CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC): Hướng tới một cơ quan TTTD hàng đầu khu vực

Invest Global 10:00 17/11/2021

Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trò chuyện với ông Cao Văn Bình, Tổng giám đốc CIC về chiến lược phát triển và những biện pháp hỗ trợ các TCTD, người dân vượt qua đại dịch Covid-19.

trung tam thong tin tin dung quoc gia viet nam cic huong toi mot co quan tttd hang dau khu vuc Ông Cao Văn Bình

Xin chúc mừng ông đã được Ban cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN Việt Nam cũng như cán bộ, người lao động CIC tin tưởng giao nhiệm vụ Tổng giám đốc CIC. Ông có chia sẻ gì về nhiệm vụ cũng như trọng trách này, cùng các mục tiêu trước mắt của CIC trong thời gian tới?

Trước hết, tôi xin trân trọng cảm ơn Ban cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN và tập thể CIC đã tin tưởng giao nhiệm vụ mới cho tôi. Được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc CIC là vinh dự, song đây cũng là trách nhiệm lớn với cá nhân tôi. Thời gian tới sẽ là một giai đoạn rất quan trọng khi CIC vừa hoàn thành các nhiệm vụ của Đề án phát triển CIC giai đoạn 2015-2020 và bắt đầu triển khai thực hiện Đề án phát triển CIC giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Đại dịch Covid-19 tác động tới nền kinh tế cũng như ngành Ngân hàng, tuy nhiên cũng mở ra cơ hội để ngành Ngân hàng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. CIC cũng trong quá trình phát triển đó với 5 nhiệm vụ, mục tiêu chính trong thời gian tới bao gồm: (1) Phát triển CIC trở thành Cơ quan thông tin tín dụng (TTTD) hàng đầu khu vực; Nâng cao vai trò và vị thế của CIC là đầu mối dữ liệu tín dụng của ngành Ngân hàng, gắn sự phát triển của CIC với hiệu quả hoạt động quản lý của NHNN theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với nhiệm vụ quan trọng nhất là phát triển, hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thông tin, sản phẩm, dịch vụ phục vụ hoạt động quản lý, điều hành của NHNN và hỗ trợ các TCTD trong hoạt động kinh doanh; (2) Phát triển cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia tập trung, đầy đủ, chính xác; đảm bảo việc tích hợp và kết nối đồng bộ với các Cơ sở dữ liệu quốc gia khác; (3) Hoàn thành việc nâng cấp hệ thống CNTT, các ứng dụng nghiệp vụ lõi cho hoạt động TTTD theo Kế hoạch Ứng dụng CNTT giai đoạn 2018-2023 trên các nền tảng công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghệ 4.0; (4) Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động và hành lang pháp lý về hoạt động TTTD theo cơ chế tự chủ quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; (5) Hoàn thành việc xây dựng cơ sở vật chất, nơi làm việc của CIC tại 45 Lý Thường Kiệt và trụ sở làm việc chi nhánh CIC tại thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đòi hỏi tập thể CIC phải nỗ lực phấn đấu với tinh thần: Đoàn kết - Đổi mới - Trách nhiệm.

Xây dựng kho dữ liệu quốc gia, mở rộng độ phủ TTTD luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của CIC. Vậy những giải pháp để mở rộng phát triển nguồn dữ liệu TTTD trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Phát triển cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia được CIC xác định là nhiệm vụ cốt lõi, thường xuyên, liên tục. Vì vậy, CIC đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm phát triển cơ sở dữ liệu TTTD cả về chiều rộng và chiều sâu.

Đến nay, CIC đã thu thập được thông tin từ 123/123 đầu mối TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1165 quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô chính thức và 75 tổ chức tự nguyện tham gia hoạt động TTTD. Tỷ lệ cập nhật số liệu thành công từ TCTD luôn đạt mức cao. CIC sẽ tiếp tục chú trọng mở rộng thu thập thông tin từ các tổ chức tự nguyện, nguồn thông tin trực tiếp từ khách hàng vay, từ các bộ, ngành, các cơ quan quản lý nhà nước có chức năng quản lý dữ liệu về khách hàng, doanh nghiệp và dân cư, nguồn thông tin từ các tổ chức TTTD nước ngoài…

Đặc biệt, chúng tôi đang nghiên cứu và triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu TTTD qua việc tích hợp, kết nối đồng bộ cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia với các Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm xã hội. CIC sẽ đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống CNTT, chuẩn hóa giải pháp, quy trình, nghiệp vụ lõi cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT, chuyên gia xử lý dữ liệu để có thể đảm bảo chất lượng nguồn dữ liệu thu thập, nâng cao tỷ lệ tự động hóa trong việc thu thập, xử lý, lưu giữ, cập nhật TTTD.

Với những giải pháp, chiến lược cụ thể nói trên, chúng tôi đã đặt mục tiêu trong thời gian tới sẽ duy trì điểm tuyệt đối chỉ số chiều sâu TTTD, với tổng số chủ thể dữ liệu được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu TTTD Quốc gia sẽ gia tăng đáng kể trong từng giai đoạn và độ phủ TTTD sẽ đạt trên 90% dân số trưởng thành trong giai đoạn 2025- 2030.

trung tam thong tin tin dung quoc gia viet nam cic huong toi mot co quan tttd hang dau khu vuc

Cổng thông tin kết nối khách hàng vay ra đời đã đóng góp tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn về tiếp cận tín dụng cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen. Trong thời gian tới, CIC sẽ tiếp tục phát triển Cổng kết nối này như thế nào?

Thời gian qua, CIC đẩy mạnh dịch vụ trực tiếp cho khách hàng vay thông qua Cổng thông tin kết nối khách hàng vay. Kết quả, CIC ghi nhận trên 453 nghìn khách hàng đăng ký tài khoản, trên 236 nghìn nhu cầu vay, trên 167 nghìn báo cáo đã được khai thác.

Tuy nhiên, kết quả trên còn khá khiêm tốn. CIC nhận thấy vẫn có một số lượng lớn khách hàng vẫn chưa biết đến cổng thông tin, hay còn nghi ngại ứng dụng để thu thập thông tin trái phép hoặc thực hiện các mục đích trái pháp luật.

Để Cổng thông tin trở thành địa chỉ tin cậy của khách hàng vay và TCTD, CIC sẽ tiếp tục phát huy những điểm mạnh đang có, đồng thời sẽ có những giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế để Cổng thông tin ngày càng hoàn thiện hơn, cụ thể:

Thứ nhất, giới thiệu, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng để đưa lợi ích của Cổng thông tin đến gần hơn với khách hàng, đặc biệt nhấn mạnh về tính năng bảo mật, bảo đảm an toàn cho khách hàng qua Cổng thông tin chính thống của Chính phủ.

Thứ hai, phối hợp tích cực với các TCTD phát triển thêm nhiều sản phẩm tín dụng để người dân và doanh nghiệp lựa chọn, đơn giản hóa quy trình phê duyệt, tăng tần suất kết nối nhu cầu vay với khách hàng.

Thứ ba, áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến để cập nhật các chức năng như: ứng dụng định danh khách hàng điện tử, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia để nâng cao tính chính xác, hiệu quả trong công tác xác thực khách hàng.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội có nhiều biến động với tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, ông có thể cho biết những chính sách hỗ trợ cho TCTD, người dân và doanh nghiệp của CIC?

Như chúng ta đã biết, đễ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngay khi NHNN ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN) quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, CIC cũng kịp thời thực hiện hướng dẫn TCTD báo cáo thông tin khách hàng vay được điều chỉnh giữ nguyên nhóm nợ theo các thông tư nói trên.

Đồng thời, CIC thực hiện giảm giá trong 4 lần với tổng số tiền giảm giá là khoảng 399 tỷ đồng, trong đó riêng trong năm 2021, tính đến ngày 31/10/2021, CIC đã giảm trên 199 tỷ phí khai thác dịch vụ TTTD cho các TCTD. Bên cạnh đó, CIC tiến hành cung cấp hoàn toàn miễn phí khai thác báo cáo quan hệ tín dụng khách hàng cho Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm hỗ trợ chương trình cho vay vốn để trả lương ngừng việc do Covid-19. Ngoài ra, CIC tiếp tục thực hiện cung cấp các dịch vụ khai thác báo cáo tín dụng cho cá nhân, doanh nghiệp cũng như kết nối nhu cầu vay của khách hàng với TCTD trên Cổng thông tin kết nối khách hàng vay của CIC, những dịch vụ này thực sự mang lại nhiều kết quả tích cực trong giai đoạn Covid-19 khi các giao dịch trực tiếp bị hạn chế.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.