CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Ngày 16/10/2024, tại Hà Nội, Đối tác Một sức khỏe về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) tổ chức Hội nghị Khoa học Một sức khỏe với chủ đề "Thực tiễn quốc tế và các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam".
Hội nghị quy tụ các chuyên gia và nhà khoa học đến từ 10 quốc gia, cùng các đối tác chính phủ song phương và đối tác quốc tế đa phương nhằm hưởng ứng ngày Một sức khỏe quốc tế 3/11 hàng năm. Cùng với 100 đại biểu tham dự trực tiếp tại hội nghị, có hàng trăm điểm cầu trực tuyến được kết nối từ các tỉnh, thành phố Việt Nam và các khu vực trên thế giới.
NHIỀU TIẾN BỘ TRONG BẢO VỆ SỨC KHOẺÔng Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết Đối tác Một sức khỏe Việt Nam đã có 20 năm kinh nghiệm vận hành và triển khai các hoạt động. Chương trình này tiền thân là Đối tác PAHI (Cúm gia cầm) năm 2003, và chính thức đổi tên thành Đối tác Một sức khỏe về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người từ năm 2016.
Theo ông Châu, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu trong phòng chống dịch bệnh là tăng cường năng lực điều phối phương pháp tiếp cận liên ngành Một sức khoẻ. Phải đặt cách tiếp cận Một sức khoẻ trong mối tương quan tổng thể và hài hòa giữa sức khỏe con người, động vật và môi trường để tăng cường khả năng chống chịu trước các khủng hoảng đại dịch trong tương lai.
Ông Tô Việt Châu: "Một sức khỏe Việt Nam vẫn còn những khoảng trống trong phối hợp liên ngành và hợp tác đa phương".Việc hợp tác phòng chống đại dịch với Cộng đồng quốc tế tại các Khu vực trên toàn cầu, đặc biệt là các khu vực được coi là điểm nóng như Châu Phi và Đông Nam Á và các Khu vực có nhiều kinh nghiệm về khoa học kỹ thuật tại Nam Bán cầu là các phương hướng hành động của Một sức khỏe Việt Nam trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, thông qua vai trò chủ trì chính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng với sự đồng hành, trách nhiệm cao từ Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường để giải quyết những thách thức phức tạp từ các bệnh lây truyền từ động vật thông thường và động vật hoang dã, kháng kháng sinh và an toàn thực phẩm gây ra.
“Dù được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu về triển khai các sáng kiến Một sức khỏe, có kinh nghiệm thực hành, điều phối tốt và rất sớm so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhưng thực tế vận hành, Một sức khỏe Việt Nam vẫn còn những khoảng trống trong phối hợp liên ngành và hợp tác đa phương, năng lực chuyên môn, nguồn lực để thực thi và tăng cường các chính sách của các lĩnh vực trọng tâm”, ông Tô Việt Châu nhận định.
Mặc dù không đến dự trực tiếp, song Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến vẫn gửi tới hội nghị những thông điệp, trong đó nhấn mạnh: “Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc giải quyết các thách thức sức khỏe cấp bách do các bệnh lây truyền từ động vật sang người, kháng kháng sinh, ngăn chặn hành vi buôn bán, bắt giữ, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã có nguồn gốc tự nhiên và hợp lực đẩy lùi các mối nguy về an toàn thực phẩm”.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, hội nghị là cơ hội để các Bên liên quan cùng nhau thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn quốc tế, áp dụng có chọn lọc và tính toán phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.
CẦN SỰ HỢP TÁC ĐA PHƯƠNGThứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết sự ra đời của thỏa thuận 4 bên giữa Tổ chức Nông nghiệp - Lương thực Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Thú y thế giới (WOAH), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là minh chứng cho cam kết toàn cầu trong việc thực thi Sáng kiến Một sức khỏe. Đồng thời, Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về Một sức khỏe, cùng với sự hỗ trợ từ mạng lưới Một sức khỏe ASEAN và Ban thư ký ASEAN, cho thấy quyết tâm của khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong việc đối mặt và vượt qua các thách thức phức tạp.
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu gọi tất cả đối tác và mạng lưới Một sức khỏe trong nước và quốc tế cùng nhau cam kết chuyển hóa những kiến thức khoa học phục vụ cuộc sống, và biến chúng thành các công cụ và chính sách có thể áp dụng và thực thi rộng rãi trong cộng đồng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Tại hội nghị, các diễn giả trong nước và quốc tế đến từ các lĩnh vực nông nghiệp, y tế và môi trường chia sẻ những bài học và nghiên cứu điển hình, với mục tiêu chuyển đổi các chiến lược toàn cầu thành hành động ở cấp quốc gia. Các phiên thảo luận xác định những khoảng trống và cơ hội trong việc thực hiện các giải pháp hiệu quả, nhằm đưa ra các khuyến nghị hành động đẩy mạnh hợp tác liên ngành.
GS Appolinaire Djikeng: "Trụ cột chăn nuôi có vai trò hàng đầu trong việc giải quyết và phòng ngừa các bệnh lây truyền từ động vật".GS Appolinaire Djikeng, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế (ILRI), cho rằng trụ cột chăn nuôi có vai trò hàng đầu trong việc giải quyết và phòng ngừa các bệnh lây truyền từ động vật, kháng kháng sinh và an toàn thực phẩm. Chăn nuôi tốt sẽ đảm bảo sức khỏe động vật thông qua các yếu tố chuồng trại, an toàn sinh học, vệ sinh dịch tễ, thức ăn... ILRI tự hào góp phần quan trọng trong việc giải quyết các bệnh lây truyền từ động vật sang người thông qua các nghiên cứu và dự án đã và đang phối hợp triển khai tại Việt Nam.
Ông Gyanendra Gongal, Chuyên gia Y tế cộng đồng cao cấp của Tổ chức Thú y tế giới (WHO), cho hay SARS-CoV-2 đã gây ra tổn thất hàng triệu sinh mạng và thiệt hại hàng nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, gần 75% các mối nguy hại sức khỏe mới nổi có nguồn gốc từ động vật.
Vì vậy, điều cần thiết là tất cả các lĩnh vực và ngành liên quan trong mối liên kết giữa con người – động vật – môi trường phải được tham gia để giải quyết các vấn đề sức khỏe một cách hiệu quả, bền vững và tối ưu hơn so với khi không có sự tham gia của tất cả các lĩnh vực liên quan.