CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Công nhân làm việc ở một dây chuyền lắp ráp điện thoại di động của hãng smartphone OnePlus tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: Getty |
Tờ Tin tức Chứng khoán Thượng Hải đưa tin Trung Quốc vừa quyết định thành lập một quỹ đầu tư với số vốn 147,2 tỉ nhân dân tệ (21 tỉ đô la) để đầu tư vào các công ty đang trong giai đoạn phát triển và đã phát triển trong các lĩnh vực như vật liệu mới, công nghệ thông tin thế hệ mới và thiết bị điện lực.
Theo đó, quỹ đầu tư mới, có tên Quỹ Nâng cấp và Chuyển đổi ngành công nghiệp sản xuất quốc gia (NMITUF) cũng được thành lập với sự góp vốn của 20 cổ đông. Trong đó, Bộ Tài chính Trung Quốc là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 15,29% cổ phần (22,5 tỉ nhân dân tệ). Một đơn vị đầu tư của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc sẽ đóng góp 13,59% cổ phần. Tổng Công ty thuốc lá Trung Quốc và Quỹ Bảo hiểm quốc gia Trung Quốc mỗi bên sẽ góp 10,19% cổ phần.
Ngoài ra, các bên tham gia góp vốn còn có Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CRRC), hãng xe FAW, Công ty sản xuất màn hình Tunghsu Optoelectronic Technology, Công ty sản xuất thiết bị điện Shanghai Electric Group, Công ty sản xuất xe buýt điện Zhengzhou Yutong Bus...
Zhang Yuzhe, một chuyên gia ở Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho hay, quỹ đầu tư này sẽ đầu tư rộng khắp toàn bộ chuỗi giá trị của ngành công nghiệp sản xuất.
Động thái trên của Trung Quốc diễn ra khi nước này quyết tâm theo đuổi tham vọng dẫn đầu công nghệ toàn cầu. Bất chấp các chỉ trích của Mỹ cho rằng Bắc Kinh đang cung cấp các chính sách trợ cấp cho công ty trong nước, tạo lợi thế cho họ trước sự cạnh tranh của các đối thủ nước ngoài.
Ba lĩnh vực gồm vật liệu mới, công nghệ thông tin thế hệ mới và thiết bị điện lực mà quỹ đầu tư mới nhắm đến nằm trong số 10 lĩnh vực công nghệ cao mà Trung Quốc ưu tiên hỗ trợ trong chương trình Made in China 2025 (được sản xuất tại Trung Quốc năm 2025). Điều này nhằm đạt mục tiêu tự sản xuất 70% linh kiện công nghệ và vật liệu quan trọng vào năm 2025.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump kịch liệt chỉ trích chương trình này vì nó dựa vào nhiều chính sách trợ cấp cho các công ty trong nước và cưỡng ép chuyển giao công nghệ đối với các công ty nước ngoài muốn kinh doanh ở Trung Quốc. Trong năm nay, Bắc Kinh đã thôi đề cập đến chương trình Made in China 2025 nhưng vẫn tìm cách vươn lên dẫn đầu thế giới về ngành công nghệ và sản xuất cao cấp.
Các chuyên gia cho rằng quỹ mới của Trung Quốc có thể bị Mỹ phản đối giữa lúc hai nước vẫn đang còn bất đồng về các vấn đề cốt lõi trong tiến trình đàm phán hướng đế một thỏa thuận thương mại hạn chế.
Ông Jeff Moon, cựu trợ lý Đại diện Thương mại Mỹ phụ trách Trung Quốc cho biết: “Đây dường như là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm thúc đẩy chương trình Made in China 2025 với dụng ý rõ ràng là phát triển các công nghệ cao cấp, trong khi đó, gạt bỏ các công ty nước ngoài ra khỏi thị trường của các công nghệ này ở Trung Quốc”.
Ở phía đối diện, Bộ Tài chính Trung Quốc và NDRC vẫn chưa đưa ra bình luận nào về quỹ đầu tư mới.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc thành lập nhiều quỹ được chính phủ hậu thuẫn với nguồn vốn hàng tỉ đô la để đầu tư vào các ngành công nghệ và sản xuất cao cấp được xác định trong chương trình Made in China 2025. Chẳng hạn, Quỹ đầu tư ngành công nghiệp mạch tích hợp quốc gia Trung Quốc (CICIIF) ra đời vào năm 2014 với số vốn 139 tỉ nhân dân tệ (20 tỉ đô la). Quỹ định hướng vốn đầu tư mạo hiểm quốc gia dành cho các ngành công nghiệp mới nổi được thành lập vào năm 2015 với số vốn 40 tỉ nhân dân tệ (5,7 tỉ đô la). Hồi tháng trước, Trung Quốc tiếp tục thành lập một quỹ đầu tư bán dẫn với số vốn 29 tỉ đô la. |
Theo SCMP, Wall Street Journal