CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Việt Nam ưu tiên khoản vay cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng

Invest Global 16:36 03/04/2023

Việt Nam ưu tiên vay mới vốn vay nước ngoài đầu tư cho: các dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững như phát triển cơ sở hạ tầng; các dự án có khả năng tạo nguồn thu ngoại tệ; các dự án có hiệu ứng lan tỏa; ưu tiên vay về cho vay lại đối với các dự án có khả năng thu hồi vốn.

(TBTCO) - Việt Nam ưu tiên vay mới vốn vay nước ngoài đầu tư cho: các dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững như phát triển cơ sở hạ tầng; các dự án có khả năng tạo nguồn thu ngoại tệ; các dự án có hiệu ứng lan tỏa; ưu tiên vay về cho vay lại đối với các dự án có khả năng thu hồi vốn.

Sáng ngày 3/4/2023, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng tiếp và làm việc với Đoàn công tác về Khung đối tác quốc gia Việt Nam năm tài khóa 2023-2027 của Ngân hàng Thế giới (WB), do bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam làm trưởng đoàn, theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Võ Thành Hưng bày tỏ sự ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ của WB trong quá trình đổi mới và phát triển kinh tế ở Việt Nam thời gian qua.

Việt Nam ưu tiên các khoản vay cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng

Thứ trưởng Võ Thành Hưng phát biểu tại cuộc họp với đoàn công tác của WB. Ảnh: Đức Minh

Sự thành công của Việt Nam hiện nay có sự hỗ trợ quan trọng của các tổ chức tài chính quốc tế như WB, IFC,... cả về nguồn vốn, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, viện trợ và tư vấn chính sách. Theo số liệu thống kê về huy động vốn ODA, vay ưu đãi trong rất nhiều năm qua, WB luôn là nhà tài trợ quan trọng nhất với Việt Nam, đáp ứng khoảng 35% nhu cầu huy động vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

Trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của WB về nguồn vốn tập trung cho một số lĩnh vực chủ chốt đã được Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo để đảm bảo phát huy được tối đa hiệu quả kinh tế theo quy mô. Đồng thời, Việt nam ưu tiên đầu tư cho các dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, có hiệu ứng lan tỏa như phát triển cơ sở hạ tầng; các dự án có khả năng tạo nguồn thu ngoại tệ như dự án hạ tầng giao thông, đô thị thông minh; các dự án có hiệu ứng lan tỏa như hạ tầng nông thôn, thủy lợi; ưu tiên vay về cho vay lại đối với các dự án có khả năng thu hồi vốn.

Việt Nam ưu tiên các khoản vay cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng Quang cảnh cuộc họp.

Theo Thứ trưởng Võ Thành Hưng, Bộ Tài chính hoan nghênh đề xuất của WB hỗ trợ Bộ Tài chính để cải cách thể chế, chính sách trong công tác quản lý tài chính công bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại.

Theo đó, ưu tiên cải cách chính sách quản lý tài chính công của Bộ Tài chính trong thời gian tới như sau: hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN); phát triển đồng bộ, minh bạch và bền vững thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; đẩy nhanh việc đổi mới cơ chế tài chính đối với lĩnh vực sự nghiệp công lập; hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công đối với một số lĩnh vực cơ bản; thực hiện tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nền tảng tài chính số, thực hiện hiện đại hóa nền tài chính quốc gia.

Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ Tài chính đánh giá cao các lĩnh vực mà WB, IFC đang mong muốn tập trung đầu tư vào khu vực tư nhân của Việt Nam, ưu tiên vào các lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, tái tạo năng lượng sạch, nông nghiệp thông minh.

Nguồn lực huy động từ nước ngoài, trong đó có nhà tài trợ lớn như: WB, IFC, ADB và một số nhà tài trợ song phương khác rất quan trọng trong thời gian tới, Thứ trưởng nhận định.

Đề cập tới nội dung chính của buổi làm việc, theo bà Carolyn Turk, Khung đối tác quốc gia Việt Nam năm tài khóa 2023-2027 (CPF) mới được đề xuất sẽ hỗ trợ lộ trình phát triển bền vững và toàn diện của Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045; đồng thời cam kết của Chính phủ Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Việt Nam ưu tiên các khoản vay cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam - bà Carolyn Turk trao đổi, thông tin về khung CPF. Ảnh: Đức Minh

Khung CPF cũng dựa nhiều vào các đánh giá của WB và nhằm mục đích giải quyết các thách thức phát triển cũng như các ưu tiên cải cách thể chế như hợp tác về hạ tầng và nông nghiệp các bon thấp, chuyển đổi số, ổn định và phát triển thị trường tài chính, năng lực cạnh tranh và hòa nhập xã hội, tăng cường quản trị kinh tế, bà Carolyn Turk cho biết.

Cũng theo phía đoàn công tác, Khung CPF xác định hai kết quả chung (HLO) mong muốn đạt được tập trung vào việc tạo ra việc làm năng suất cao thông qua tăng trưởng bền vững, được hỗ trợ bởi các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Các kết quả chung sẽ kéo dài trong một số kỳ CPF và sẽ được xúc tiến cho các bên liên quan khác nhau bao gồm chính phủ, WB, các đối tác phát triển khác và khu vực tư nhân.

Việt Nam ưu tiên các khoản vay cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng

Tổng quan về cấu trúc Khung CPF Việt Nam năm tài khóa 2023-2027 (nguồn: WB)