CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Trong bối cảnh kỷ nguyên vươn mình của đất nước, Nhadautu.vn đã phỏng vấn ông Jonathan London, Cố vấn kinh tế của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), xung quanh việc cải thiện chất lượng tăng trưởng và môi trường đầu tư nhằm đạt được tăng trưởng bền vững và vượt bẫy thu nhập trung bình.
Ông Jonathan London, Cố vấn kinh tế của UNDP. Ảnh: UNDP.Ông đánh giá như thế nào về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2025? Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng trên 8% cho năm nay, cao hơn mức 7,1% của năm 2024, điều này có khả thi không?
Ông Jonathan London: Tình hình kinh tế Việt Nam vào năm 2025 được nhiều người đánh giá là khá lạc quan. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ Việt Nam đặt ra phản ánh sự tự tin của Chính phủ và niềm tin vào tiềm năng của Việt Nam trong bối cảnh đất nước vượt nhiều "cơn gió ngược" để đạt tăng trưởng cao trong năm 2024.
Nhiều tổ chức và nhà quan sát quốc tế cũng chia sẻ sự lạc quan về khả năng của Việt Nam. Tuy nhiên, liệu tăng trưởng kinh tế trên 7% có khả thi hay không sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của Việt Nam, đặc biệt là tình hình thương mại toàn cầu và tổng cầu trong bối cảnh phức tạp hiện nay. Do đó, khả năng đạt được mức tăng trưởng kinh tế 7% hoặc cao hơn sẽ phần nào phụ thuộc vào một số biến số và ẩn số.
Tuy vậy, nếu các xu hướng tích cực từ năm 2024 tiếp tục, và nếu Chính phủ Việt Nam gửi đi các tín hiệu rõ ràng, thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7% vẫn nằm trong tầm tay.
Tránh trở thành "hòn đảo" tăng trưởng chất lượng cao trong "biển" các ngành năng suất thấpTheo ông nhìn nhận, Việt Nam nên tập trung vào những động lực tăng trưởng mới nào để có thể cải thiện chất lượng tăng trưởng?
Ông Jonathan London: Trong thời gian tới, các động lực tăng trưởng của Việt Nam sẽ vẫn tập trung vào ngành sản xuất và dịch vụ. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh tầm quan trọng của chất lượng tăng trưởng, điều mà chúng ta có thể hiểu là bao gồm tăng năng suất và phát triển các năng lực để tham gia vào sản xuất các sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn.
Mặc dù có nhiều bàn luận về Công nghiệp 4.0 và sự lạc quan mới về đầu tư nước ngoài, ví dụ như chuyến thăm của CEO Nvidia Jensen Huang vào tháng trước, nhưng có chỉ dấu cho thấy Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ rất cao rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Thực tế cho thấy Việt Nam đã bắt đầu rơi vào bẫy thu nhập trung bình do tăng trưởng năng suất chậm và việc các cải cách kinh tế chưa đủ để khuyến khích đầu tư vào con người, công nghệ và hạ tầng thiết yếu.
Để thoát khỏi xu hướng này, Việt Nam cần có những thay đổi quyết định trong các lĩnh vực tôi vừa đề cập, cũng như cải cách thuế. Ngoài ra, tôi có một số quan sát như sau:
Thứ nhất, mặc dù Việt Nam đã đầu tư nhất quán vào giáo dục, hiệu quả của chính sách giáo dục sau bậc trung học cơ sở vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của đất nước, và giáo dục kỹ thuật, dạy nghề vẫn còn yếu kém. Cần thừa nhận rằng hệ thống giáo dục của Việt Nam – mặc dù đã có nhiều dấu hiệu cải thiện – vẫn chưa tạo ra được số lượng và chất lượng lao động có kỹ năng mà Việt Nam cần trong tương lai.
Thứ hai, đầu tư của Việt Nam vào giáo dục đại học, đổi mới sáng tạo và nghiên cứu và phát triển vẫn ở mức rất thấp, ngay cả trong khu vực Đông Nam Á. Điều này không cho thấy Việt Nam đang thực sự nỗ lực thúc đẩy đổi mới và nâng cao năng suất. Vấn đề không phải là "ném tiền" vào giải pháp này, mà là phải quyết tâm hơn nữa để giải quyết nút thắt này. Các cải cách của Chính phủ sắp tới là cơ hội tốt để thực hiện điều này.
Thứ ba, Việt Nam cần gửi một tín hiệu rõ ràng đến các đối tác trong nước và quốc tế rằng quốc gia đang tập trung và cam kết cải thiện mạnh mẽ cơ sở hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng năng lượng quan trọng.
Trong khi các khoản đầu tư dài hạn vào các dự án lớn như đường sắt tốc độ cao và thậm chí năng lượng hạt nhân nhận được nhiều sự chú ý, cần phải hành động để thúc đẩy quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang một chương trình phát triển hạ tầng thân thiện với khí hậu, phù hợp và bền vững hơn, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu năng lượng của Việt Nam và thực tế biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.
Thứ tư, những đột phá quan trọng trong hiệu suất của Việt Nam sẽ không xảy ra nếu Việt Nam không thực hiện các thay đổi then chốt trong chính sách kinh tế vĩ mô và sự phát triển của thị trường vốn trong nước.
Trong chính sách kinh tế vĩ mô, Việt Nam cần cải cách chính sách thuế và chi tiêu để tạo điều kiện và khuyến khích đầu tư công và tư cũng như trong nước và quốc tế vào các lĩnh vực thúc đẩy năng suất như nguồn nhân lực, nghiên cứu và phát triển, và hạ tầng quan trọng.
Việc này đòi hỏi các chính sách và khung pháp lý phải thể hiện rõ ý định của Chính phủ trong việc cải thiện chất lượng tăng trưởng. Ngược lại, điều này sẽ yêu cầu sử dụng có mục tiêu hơn các nguồn tài chính trong nước và quốc tế.
Ông Jonathan London (giữa), Cố vấn kinh tế của UNDP chia sẻ trong một sự kiện. Ảnh: UNDP.Cuối cùng, ở các nền kinh tế thành công như Hàn Quốc và Đài Loan, và thậm chí là Trung Quốc, các khoản đầu tư vào kỹ năng và công nghệ của các doanh nghiệp nội địa đóng vai trò thiết yếu trong thúc đẩy tăng năng suất.
Việt Nam cần gửi một tín hiệu rõ ràng đến các đối tác trong nước và quốc tế rằng quốc gia đang tập trung và cam kết cải thiện mạnh mẽ cơ sở hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng năng lượng quan trọng.
Hiện tại, nghiên cứu cho thấy các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp tư nhân, không đầu tư vào việc nâng cao kỹ năng hoặc áp dụng các công nghệ cao hơn vì thiếu động lực và vì vốn vẫn còn khó tiếp cận ở thị trường vốn trong nước.
Bất kỳ cuộc thảo luận nào về chất lượng tăng trưởng cũng cần xem xét mối quan hệ qua lại giữa các yếu tố mà tôi đã đề cập. Nếu không, sẽ chỉ dẫn đến những “hòn đảo” tăng trưởng chất lượng cao, năng suất cao trong một “biển” các ngành công nghiệp năng suất thấp, kỹ năng thấp, giá trị gia tăng thấp, bị kìm hãm bởi sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng và thiếu các động lực đầu tư. Đây chính là bẫy thu nhập trung bình mà Việt Nam cần tránh.
Năm 2025, Việt Nam cần có các chính sách và hành động cần thiết để giải quyết các vấn đề nêu trên.
Tăng ưu đãi cho nghiên cứu và phát triểnViệt Nam có chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và xanh. Một số nước láng giềng cũng tham gia cuộc đua này. Vậy Việt Nam nên thực hiện những thay đổi nào về pháp lý và đưa ra những ưu đãi nào để củng cố năng lực cạnh tranh?
Ông Jonathan London: Để thu hút đầu tư công nghệ cao và xanh trong bối cảnh cạnh tranh khu vực, Việt Nam cần áp dụng cách tiếp cận toàn diện kết hợp cải cách quy định và các ưu đãi cụ thể.
Thứ nhất, cần có sự minh bạch trong quy định và quy trình đơn giản hóa. Việc thành lập một “Đơn vị Hỗ trợ đầu tư xanh” chuyên trách có thể cung cấp hướng dẫn rõ ràng và đẩy nhanh phê duyệt các dự án bền vững.
Để thúc đẩy đầu tư công nghệ cao, Việt Nam nên tăng cường các ưu đãi cho nghiên cứu và phát triển, chẳng hạn như giảm thuế hoặc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp đổi mới trong lĩnh vực công nghệ xanh.
Thứ hai, Việt Nam cần nâng cấp hạ tầng trong nước, đặc biệt là hạ tầng năng lượng, để phù hợp với mục tiêu xanh. Ưu tiên các dự án năng lượng tái tạo và chuyển đổi sang một khung phát triển hạ tầng bền vững, thân thiện với khí hậu sẽ thể hiện cam kết dài hạn đối với sự phát triển bền vững.
Thứ ba, để thúc đẩy đầu tư công nghệ cao, Việt Nam nên tăng cường các ưu đãi cho nghiên cứu và phát triển, chẳng hạn như giảm thuế hoặc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp đổi mới trong lĩnh vực công nghệ xanh. Tăng đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là đào tạo kỹ thuật và nghề, sẽ tạo ra nguồn nhân lực có kỹ năng, điều kiện thiết yếu để cạnh tranh trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Thứ tư, cần lưu tâm đến cải cách thị trường vốn. Thông qua việc thúc đẩy trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững và các nguồn tài chính tập trung vào đổi mới, Việt Nam có thể thu hút vốn trong và ngoài nước. Đồng thời, các chính sách thuế gắn liền với mục tiêu xanh, như định giá carbon và ưu đãi cho hiệu quả năng lượng, sẽ thúc đẩy các thực hành bền vững hơn.
Cuối cùng, Việt Nam cần thể hiện cam kết với các tiêu chuẩn toàn cầu, như Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh Châu Âu, bằng cách lồng ghép các quy định xanh vào chính sách thương mại và đầu tư.
Những bước đi này, kết hợp với các quan hệ đối tác quốc tế về chuyển giao công nghệ và chuyên môn, sẽ định vị Việt Nam là một quốc gia dẫn đầu trong cuộc đua thu hút đầu tư bền vững và công nghệ cao.
Xin trân trọng cảm ơn ông!