CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tín nhiệm ngân hàng Việt qua lăng kính nhà đầu tư ngoại

Invest Global 08:26 16/01/2023

Tại buổi gặp mặt cuối năm 2022, các tổ chức quốc tế đều ghi nhận và đánh giá cáo NHNN trong việc quản lý các hoạt động trên thị trường tài chính và tiền tệ. Các nền tảng kinh tế cơ bản của Việt Nam vẫn được đánh giá là mạnh nhất trong khu vực tính đến thờ

Điểm sáng trong bức tranh ngân hàng toàn cầu

Nhiều ngân hàng Việt Nam tiếp tục được các tổ chức quốc tế lớn như Moody’s, Fitch Raitings... nâng hạng tín nhiệm như điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh tài chính tiền tệ toàn cầu. Điều này là do các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế liên tục nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn đối với Việt Nam. Và cũng chính nhờ sự hỗ trợ tích cực của hệ thống ngân hàng và điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) linh hoạt, hiệu quả của NHNN đã đóng góp tích cực vào thành công chung của kinh tế Việt Nam.

Có thể nói, trong vòng 5 năm trở lại đây, chưa có năm nào nền kinh tế thế giới trải qua nhiều biến động lớn như năm 2022. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm một nửa so với năm trước. Áp lực lạm phát tăng cao khiến hầu hết NHTW trên thế giới đẩy nhanh tiến trình thắt chặt CSTT thông qua tăng mạnh lãi suất; đồng USD tăng giá mạnh... Tất cả những động thái trên ảnh hưởng trọng yếu đến hoạt động hệ thống ngân hàng cũng như tạo thách thức lớn đến công tác điều hành CSTT.

tin nhiem ngan hang viet qua lang kinh nha dau tu ngoai

Dù bị đặt vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, vừa phải cố gắng hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch, vừa phải hóa giải áp lực lạm phát do chi phí đẩy do các sự kiện và cú sốc bên ngoài gây ra, nhưng NHNN với sự linh hoạt trong điều hành chính sách tín dụng, lãi suất, tỷ giá... đã làm chậm quá trình giảm giá của VND và giữ VND là đồng tiền có hiệu suất cao nhất so với các đồng tiền khác trong khu vực, góp phần kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định và phục hồi kinh tế. Sự thành công đó của nhà điều hành đã ghi điểm đối với các tổ chức quốc tế.

Tại buổi gặp mặt cuối năm 2022, các tổ chức quốc tế đều ghi nhận và đánh giá cáo NHNN trong việc quản lý các hoạt động trên thị trường tài chính và tiền tệ. Các nền tảng kinh tế cơ bản của Việt Nam vẫn được đánh giá là mạnh nhất trong khu vực tính đến thời điểm hiện tại.

“Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trong khu vực bất chấp môi trường toàn cầu và trong nước đầy thách thức. Điều này nhờ những nỗ lực to lớn của Chính phủ Việt Nam. Đặc biệt, NHNN cho đến nay đã điều hành linh hoạt CSTT, tỷ giá để vượt qua các cơn gió ngược bên ngoài và trong nước”, ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam nhận xét.

TS. Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho rằng, điều hành CSTT linh hoạt, ứng phó kịp thời trong, sau đại dịch để hỗ trợ kinh tế Việt Nam phục hồi là bước đi ngoạn mục. Trong khi các nước trên thế giới phải tăng lãi suất rất mạnh để bảo vệ đồng nội tệ mà cũng không đảm bảo được, thì quốc gia đang phát triển như Việt Nam vẫn giữ cơ bản được lạm phát, lãi suất có tăng nhưng không nhiều và thành công nhất là VND thuộc đồng tiền mất giá thấp nhất không chỉ trong khu vực mà cả trên thế giới. “Các nhà đầu tư quốc tế vẫn đang chăm chú theo dõi và họ tin tưởng rằng Việt Nam là quốc gia có triển vọng phát triển tốt”, TS. Trương Văn Phước nhìn nhận.

Sự điều hành chắc chắn của cơ quan quản lý cũng là điểm tựa vững chãi; là động lực để các TCTD không ngừng lớn mạnh cả về quy mô cũng như chất lượng. Nhiều ngân hàng đã áp dụng chuẩn mực Basel II, một số ngân hàng đã áp dụng một số tiêu chí của Basel III; chuyển đổi số tại các ngân hàng Việt diễn ra mạnh mẽ... Hiệu quả kinh doanh của hệ thống ngân hàng tiếp tục được cải thiện rõ rệt thông qua ROA, ROE. Số lượng các ngân hàng có tỷ lệ ROA trên 3% không còn hiếm; số ngân hàng có tỷ lệ ROE hơn 20% khá phổ biến; tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của các ngân hàng cũng ngày càng giảm; hệ số CAR tiếp tục cải thiện khi tính đến hết quý III/2022 có 3 ngân hàng CAR đạt từ 15% trở lên như Techcombank (15,7%), HDBank (15,3%), VPBank (15%)… Nhóm có hệ số CAR từ 12-14% cũng có đến gần chục ngân hàng. Đây là điều đáng mừng nhất, bởi hiệu quả kinh doanh được cải thiện thì ngân hàng mới có đủ nguồn lực tài chính để tăng vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu chủ động phòng ngừa rủi ro...

Một điểm nhấn nữa được các tổ chức quốc tế tính điểm cộng đó là trong năm qua, Quốc hội cho phép kéo dài Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023. Đồng thời, giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD trình Quốc hội xem xét chậm nhất tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023). Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định 689/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025. Đây là những nền tảng pháp lý quan trọng hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng đẩy nhanh hơn nữa tiến trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu trong thời gian tới.

Cần tiếp tục nâng tầm

Dù “ghi điểm” đối với nhà đầu tư nước ngoài, song trước bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng biến động, chặng đường tới đây của hệ thống ngân hàng Việt còn nhiều chông gai. Nội tại của hệ thống cũng đối mặt với không ít khó khăn như nợ xấu tiềm ẩn gia tăng, tái cơ cấu vẫn còn bộn bề. Trong khi đó, việc áp dụng Basel II của các ngân hàng Việt Nam vẫn chưa đồng đều. Có ngân hàng tiệm cận Basel III nhưng có ngân hàng chưa hoàn thành Basel II.

Để tiếp tục thành công TS. Võ Trí Thành cho rằng, song song với xử lý các vấn đề còn tồn tại, cần phải đẩy nhanh cải cách trong hoạt động của hệ thống ngân hàng bằng những hành động quyết liệt như đẩy nhanh tiến trình áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao và Basel III với các TCTD; nới room ngoại, tiến tới điều hành CSTT theo lạm phát mục tiêu...

tin nhiem ngan hang viet qua lang kinh nha dau tu ngoai

Không chỉ đòi hỏi từ thực tế, mà tại Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 đã yêu cầu triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại các NHTM Nhà nước nắm cổ phần chi phối và NHTM cổ phần có chất lượng quản trị tốt đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn vào cuối năm 2025… Việc áp dụng phương pháp nâng cao sẽ giúp đánh giá đúng mức độ rủi ro tín dụng của từng khoản vay hơn những quy định hiện hành.

Tất nhiên khi triển khai đồng thời các chuẩn mực Basel nâng cao, chắc chắn áp lực về tăng vốn của ngân hàng trong trung và dài hạn là rất lớn. Điều này buộc các ngân hàng phải lập kế hoạch chặt chẽ, tối ưu hoá nguồn vốn, xây dựng các kế hoạch kinh doanh hiệu quả nhằm đảm bảo sự phát triển nhanh nhưng vững bền của ngân hàng.

Nhìn về tương lai, những “cơn gió ngược” toàn cầu dường như sẽ vẫn tiếp tục, nhưng Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam ông Andrew Jeffries tin tưởng mạnh mẽ rằng, Chính phủ, NHNN Việt Nam sẽ tiếp tục chèo lái thành công trong môi trường đầy thách thức này. Qua đó duy trì được tăng trưởng nhanh trên chặng đường phát triển kinh tế, xã hội. Bên cạnh nỗ lực cải thiện các vấn đề nội tại, nếu hệ thống ngân hàng có đóng góp, hỗ trợ tích cực hơn đối với nền kinh tế cũng sẽ rút ngắn thời gian để nâng hạng tín nhiệm quốc gia. Theo đó, chắc chắn các ngân hàng Việt cũng sẽ sớm lọt vào mắt xanh của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế lớn.

Giới chuyên gia cũng tin rằng, những ngân hàng hoạt động bài bản, đạt chỉ số tín nhiệm cao từ các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới sẽ duy trì được sự phát triển bền vững và đạt kết quả kinh doanh tốt, cũng như tận dụng được nhiều cơ hội hơn khi nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.