CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Theo thống kê, khối ngoại bán ròng lũy kế 6 tháng đầu năm 2025 hơn 39.853 tỷ đồng trên HoSE, tương đương gần 1,6 tỷ USD. Áp lực bán mạnh nhất diễn ra trong quý I, với giá trị bán ròng gần 26.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, bước sang quý II, đà bán ròng đã có dấu hiệu giảm nhiệt rõ rệt, chỉ còn khoảng 13.915 tỷ đồng.
Hạ nhiệt bán ròng dù tỷ giá vẫn neo cao
Đáng chú ý, tháng 5/2025, khối ngoại bất ngờ quay lại mua ròng 896 tỷ đồng – ghi nhận tháng mua ròng đầu tiên trên HoSE sau chuỗi 15 tháng liên tiếp rút vốn. Dù sang tháng 6 lại bán ròng 1.382 tỷ, nhưng tốc độ đã chậm lại đáng kể so với giai đoạn trước. Việc khối ngoại hạ nhiệt lực bán được giới phân tích đánh giá là tín hiệu tích cực cho thấy tâm lý đang dần ổn định hơn.
Chưa kể, việc khối ngoại có xu hướng bán ròng chậm lại bất chấp tỷ giá USD/VND vẫn ghi nhận neo ở mức cao.
Khối ngoại có xu hướng bán ròng chậm lại dù tỷ giá USD/VND vẫn ghi nhận neo ở mức cao.
Thực tế, diễn biến tỷ giá có mối liên hệ khá chặt chẽ với hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán (TTCK). Khi tỷ giá USD/VND tăng thường kéo theo động thái rút ròng của khối ngoại, nhưng diễn biến gần đây của TTCK lại ghi nhận xu hướng ngược lại - khối ngoại vẫn mua ròng hoặc bán ròng khối lượng thấp, bất chấp tỷ giá neo cao.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Chứng Khoán Yuanta Việt Nam, có nhiều lý do khiến khối ngoại vẫn mua ròng trên TTCK Việt Nam gần đây dù tỷ giá neo cao.
Đầu tiên là do lợi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam đã phục hồi trở lại khiến cơ hội đầu tư của khối ngoại tăng lên. Theo ông Minh, thông thường, các quỹ ngoại đầu tư vào Việt Nam khi bán cổ phiếu sẽ thực hiện phòng ngừa rủi ro vào trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, năm 2024, lợi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam giảm mạnh và chênh lệch lợi suất giữa đồng USD và VND quá lớn. Điều này khiến các quỹ không thể thực hiện chiến lược phòng ngừa rủi ro. Đây cũng là lý do chính khiến áp lực tỷ giá tác động lớn đến dòng vốn ngoại trong năm 2024, khi thị trường ghi nhận dữ liệu bán ròng kỷ lục lên đến 3,7 tỷ USD.
Ngược lại với xu hướng trên, năm nay, nhất là trong thời gian gần đây, lợi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam ở các kỳ hạn dài (1-10 năm) đã phục hồi và tăng mạnh trở lại, khiến chênh lệch lợi suất giữa đồng USD và VND có xu hướng thu hẹp. Điều này có thể làm giảm bớt áp lực rủi ro rút vốn của khối ngoại, dù tỷ giá vẫn còn cao.
Mặt khác, liên quan đến sự dịch chuyển dòng vốn toàn cầu, nếu như năm 2024, dòng vốn toàn cầu có xu hướng chảy vào nhóm cổ phiếu công nghệ của thị trường Mỹ, thì từ đầu năm đến nay lại ghi nhận rút ra khỏi các quỹ ETF cổ phiếu Mỹ. Nguyên nhân phần lớn là do TTCK Mỹ đang được định giá cao, trong khi các yếu vĩ mô và chính trị lại bất ổn. Dòng tiền theo đó sẽ tìm đến các thị trường khác có định giá thấp, vĩ mô, chính trị ổn định và Việt Nam là một trong số đó.
Bên cạnh đó, dư địa của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam không còn nhiều. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hiện chỉ còn khoảng 15% tổng giá trị vốn hoá thị trường. Trong số này, tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu chủ yếu là các quỹ đầu tư chiến lược, tức là các quỹ có khuynh hướng nắm giữ lâu dài. Do đó, sẽ không có hiện tượng rút ròng mạnh như năm ngoái.
Ngoài ra, cơ hội nâng hạng TTCK Việt Nam lên thị trường mới nổi của FTSE trong tháng 9/2025 cũng tạo ra một sự kỳ vọng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi thông thường, khi các thị trường được nâng hạng, dòng vốn sẽ đổ vào rất mạnh trong một thời gian trước đó. Dù năm nay, dòng tiền không có xu hướng chảy mạnh, nhưng đây cũng là một trong những lý do để dòng vốn ngoại tích cực hơn so với thời điểm đầu năm.
Dư địa để kỳ vọng khối ngoại mua ròng mạnh trở lại
Nhiều ý kiến cho rằng hiện tại tỷ giá không ảnh hưởng lớn, nhưng nếu tỷ giá quá nóng có thể sẽ ảnh hưởng đến xu hướng dòng vốn ngoại thời gian tới, nhất là trong quý III/2025, tỷ giá được dự báo tiếp tục tăng. Do đó, ngoài tỷ giá, rủi ro từ lãi suất của Fed hay vấn đề thuế quan vẫn là những yếu tố cần được theo dõi, vì có thể ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại.
Theo bà Bùi Thị Thao Ly, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV), tỷ giá hiện chịu nhiều sức ép khi giá USD trong nước có diễn biến ngược với giá thế giới, bất chấp USD Index giảm hơn 8% từ đầu năm đến nay. Thêm vào đó, Mỹ đã tham chiến ở Iran, làm dấy lên lo ngại về xung đột Israel và Iran, đẩy giá dầu tăng mạnh, khiến lạm phát leo thang.
“Nếu tỷ giá và lạm phát tăng mạnh, sẽ gây khó khăn rất lớn cho việc duy trì chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng, môi trường lãi suất thấp như hiện nay. Đây sẽ là thách thức lớn trong điều hành chính sách tiền tệ nửa cuối năm”, bà Ly nhấn mạnh.
Tuy nhiên, giới phân tích vẫn kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ sớm ổn định trở lại. Điều này được củng cố bởi việc Việt Nam duy trì thặng dư thương mại và thu hút vốn FDI tích cực trong 5 tháng đầu năm. Hơn nữa, kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ tháng 7 sẽ giúp thu hẹp chênh lệch lãi suất, giảm bớt áp lực lên tỷ giá trong trung hạn.
Cùng với triển vọng nâng hạng thị trường, việc tỷ giá ổn định sẽ góp phần hỗ trợ dòng vốn ngoại đảo chiều sang mua ròng trên TTCK mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
BSC Research dự báo TTCK Việt Nam có thể được MSCI xem xét đưa vào danh sách theo dõi (Watch list trong tháng 6/2025) và FTSE Russell ra thông báo chấp thuận nâng hạng vào tháng 9 năm nay.
Các chuyên gia kỳ vọng nếu Việt Nam được FTSE nâng hạng chính thức trong năm 2025, thị trường có thể đón nhận hàng tỷ USD dòng vốn ngoại chảy vào trong ngắn hạn, chưa kể hiệu ứng lan tỏa dài hạn.
VNDirect cho rằng, hưởng lợi từ nâng hạng là ngành chứng khoán và nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong FTSE Vietnam Index. Ngoài ra, nâng hạng cũng được kỳ vọng sẽ trở thành động lực thúc đẩy hoạt động IPO và niêm yết, tạo thêm hàng hoá mới, chất lượng cho TTCK Việt Nam.
Hải Giang