CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Viettel IDC lựa chọn chiến lược kép cho phát triển bền vững

Invest Global 08:45 25/03/2024

Lựa chọn mục tiêu kép phát triển công nghệ số gắn liền chuyển đổi xanh bền vững được xem là chiến lược giúp thay đổi hoàn toàn cách mà doanh nghiệp vận hành trong tương lai.

Mới đây, trong báo cáo "Tình hình Kinh tế thế giới và Triển vọng 2024", Liên hợp quốc đã đưa ra dự báo ảm đạm về kinh tế toàn cầu năm 2024 do xung đột leo thang, thương mại toàn cầu yếu, lãi suất cao và các thảm họa khí hậu gia tăng… Bối cảnh này đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp trong việc hoạch định chính sách nhằm có thể tiếp tục tăng trưởng, đồng thời hướng tới phát triển một cách bền vững.

Quay về cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến Lehman Brothers – Ngân hàng 158 tuổi lớn nhất nước Mỹ cùng nhiều đế chế tài chính lớn nhất thế giới sụp đổ, thì vẫn có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp khác vượt qua thời kỳ suy thoái này và trường tồn đến ngày nay, trở thành các Big tech Toàn cầu ở các lĩnh vực khác nhau như Accenture, Microsoft, SAP, Cisco, Salesforce, LG,..….

Điểm chung lớn nhất giữa họ ở thời kỳ này chính là họ đã nhìn thấy và nắm bắt được cơ hội của mình trong lúc khó khăn nhờ sự chuẩn bị chủ động ứng phó bằng chiến lược ESG (Bộ chỉ số "xanh" đo lường định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp).

ESG được xem yếu tố thay đổi hoàn toàn cuộc chơi của doanh nghiệp thông qua việc vận hành doanh nghiệp theo cách có trách nhiệm hơn, minh bạch hơn và thân thiện với môi trường hơn dựa trên nguyên tắc và tiêu chuẩn rõ ràng.

Mặc dù đã trở thành chiến lược và được ứng dụng tại nhiều doanh nghiệp trên thế giới, song tại Việt Nam hiện nay thì ESG dường như mới chỉ bắt đầu đi vào nhận thức.

Theo một báo cáo của hãng tư vấn tiếp thị Edelman (Mỹ), hiện có tới 88% các nhà đầu tư trên thế giới tin tưởng vào việc tạo ra lợi nhuận tốt từ các công ty chú trọng đến các sáng kiến về ESG. Vào năm 2022, có 56% doanh nghiệp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) ứng dụng thành công ESG vào các kế hoạch đầu tư của mình.

Tuy nhiên tại Việt Nam, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có hơn 1.700 doanh nghiệp trên cả 3 sàn lớn HoSE, HNX, UPCoM, nhưng thực chất mới chỉ có khoảng 7 doanh nghiệp trong top vốn hóa lớn thực thi báo cáo đầy đủ ở cả 3 khía cạnh ESG.

Nhằm chia sẻ xu hướng phát triển bền vững trên thế giới, phương pháp triển khai tốt nhất tại Việt Nam, Viettel IDC tổ chức Hội thảo "Green Tech for Green Future" với sự góp mặt của đại diện đơn vị tư vấn chiến lược phát triển bền vững PWC, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng trao đổi, chia sẻ các góc nhìn mới hướng tới phát triển bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp.

Ngành công nghiệp Trung tâm dữ liệu tại Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò của mình trong nền kinh tế với sự tăng trưởng mạnh về doanh thu, tạo ra việc làm cho lao động địa phương, đồng thời đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của các năng lượng tái tạo.

Viettel IDC lựa chọn chiến lược kép cho phát triển bền vững - Ảnh 1.

Đại diện Viettel IDC chia sẻ về Báo cáo phát triển bền vững

Tuy nhiên, với dự báo quy mô Trung tâm dữ liệu tại Việt Nam đến 2030 đạt 1.266 triệu USD, tốc độ tăng trưởng kép bình quân 10,8%, thị trường này cũng đang tạo ra nhiều thách thức cần giải quyết như điện nước tiêu thụ, phát thải carbon, xử lý chất thải và các vấn đề về con người, để có thể đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.

Tại Hội thảo, Viettel IDC đã chia sẻ báo cáo phát triển bền vững của công ty ở cả 3 khía cạnh ESG, đồng thời cam kết thực hiện các hành động hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong hành trình 15 năm tiếp theo, gắn chặt với mục tiêu phát triển bền vững và cam kết của Việt Nam tại COP26 gồm tăng tỷ lệ tiết kiệm điện, nước; 100% Trung tâm dữ liệu và Dịch vụ Cloud đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và quy định tại Việt Nam; tiến tới 100% trung tâm dữ liệu đều sử dụng năng lượng tái tạo với tỷ lệ hơn 30% tổng lượng điện tiêu thụ; góp phần phát triển, nâng cao năng lực cho thay hơn 1 triệu nhân sự công nghệ số cho Việt Nam và các thị trường Viettel IDC đầu tư…

Ông Hoàng Văn Ngọc, CEO Viettel IDC cho biết: "Với vai trò dẫn dắt thị trường dịch vụ Trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây tại Việt Nam, Viettel IDC đặt mục tiêu phát triển kinh doanh luôn phải đi kèm với sự bền vững. Không chỉ chia sẻ những cam kết của mình để đảm bảo mục tiêu kép "phát triển công nghệ số đi kèm chuyển đổi xanh bền vững", mà chúng tôi còn mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Việt cùng đồng hành và lựa chọn ứng dụng ESG một cách phù hợp để cùng tạo ra chuỗi giá trị phát triển bền vững."

Tầm vóc của một doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc vào doanh thu và lợi nhuận mà nó còn phụ thuộc vào trách nhiệm mà doanh nghiệp ấy xác lập cho mình. Trách nhiệm càng lớn thì tầm vóc càng lớn. Trách nhiệm toàn cầu thì tầm vóc toàn cầu. Với "Công nghệ từ trái tim" - phổ cập công nghệ số, Viettel IDC đang xác lập một trách nhiệm quốc gia, trách nhiệm toàn cầu cho chính mình, kiên định với mục tiêu phát triển bền vững./.

Thông tin Doanh nghiệp