CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Vẫn còn nhiều rào cản ngăn vốn tín dụng đi vào nền kinh tế

Invest Global 15:32 14/03/2024

(KTSG Online) - Tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm giảm, trong khi lượng tiền gửi còn rất lớn, khoảng 14 triệu tỉ đồng. Điều này cho thấy lượng tiền

(KTSG Online) – Tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm giảm, trong khi lượng tiền gửi còn rất lớn, khoảng 14 triệu tỉ đồng. Điều này cho thấy lượng tiền trong hệ thống các tổ chức tín dụng còn nhiều nhưng không thể đi vào nền kinh tế.

Đa dạng sản phẩm tín dụng để doanh nghiệp ngành lúa gạo tiếp cận dễ hơnGói tín dụng 120.000 tỉ đồng cần giải ngân đúng mục tiêu và hiệu quảTín dụng đến hết tháng 2-2024 giảm 0,72% so với cuối năm ngoái, cho thấy vốn vẫn khó bơm vào nền kinh tế. Ảnh: LÊ VŨ

Vì sao tiền khó vào nền kinh tế?

Số liệu do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chia sẻ tại hội nghị chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh sáng 14-3 cho thấy, vốn rót vào bất động sản và chứng khoán trong hai tháng đầu năm 2024 tăng so với thời điểm cuối năm 2023 với mức tăng lần lượt là 0,23% và 2,56%, trong khi các ngành khác đều giảm.

Tính chung, tăng trưởng tín dụng tính tới 29-2-2024 giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Mức này có cải thiện so với số liệu được Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KHĐT) công bố cuối tháng 1-2024 là giảm 1,12%, nhưng vẫn âm.

Lý giải điều này, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN cho rằng yếu tố mùa vụ là dịp Tết Nguyên đán, cùng khả năng hấp thụ vốn thấp đã tác động tới tiến độ giải ngân vốn của các tổ chức tín dụng. Cụ thể, doanh nghiệp thường hạn chế vay mới giai đoạn đầu năm. Thậm chí, nhiều đơn vị thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá vật liệu tăng, thiếu đơn hàng.

Ngoài ra, chính sách tồn kho của nhà nhập khẩu thay đổi trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, giảm trung bình từ khoảng 2-3 tháng bán hàng xuống khoảng 3-4 tuần. Điều này dẫn tới nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp thực hiện các đơn hàng xuất khẩu giảm.

Tăng trưởng kinh tế khó khăn cũng tác động tới thu nhập của cá nhân và hộ gia đình, làm tăng nhu cầu tiết kiệm và giảm nhu cầu vay chi tiêu. Bên cạnh đó, cho vay của các ngân hàng cũng bị ảnh hưởng do thị trường bất động sản chưa hồi phục, bởi nhóm này chiếm khoảng 21% tín dụng chung.

Ngoài những yếu tố trên, một số nhóm khách hàng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn khi quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi. Ngược lại, một số ngân hàng còn thận trọng trong thực hiện cấp tín dụng do nợ xấu tăng. Cụ thể, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối năm 2023 là 4,55%, tăng so với mức 2,03% vào cuối năm 2022.

Thủ tục cho vay, thời gian xét duyệt vay quá thận trọng tại một số ngân hàng cũng khiến tỷ lệ giải ngân thấp.

Với việc tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm giảm dù mặt bằng lãi suất huy động và cho vay lần lượt giảm 0,2% và 0,7% so với năm 2023. Trong khi lượng tiền gửi còn rất lớn, khoảng 14 triệu tỉ đồng, nền kinh tế phải đối mặt với tình trạng tiền nhiều nhưng vốn không thể ra nền kinh tế.

Đồng tình với các vấn đề NHNN nêu, song nhiều doanh nghiệp cho rằng việc tiếp cận vốn thực tế rất khó khăn, đặc biệt là khoản vay lãi suất thấp.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nói lãi suất vay của các quốc gia xuất khẩu dệt may cạnh tranh với Việt Nam ở mức 3,5%, nhưng ở Việt Nam, với doanh nghiệp tốt là 7% và 9% với doanh nghiệp xấu. Năm 2023, với Vinatex dù dư nợ giảm 11%, nhưng lãi phải trả tăng 10%, tức là giá vốn đắt hơn và lãi phải trả tăng 30% so với năm 2021.

“Các hợp đồng tín dụng mà tập đoàn đang có của tháng 1 và 2-2024 đến giờ này cũng chưa cho thấy được tổng lãi phải trả năm 2024 sẽ thấp đi so với năm trước”, ông Trường thông tin.

Nhìn toàn ngành dệt may, phần lớn doanh nghiệp đang gặp khó khăn và bị thua lỗ. Do đó, việc xem xét hạn mức tín dụng năm nay rất hạn hẹp. Với bối cảnh hiện nay, tất cả các ngân hàng đều cắt giảm hạn mức cho vay với công ty sợi, hoặc yêu cầu có tài sản đảm bảo 100% với khoản vay ngắn hạn, lãi suất từ 7-9%.

“Nếu không có sự hỗ trợ của ngân hàng, chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành thì chúng ta có thể mất đi ngành sợi”, ông Trường lo ngại.

Dù đã vay được vốn với lãi suất thấp hơn nhiều so với năm ngoái, nhưng ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Sun Group vẫn mong muốn doanh nghiệp bất động sản có khả năng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng có chi phí thấp hơn.

Vị này cho rằng các khoản vay của ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại nhà nước hiện có mức chênh lệch khá lớn, khoảng 4-5%. Vì vậy, cần có sự thu hẹp khoảng cách, chi phí vay vốn giảm hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi.

Chờ đợi giải pháp tháo gỡ về cơ chế, pháp lý

Trước những khó khăn hiện hữu, đại diện các doanh nghiệp đều mong chờ giải pháp tháo gỡ về cơ chế, thủ tục pháp lý của các cơ quan quản lý. Ngoài ra, Chính phủ có sự hướng dẫn, giải thích đồng bộ từ trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng để các chính sách này đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất.

Ông Quảng Văn Viết Cương, Phó giám đốc Tổng công ty đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex) cho biết, lĩnh vực bất động sản và phát triển hạ tầng đòi hỏi vốn lớn. Nhưng các khó khăn gần đây khiến cho dự án triển khai chậm hơn, việc sử dụng vốn và kế hoạch trả nợ có thể kéo dài.

Vì vậy, vị này mong chờ các chỉ đạo của Thủ tướng trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp lan tỏa tới địa phương, tới cán bộ công chức, đặc biệt tháo gỡ “chặng cuối” – là các thủ tục, cơ chế thực hiện, thủ tục pháp lý.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cũng kiến nghị các cơ quan quản lý và Chính phủ tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý – vấn đề lớn nhất hiện nay với dự án bất động sản. Việc tháo gỡ này sẽ giúp cho các dự án tiếp cận tín dụng tốt hơn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng bất động sản.

“Đây là giải pháp phi tín dụng rất quan trọng, sớm đưa vào thực thi các luật mà Quốc hội đã ban hành, phát huy vai trò Tổ công tác của Chính phủ trong tháo gỡ các dự án”, ông Châu nói và đề nghị doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm tái cấu trúc các sản phẩm kinh doanh để hấp thụ dòng tiền một cách hợp lý hơn.