CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Đi tắt đón đầu với nền kinh tế tuần hoàn để nhanh thoát bẫy thu nhập trung bình

Invest Global 17:41 08/10/2021

Mang lưới kinh tế tuần hoàn quốc gia Việt Nam ra đời, được thiết kế theo hình thức đối tác công tư sẽ giúp Việt Nam có cơ hội để thúc đẩy một nền kinh tế bền vững, giảm ô nhiễm môi trường, giúp các doanh nghiệp đi tắt đón đầu, góp phần đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình…

Chiều 6/10/2021, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố "Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn quốc gia Việt Nam". Đồng thời, tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng các chính sách về kinh tế tuần hoàn, trong đó có Dự thảo Nghị định thực hiện Điều 142 của Luật Bảo vệ Môi trường về Kinh tế tuần hoàn.

NHIỀU LỢI ÍCH CHO QUỐC GIA VÀ DOANH NGHIỆP

Ông Terence D. Jones, Quyền Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam nhận định, mô hình kinh tế tuyến tính dựa trên các nguyên tắc “khai thác, sử dụng và thải bỏ” ngày càng cho thấy rõ mối đe dọa đối với sức khỏe con người, môi trường và hệ sinh thái tự nhiên.

Trong khi đó, nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp giảm thiểu việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, hạn chế chất thải ra môi trường, và thúc đẩy phát triển kinh tế. So với nền kinh tế truyền thống, kinh tế tuần hoàn mang lại lợi ích cho các quốc gia, cộng đồng và doanh nghiệp.

"Việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn phải bao trùm, công bằng và đóng góp vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, thông qua đầu tư vào các chương trình giáo dục hướng tới cộng đồng, người dân và lực lượng lao động, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng để tiếp cận các thị trường quốc tế, và huy động tài chính để thúc đẩy đổi mới sáng tạo", ông Terence D. Jones nhấn mạnh.

Làm rõ hơn những ích lợi của kinh tế tuần hoàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho hay, đây là mô hình kinh tế mà trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm thiểu khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và loại bỏ các tác động tiêu cực tới môi trường.

 

Kinh tế tuần hoàn không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế.

Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Từ đó, giúp giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, hạn chế chất thải ra môi trường, nhưng vẫn thúc đẩy phát triển kinh tế. So với kinh tế tuyến tính truyền thống, kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích đối với quốc gia, cộng đồng và doanh nghiệp.

Theo ông Nhân, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 đã khẳng định: “Khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”.

Đặc biệt, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 (sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022), đã có một Điều riêng (Điều 142) quy định về kinh tế tuần hoàn, bên cạnh rất nhiều Điều, khoản khác liên quan đến các yếu tố của kinh tế tuần hoàn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có nội dung quy định tiêu chí lộ trình và cơ chế khuyến khích áp dụng kinh tế tuần hoàn.

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam và Lào, bà Grete Løchen chia sẻ: Kinh tế tuần hoàn là một phần quan trọng của Dự án UNDP mang tên “Nhân rộng Mô hình Xã hội hóa Quản lý Rác thải sinh hoạt và Rác thải nhựa tại Việt Nam” (gọi tắt là DWP5C) mà Na Uy hỗ trợ.

"Tôi tin rằng, Mạng lưới kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam sẽ là một nền tảng tuyệt vời tập hợp các bên liên quan khác nhau, bao gồm cả khu vực tư nhân, để cùng làm việc và biến nhựa thành các cơ hội kinh doanh và cơ hội kinh tế tại Việt Nam. Điều này rất quan trọng đối với môi trường biển và nền kinh tế bền vững. Và đây cũng là một kinh nghiệm của Na Uy”, bà Grete Løchen chia sẻ.

MẠNG LƯỚI THEO HÌNH THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ

"Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn quốc gia của Việt Nam" do Bộ Tài nguyên và Môi trường (đầu mối là Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường) cùng với UNDP Việt Nam và các Đại sứ quán: Hà Lan, Na-uy và Phần Lan phối hợp xây dựng.

Mạng lưới sẽ bao gồm một cổng thông tin điện tử (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) cùng với các hoạt động về đào tạo, hội thảo, sự kiện để tăng cường đối thoại, xây dựng phương pháp và huy động các hành động tổng thể hướng tới quá trình chuyển đổi kinh tế tuần hoàn. Mạng lưới này nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Đại sứ quán Na Uy và hỗ trợ kỹ thuật từ Đại sứ quán Hà Lan.

 

Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam được thiết kế theo hình thức đối tác công tư, đây sẽ là nơi đối thoại về chính sách và đóng vai trò là cầu nối giữa các sáng kiến hiện có với các bên liên quan tại Việt Nam và trên thế giới. 

Mạng lưới bao gồm 5 hợp phần. Hợp phần 1 “Đối thoại Chính sách”, với đối tượng tham gia là các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp. Hợp phần này sẽ tạo kênh đối thoại và tạo điều kiện tăng cường hợp tác giữa các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan trong việc xây dựng và phát triển các ý tưởng, quy định chính sách mới và các cơ chế khuyến khích nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Ở hợp phần 2 “Kiến thức và nghiên cứu điển hình”, sẽ lựa chọn và chia sẻ những thực tiễn tốt nhất trong nước và quốc tế, các nghiên cứu điển hình, hướng dẫn kỹ thuật. Các chuyên gia sẽ xây dựng quan hệ đối tác với các trường đại học và các tổ chức tại Việt Nam và quốc tế để chia sẻ và phổ biến các công cụ và tài liệu hướng tới các doanh nghiệp, cơ quan quản lý…

“Chia sẻ thông tin tài chính” là hợp phần 3, đối tượng tham gia gồm các doanh nghiệp, các đối tác phát triển và Hệ sinh thái tài chính. Hợp phần này nhằm chia sẻ thông tin về các cơ chế khuyến khích, cơ hội cấp vốn, khả năng tiếp cận tài chính, các khoản viện trợ không hoàn lại, các khoản vay ưu đãi, các chương trình và dự án sẽ góp phần tạo ra nguồn tài chính.

Đồng thời, phát triển mạng lưới các vườn ươm doanh nghiệp, ngân hàng phát triển, các tổ chức tư vấn và dịch vụ hợp tác, thúc đẩy việc kết hợp những bên liên quan trong lĩnh vực tài chính với các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư.

Hợp phần 4 mang tên “Diễn đàn doanh nghiệp”, nhằm kết nối các doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác, trao đổi nguyên liệu và tài nguyên, và xanh hóa chuỗi giá trị hàng hóa.

Cuối cùng là hợp phần “Cơ sở dữ liệu”, sẽ tập hợp các sáng kiến, cam kết vì cộng đồng và chia sẻ các câu chuyện truyền cảm hứng từ quá trình chuyển đổi kinh tế tuần hoàn của tất cả các bên liên quan.

Tin tức khởi nghiệp