CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Vạch trần các chiêu thức lập bảng kê “khống” để trốn thuế

Invest Global 15:06 05/05/2024

Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc kê khai chi phí đầu vào đối với các hàng hóa, nguyên vật liệu mua của người sản xuất, kinh doanh không có hóa đơn, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cho phép doanh nghiệp lập bảng kê số lượng, giá trị các hàng hóa, nguyên vật liệu để hạch toán vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, lợi dụng quy định thông thoáng này, một số doanh nghiệp đã lập bảng kê “khống” nhằm tăng chi phí và giảm thu nhập để trốn thuế.

(TBTCO) - Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc kê khai chi phí đầu vào đối với các hàng hóa, nguyên vật liệu mua của người sản xuất, kinh doanh không có hóa đơn, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cho phép doanh nghiệp lập bảng kê số lượng, giá trị các hàng hóa, nguyên vật liệu để hạch toán vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, lợi dụng quy định thông thoáng này, một số doanh nghiệp đã lập bảng kê “khống” nhằm tăng chi phí và giảm thu nhập để trốn thuế.

Lập bảng kê với số lượng, giá trị cao hơn so với thực tế

Theo quy định tại khoản 4, Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015, thì chi phí của doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ không có hóa đơn, được phép lập bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC cùng với chứng từ thanh toán cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ trong các trường hợp sau được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN):

Mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra; mua sản phẩm thủ công làm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, song, mây, rơm, vỏ dừa, sọ dừa hoặc nguyên liệu tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp của người sản xuất thủ công không kinh doanh trực tiếp bán ra.

Vạch trần các chiêu thức lập bảng kê “khống” để trốn thuế

Lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật, một số tổ chức, doanh nghiệp đã lập bảng kê các mặt hàng, nguyên vật liệu với số lượng lớn để tính vào chi phí. Ảnh minh họa TL

Mua đất, đá, cát, sỏi của hộ, cá nhân tự khai thác trực tiếp bán ra; mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt; mua tài sản, dịch vụ của hộ, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra; mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (100 triệu đồng/năm).

Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực. Doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ được phép lập bảng kê và được tính vào chi phí được trừ. Các khoản chi phí này không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Trường hợp giá mua hàng hóa, dịch vụ trên bảng kê cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua hàng thì cơ quan thuế căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm mua hàng, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự trên thị trường xác định lại mức giá để tính lại chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Lợi dụng quy định này, một số tổ chức, doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh như xây dựng, ăn uống, thu mua, kinh doanh, chế biến, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản…, đã lập bảng kê các mặt hàng, nguyên vật liệu với số lượng lớn để tính vào chi phí. Đối với ngành xây dựng, bảng kê thường có các hàng hóa như đất, đá, cát sỏi, vật liệu làm giàn giáo, cây cảnh, cây bóng mát đường phố.

Đối với ngành nghề sản xuất, kinh doanh, chế biến, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, bảng kê thường ghi các sản phẩm như lúa, ngô, khoai, sắn, mía, cây dược liệu, gỗ rừng trồng như keo, bạch đàn, cá, tôm và các loại hải sản khác.

Đối với ngành ăn uống, bảng kê thường là nguyên liệu chế biến món ăn như các loại thực phẩm rau, thịt, cá, tôm, cua.

Đối với một số ngành nghề khác vẫn có lập bảng kê các hàng hóa mua ngoài như công cụ dụng cụ, văn phòng phẩm.

Ngoài các doanh nghiệp kê khai trung thực thì vẫn có nhiều doanh nghiệp kê khai gian dối và lập bảng kê 01/TNDN để trốn thuế.

Các hình thức sai phạm chủ yếu như: Lập bảng kê 01/TNDN nhưng không có chứng từ mua bán, chữ ký của người bán, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của người bán kèm theo.

Lập bảng kê số lượng và giá trị cao hơn nhiều so với thực tế hàng hóa, nguyên vật liệu đã mua. Khi đối chiếu các định mức chi phí hoặc dự toán của doanh nghiệp không phù hợp. Phổ biến đối với trường hợp này là các cơ sở kinh doanh sản phẩm gỗ rừng trồng thường kê khai số lượng cây keo, tràm, bạch đàn mua của người dân trực tiếp bán ra trên Bảng kê 01/TNDN, sau đó xuất hóa đơn bán ra với số lượng lớn cho các cơ sở chế biến gỗ xuất khẩu.

Lập chứng từ mua bán làm giả chữ ký của người bán, nhưng thực tế xác minh người bán không có chữ ký như vậy và không hề phát sinh giao dịch mua bán hàng hóa.

Lợi dụng căn cước công dân của người thân, người nhà để lập chứng từ mua bán khống, lập bảng kê khống các mặt hàng để tính vào chi phí.

Tuyên truyền để người dân không tiếp tay cho việc trốn thuế

Để ngăn chặn tình trạng này, ngày 2/4/2024, Tổng cục Thuế ban hành Công văn số 1336/TCT-TTKT về việc tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động mua hàng hóa bằng hình thức bảng kê.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế, Cục Thuế Quảng Bình đã có văn bản yêu cầu văn phòng và các phòng thuộc cục thuế, chi cục thuế các huyện, khu vực nghiêm túc quán triệt đến cán bộ, công chức trong đơn vị nội dung Công văn số 1336/TCT-TTKT ngày 2/4/2024 của Tổng cục Thuế.

Vạch trần các chiêu thức lập bảng kê “khống” để trốn thuế Ngành xây dựng, bảng kê thường có các hàng hóa như đất, đá, cát sỏi... Ảnh TL minh họa.

Nghiên cứu triển khai thực hiện các nội dung có liên quan, thuộc chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị mình. Thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn bằng các hình thức phù hợp để người dân có hoạt động cung cấp các hàng hóa, dịch vụ được phép lập bảng kê nâng cao ý thức tuân thủ quy định của pháp luật về thuế, không tiếp tay cho các tổ chức, cá nhân hợp thức hóa hàng hóa mua vào không có hóa đơn.

Trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế Cục Thuế Quảng Bình chỉ đạo phải thực hiện việc xác minh các trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ bằng hình thức bảng kê được quy định tại điểm 2.4 khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính (được sửa đổi tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015) làm căn cứ xác định chi phí được trừ khi tính thuế TNDN, tránh thất thu ngân sách nhà nước.

Trường hợp qua công tác thanh tra, kiểm tra, xác minh phát hiện doanh nghiệp có vi phạm pháp luật thì tham mưu xử lý nghiêm theo quy định. Nếu có dấu hiệu tội phạm thì báo cáo lãnh đạo cục thuế để chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Cục Thuế tỉnh Quảng Bình cũng đã khuyến cáo, đề nghị các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thuộc các trường hợp nói trên thực hiện rà soát lại các khoản chi phí thu mua hàng hóa, nguyên vật liệu có lập bảng kê; loại trừ các chi phí thu mua không đúng quy định, không đúng thực tế phát sinh và thực hiện kê khai điều chỉnh, bổ sung nghĩa vụ thuế. Việc lập bảng kê không đúng thực tế phát sinh để tính vào chi phí tính thuế TNDN là hành vi trốn thuế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Môi trường kinh doanh