CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Năm 2021, nông dân Tiền Giang xuống giống trên 133 nghìn ha. Trong đó, nhóm lúa đặc sản, lúa thơm, lúa chất lượng cao chiếm gần 90%. Các giống lúa chất lượng cao chủ lực như: OM6976, OM18, Hương Châu 6… trên 40%; lúa thơm đặc sản: Nàng Hoa 9, Ðài Thơm 8, ST24 chiếm gần 48%.
Vụ đông xuân 2021-2022, nông dân tiếp tục phát huy và mang lại lợi nhuận cao hơn so với các giống lúa truyền thống từ 100 đến 300 đồng/kg. Vài năm trở lại đây, các huyện phía tây của Tiền Giang: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành…, nông dân trồng lúa cũng đã chú trọng đến việc gieo trồng lúa chất lượng cao, lúa thơm.
Tại tỉnh Bến Tre, nông dân ba huyện giáp biển: Ba Tri, Bình Ðại, Thạnh Phú gieo cấy gần 10 nghìn ha “lúa sạch” để xuất khẩu sang các nước Châu Âu. Trong đó, huyện Thạnh Phú có khoảng 6.000 ha sản xuất theo mô hình lúa-tôm.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, trung bình 1 ha, nông dân trồng lúa, nuôi tôm thu lợi nhuận 70-100 triệu đồng/năm. Trong đó, sản phẩm lúa và thủy sản đều “sạch”, chất lượng cao nên không đủ để tiêu thụ. Thời gian tới, địa phương sẽ làm cầu nối để các hợp tác xã trên địa bàn ký kết với đơn vị chuyên về xuất khẩu gạo sản xuất 300 ha lúa hữu cơ xuất sang châu Âu.
Nông dân đưa máy cấy kết hợp với phun thuốc vào đồng ruộng tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang
Theo thống kê tại tỉnh Long An, lúa chất lượng cao, lúa thơm chiếm trên 90% như: Jasmine 85, Ðài Thơm 8, OM4900… Những diện tích này tập trung tại huyện Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng… Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, người dân sản xuất lúa chất lượng cao, đặc sản có giá trị cao hơn lúa thường từ 10-20%.
Từ nhu cầu của thị trường, các giống lúa thơm, đặc sản ngày càng được nông dân chú trọng gieo trồng. Khoa học công nghệ tiến bộ, nông dân tận dụng các thiết bị máy móc đưa vào đồng ruộng nhằm giảm sức lao động, nâng cao hiệu quả canh tác hơn nữa.
Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, thời gian qua tỉnh đã triển khai nhiều mô hình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” tại xã Long Vĩnh (Gò Công Tây); mô hình “Sản xuất lúa theo 1 phải 5 giảm” trên toàn tỉnh, với tổng diện tích gần 150 ha. Cùng với đó là mô hình trình diễn “Ứng dụng máy cấy/sạ kết hợp vùi phân bón ứng dụng công nghệ cao” đã được triển khai với diện tích trên 2.600 ha. Nhờ đó, lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh, lợi nhuận đạt 18-20 triệu đồng/ha, tăng 2-3 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.
Các mô hình này đã góp phần thay đổi tập quán sản xuất lúa của nông dân, nhất là giảm mật độ gieo sạ và sử dụng cân đối phân bón, tăng cường sử dụng phân hữu cơ giúp cải tạo độ phì cho đất canh tác, giảm thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.
Mô hình lúa-tôm được áp dụng rộng rãi ở nhiều địa phương tại tỉnh Bến Tre, Tiền Giang… cho hiệu quả kinh tế ổn định
Tỉnh Bến Tre đang triển khai các giải pháp như tuyên truyền, tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực, quy hoạch các khu trồng lúa; xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư sản xuất lúa theo công nghệ cao. Ðồng thời, tỉnh khuyến khích nông dân, tổ chức, cá nhân dồn điền, đổi thửa, cho thuê đất và tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trong khi đó, tỉnh Long An đã quy hoạch bốn vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gần 7.000 ha, đạt chuẩn hàng hóa xuất khẩu. Năm 2022, Long An tiếp tục mở rộng vùng trồng lúa ứng dụng công nghệ cao đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu tại sáu huyện và thị xã, với diện tích là 1.400 ha; xây dựng 26 mô hình điểm tại sáu huyện, thị xã Kiến Tường, với diện tích là 1.300 ha.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng lúa nói riêng là giải pháp ưu việt, tạo hướng đi mới trước tình hình nông nghiệp có nhiều biến động như hiện nay. Ðể thực hiện được mục tiêu, các địa phương Tiền Giang, Long An, Bến Tre đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, tổ chức lại sản xuất; bảo đảm lộ trình đầu tư, quy trình sản xuất và liên kết sản xuất-tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Sưu tầm