CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Ngày 10/12 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã cùng Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 16 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc.
Phiên họp lần thứ 16 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc ngày 10/12 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Bộ Ngoại giaoPhó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị đẩy nhanh kết nối đường sắt, ưu tiên triển khai ba tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, khôi phục tuyến vận tải liên vận đường sắt quốc tế giữa hai nước.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị phía Trung Quốc tạo điều kiện về slot máy bay cho các hãng hàng không của Việt Nam; vận hành an toàn Khu cảnh quan Bản Giốc – Đức Thiên; tiếp tục mở cửa thị trường cho nông sản chất lượng cao của Việt Nam, tạo thuận lợi để Việt Nam mở thêm Văn phòng Xúc tiến thương mại tại một số địa phương Trung Quốc.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng đề nghị thúc đẩy đầu tư chất lượng cao của Trung Quốc vào Việt Nam; triển khai hiệu quả các khoản viện trợ của Trung Quốc; tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như nông nghiệp, môi trường, tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục đào tạo, mở ra những lĩnh vực hợp tác mới, động lực tăng trưởng mới cho quan hệ song phương.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Bộ Ngoại giao.Đánh giá cao các đề xuất hợp tác của Việt Nam, Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định Trung Quốc coi trọng thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, sẵn sàng mở rộng nhập khẩu hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực mua bán điện.
Ông Vương Nghị đề nghị phối hợp xử lý vướng mắc trong một số dự án đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam; khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam phù hợp với nhu cầu, thế mạnh của hai bên; đề nghị hai bên tăng cường kết nối chiến lược phát triển, hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất ổn định ở khu vực.
Hai bên trao đổi thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí tiếp tục thực hiện nghiêm túc nhận thức chung cấp cao, kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên kiên trì lấy Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, luật pháp quốc tế làm nền tảng; đặt mình vào vị trí của nhau, tôn trọng chủ quyền, lợi ích hợp pháp của nhau.
Đại diện phía Việt Nam đề nghị tiếp tục phát huy vai trò của các cơ chế đàm phán về biển, thúc đẩy hợp tác trên biển đạt tiến triển thực chất, xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển, trong đó có vấn đề tàu cá, ngư dân phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và tinh thần hữu nghị cũng như đà phát triển tốt đẹp của quan hệ hai Đảng, hai nước; cùng các nước ASEAN thúc đẩy đàm phán, sớm đạt văn bản COC hiệu lực, thực chất.
Trao thỏa thuận hợp tác làm 3 tuyến đường sắtNhân dịp này, hai bên đã trao thỏa thuận giữa hai Chính phủ về hợp tác xây dựng ba tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng).
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Vương Nghị đã tham dự Lễ kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước Biên giới và 15 năm ký ba văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.
Trước đó, ngày 9/12/2024, đại diện hai nước đã tiến hành Phiên họp lần thứ nhất Đối thoại cấp Thứ trưởng giữa các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an trong khuôn khổ Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc. Tại đối thoại, hai bên bên đi sâu trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực; nhất trí duy trì trao đổi chiến lược thường xuyên, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, an ninh.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam có các đường dây nối với các nước láng giềng và đã mua điện Trung Quốc từ năm 2005 qua Lào Cai và Hà Giang. Năm 2023, sản lượng mua từ Trung Quốc khoảng 1,06 tỷ kWh.
Hồi tháng 4/2024, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết đã đàm phán để tăng nhập khẩu điện Trung Quốc năm 2024 lên 1,8 tỷ kWh, tăng 700 triệu kWh so kế hoạch (trong đó nhập khẩu thêm tại Móng Cái khoảng 70 MW trong các tháng mùa khô).