CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Vì sao Trung Quốc có thể trả giá đắt khi phong tỏa Thượng Hải?

Invest Global 13:48 19/04/2022

Thượng Hải không chỉ là một trung tâm tài chính lớn mà còn là một trung tâm thương mại, công nghiệp sầm uất.

Làn sóng lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 mới nhất tại Trung Quốc buộc hàng triệu người tại thành phố Thượng Hải phải ở nhà và thực hiện xét nghiệm bắt buộc.

Khi số lượng ca nhiễm tăng nhanh hồi cuối tháng 2, Thượng Hải đã nỗ lực kiểm soát dịch bệnh thông qua chiến lược phong tỏa theo khu vực. Nhưng chỉ một tháng sau đó, chính quyền thành phố này quyết định áp dụng lệnh phong tỏa hai giai đoạn lên toàn bộ các quận khu vực trung tâm.

Phần lớn chúng ta biết đến Thượng Hải là một thành phố lớn của Trung Quốc, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về quy mô kinh tế của thành phố này. Những con số sau đây sẽ cung cấp cho chúng ta cái nhìn rõ hơn về Thượng Hải, một trung tâm kinh tế lớn không chỉ của riêng Trung Quốc mà còn toàn thế giới và “cái giá” của các biện pháp phong tỏa tại đây.

Diện tích và dân số

Theo dữ liệu dân cư công bố năng 2020, dân số của Thượng Hải là 24,9 triệu người. Con số này thấp hơn đôi chút so với tổng dân số 25,7 triệu người của Australia, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, Thượng Hải chỉ chiếm 1,8% tổng dân số Trung Quốc, hiện rơi vào khoảng 1,41 tỷ người.

Nếu so sánh với các tiểu bang tại Mỹ, Thượng Hải có dân số lớn hơn bang Florida (21,8 triệu người) nhưng nhỏ hơn bang Texas (29,5 triệu người). Ở cấp độ thành phố, dân số Thượng Hải gấp 3 lần New York - thành phố lớn nhất lớn nhất nước Mỹ.

Tổng sản phẩm quốc nội GDP

GDP của Thượng Hải tăng 8,1% trong năm 2021, đạt 4.320 tỷ nhân dân tệ (680,31 tỷ USD). GDP của thành phố này lớn hơn GDP của Thụy Điển (660,92 tỷ USD) và thấp hơn của Ba Lan (720,35 tỷ USD), theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Nhưng GDP của thành phố này chỉ chiếm 3,8% tổng GDP của Trung Quốc, rơi vào khoảng 114.470 tỷ nhân dân tệ trong năm 2021, theo các thống kê chính thống.

Vì sao Trung Quốc có thể trả giá đắt khi phong tỏa Thượng Hải? - Ảnh 1.

Trung tâm tài chính Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Getty.

Trung tâm thương mại toàn cầu

Thượng Hải nằm tại khu vực hạ nguồn sông Dương Tử, một trong hai hệ thống sông chính ở Trung Quốc.

Theo Bernstein, Thượng Hải là thành phố có cảng biển bận rộn nhất thế giới, xếp trên Singapore. Cảng hàng không Pudong có lưu lượng luân chuyển hàng hóa đứng thứ 3 thế giới, chỉ xếp sau sân bay Memphis, tiểu bang Tennessee, Mỹ và sân bay quốc tế Hong Kong. Thượng Hải đóng góp tới 7,3% kim ngạch xuất khẩu và 14,4% kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2021, theo Citi.

Trung tâm sản xuất và kinh doanh

Theo Citi, Thượng Hải là trung tâm sản xuất chip bán dẫn quan trọng nhất của Trung Quốc, nơi các tập đoàn lớn như SMIC, Hua Hong và Universal Scientific Industrial đặt nhà máy. Thành phố này cũng quy tụ nhiều hãng sản xuất ôtô lớn như SAIC Motor, Volkswagen, GM, Nio, Tesla và Ford và là nơi đặt trụ sở của nhiều tập đoàn đa quốc gia như Apple, L’Oreal, Samsung Electronics, P&G, LVMH, Nike, Panasonic, Philips, Johnson & Johnson và General Electric,...

Mặt khác, Thượng Hải cũng là cái nôi của ngành đóng tàu của Trung Quốc, với sự hiện diện của một số công ty đóng tàu lớn như Jiangnan , Zhonghua and Waigaoqiao.

Tài chính

Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải có vốn hóa thị trường lớn thứ ba thế giới, xếp sau sàn chứng khoán New York và sàn Nasdaq tại thời điểm cuối năm 2020, theo dữ liệu của Liên đoàn Sở giao dịch Chứng khoán Thế giới.

Trong năm 2020, Vanguard, quỹ tương hỗ lớn của Mỹ, đã thông báo kế hoạch dời trụ sở chính khu vực châu Á từ Hong Kong sang Thượng Hải. Chi nhánh Trung Quốc của Fidelity cũng chọn Thượng Hải làm “đại bản doanh”.

Trung tâm tiêu dùng

Tại Thượng Hải, các thống kê năm 2021 cho thấy thu nhập khả dụng trung bình của người dân đạt 78.027 nhân dân tệ (12.288 USD), cao hơn gấp hai lần mức bình quân chung cả nước. Chi tiêu tiêu dùng bình quân của người dân đạt 48.879 nhân dân tệ, cao gấp đôi mức trung bình toàn quốc.

Chuỗi bán sỉ Costco của Mỹ đã chọn Thượng Hải làm địa điểm mở siêu thị đầu tiên của mình tại Trung Quốc đại lục vào năm 2019.

Trong năm ngoái, Thượng Hải là thành phố có nhiều cửa hàng cà phê nhất Trung Quốc, với tỷ lệ 3 cửa hàng/10.000 người dân, cao hơn các đô thị lớn khác như Quảng Châu, Thâm Quyến và Bắc Kinh, theo Meituan.