mạnh nhất 9,19%. Sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp nhóm sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu có tăng trưởng vượt bậc.

Ở phạm vi cả nước, thống kê gần đây nhất của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cho thấy, đến thời điểm 27/5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 11 triệu tỷ đồng, tăng 7,75% so với cuối năm 2021. Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Trong đó một số lĩnh vực gặp khó khăn thời gian qua hiện cũng có mức tăng trưởng tín dụng khá cao. Chẳng hạn, tín dụng vận tải, du lịch, dịch vụ tăng 8,25%, tín dụng công nghiệp phụ trợ tăng trên 7,6%... Điều này cho thấy dòng vốn từ hệ thống ngân hàng đang tập trung mạnh vào khu vực sản xuất - kinh doanh. Sức hấp thụ vốn vay của cộng đồng doanh nghiệp tỷ lệ thuận với sự phục hồi ở nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM đánh giá, chính sách tín dụng của NHNN đã và đang mang lại hiệu quả cao, hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi hoạt động sản xuất – kinh doanh. Bên cạnh đó, chính sách lãi suất ưu đãi đã tạo điều kiện hỗ trợ hàng chục ngàn doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh. Chính sách hỗ trợ khách hàng qua cơ cấu nợ và miễn giảm lãi suất (theo Thông tư 01, 03 và 14 của NHNN) cũng đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp hồi phục sau nhiều tháng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, tại TP.HCM thời gian vừa qua, sự nỗ lực của hệ thống ngân hàng đã tạo điều kiện để thị trường lao động phát triển thông qua việc đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho nền kinh tế và cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn, dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP.HCM trong 5 tháng đầu năm nay tăng 27,1% so với cuối năm 2021, với trên 3.700 doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn; tín dụng cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP.HCM chiếm gần 60% tổng dư nợ của chi nhánh. Những con số này cho thấy ngành Ngân hàng đã hỗ trợ tích cực cho việc phục hồi sản xuất và kết nối thị trường hàng hóa, lao động việc làm.

Theo kết quả điều tra của Vụ Dự báo Thống kê (NHNN), 56,7% các TCTD kỳ vọng trong quý II/2022 kết quả kinh doanh sẽ tăng trưởng. Hầu hết các ngân hàng kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng tiếp tục tăng, trong đó nhu cầu vay vốn sẽ tăng nhiều hơn so với nhu cầu gửi tiền và thanh toán. Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4,8% trong quý II/2022 và tăng 14,1% trong năm 2022. Điều này cũng củng cố các nhận định cho rằng dòng vốn ngân hàng đang “chảy đúng mạch” vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các chương trình hỗ trợ phục hồi nền kinh tế của đất nước.