CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Đề xuất dừng hoạt động giết mổ và cung ứng thịt heo đối với Công ty Vissan

Invest Global 11:27 28/07/2021

Mỗi ngày TP.HCM tiêu thụ khoảng 10.000 con heo. Lượng heo giết mổ hàng ngày tại các nhà máy giết mổ của Vissan đạt 1.000 con, chiếm 9,47% trong tổng lượng heo giết mổ và tiêu thụ tại TP.HCM. Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, sức tiêu thụ giảm nên lượng heo giết mổ của Vissan chỉ 600-700 con/ngày...

Ngày 27/7/2021, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã dẫn đầu Tổ công tác của Bộ làm việc với một số doanh nghiệp giết mổ và phân phối thịt gia súc, gia cầm tại miền Nam.

ĐIỀU TIẾT CÁC CHUỖI CUNG ỨNG THỊT

Theo báo cáo của Tổ công tác, nguồn cung ứng thịt heo lớn nhất cho địa bàn TP.HCM trong những năm qua là từ Công ty Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan).

Trước đây, mỗi ngày TP.HCM tiêu thụ khoảng 10.000 con heo. Lượng heo giết mổ hàng ngày tại các nhà máy giết mổ của Vissan đạt 1.000 con, chiếm 9,47% trong tổng lượng heo giết mổ và tiêu thụ tại TP. HCM. Vissan cung cấp thịt heo mảnh vào các hệ thống siêu thị Co.opmart, Vinmart, Aeon Citimart, Satra…  

Từ năm 2020, do ảnh hưởng dịch COVID-19, sức tiêu thụ giảm nên lượng heo giết mổ của Vissan chỉ 600-700 con/ngày.

 
Từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát và TP. HCM giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, thực hiện yêu cầu từ phía Sở Công thương TP. HCM, Vissan tăng công suất giết mổ lên 1.000 con – 1.500 con heo/ngày, chiếm tới 26,55 - 28,6% trong tổng lượng thịt heo tiêu thụ tại TP.HCM.

Với mục tiêu thực hiện đảm bảo cung cấp thực phẩm thiết yếu cho người dân thành phố TP.HCM, từ cuối tháng 6/2021, Vissan đã tổ chức sản xuất theo phương án ba tại chỗ với hơn 1.300 người lao động. Tuy nhiên hiện tại, Công ty Vissan có 43 ca nhiễm Covid -19 và nhiều F1, F2. Từ ngày 24/7, Vissan đã ngừng giao hàng thịt lợn đóng khay đến các siêu thị

Trước tình hình trên, Tổ Công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Công ty Vissan tạm dừng sản xuất, giết mổ và cung ứng thịt heo. Thay vào đó, kiến nghị TP.HCM nên điều tiết về các cơ sở giết mổ khác để bù đắp nguồn thịt cho thành phố.

Hiện nay phân phối thịt heo tại TP. HCM, ngoài nguồn cung từ Vissan, có nhiều nhà máy giết mổ quy mô lớn của các công ty Sagri, Anh Hoàng Thi, CJ, Masan… Các nhà cung cấp này hiện vẫn đang hoạt động dưới công suất nên có khả năng cung ứng bổ sung. Các công ty như CJ, Masan cũng đang cung ứng một lượng lớn thịt chế biến thương hiệu Meat Deli, Meat Master ra thị trường tạo thêm nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng.

Trong cùng ngày, Tổ Công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã làm việc với Công ty San Hà. Đây là một trong những doanh nghiệp sản xuất thịt gia cầm lớn tại khu vực phía Nam với 4 nhà máy giết mổ gia cầm, trên 120 chuỗi trang trại cung cấp thực phẩm cho trên 25 hệ thống siêu thị tại TP. HCM.

Trước khi giãn cách xã hội, công ty này cung cấp cho TP.HCM mỗi ngày 80.000 con gà đã giết mổ. Hiện nay, số lượng gia cầm giết mổ của công ty giảm xuống còn một nửa, bởi nhu cầu tiêu dùng thịt gà giảm mạnh: hàng quán đóng cửa, các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp hạn chế hoạt động.

Công ty San Hà liên kết bao tiêu sản phẩm với các hợp tác xã, hộ chăn nuôi ở Long An và Đồng Nai, đảm bảo toàn bộ đầu ra. Hiện tại San Hà vẫn thu mua gà công nghiệp trắng trong chuỗi liên kết này với giá  26.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 đồng/kg so với giá nông dân bán cho thương lái hiện tại.

CHĂN NUÔI HEO, GÀ CÙNG LỖ NẶNG

Theo khảo sát của Tổ Công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thịt heo hơi xuất chuồng tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam đang rớt giá rất sâu.

Hiện tại, giá heo hơi tại khu vực các tỉnh Nam bộ đã xuống tới 51.000 đồng/kg, tức là chưa bằng một nửa so với mức giá ở thời điểm cao nhất 90.000 đồng/kg vào giữa năm 2020. Giá lợn hơi hiện tại đã ở đáy thấp nhất trong vòng 4 năm qua, và đã tiệm cận với giá ở thời điểm ngành nông nghiệp phải hô hào “giải cứu” thịt lợn đầu năm 2017.

Lứa heo đang đến thời kỳ xuất bán tại Đồng Nai nói riêng, các tỉnh Nam Bộ nói chung là lứa vào đàn chăn nuôi khi giá heo giống còn cao, 300.000 đồng/kg, mỗi con giống mất 2 - 2,5 triệu đồng (trọng lượng từ 7-8kg).

Tính chi phí con giống, tiền thức ăn, thuốc thú y, chưa tính tiền công chăn nuôi, thì giá thành mỗi con lợn xuất chuồng lên đến 5,6 triệu đồng. Xuất chuồng hiện tại, thì mỗi tạ heo bán ra, nông dân chăn nuôi đang phải bù lỗ 500.000 đồng.

Bi đát hơn cả chăn nuôi heo, là chăn nuôi gà công nghiệp trắng. Hiện tại, giá gà công nghiệp trắng xuất chuồng ở Nam Bộ đã xuống dưới 16.000 đồng/kg.

 
Dự kiến ngày 31/7/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức Diễn đàn kết nối cung - cầu trứng, thịt gia cầm hai miền Nam - Bắc.

Tại tỉnh Bình Dương, giá gà trắng giảm sâu hơn nữa, hiện chỉ còn 13.000 đồng/kg (giảm 9.000 đồng/kg so tuần trước và thấp hơn 15.000 đồng/kg so giá thành. Chăn nuôi gà, gồm cả gà công nghiệp và gà lông màu đã chịu cảnh lỗ triền miên từ năm 2020 đến nay. Ở thời điểm này, cứ tính 1000 con gà xuất chuồng, người chăn nuôi phải chịu lỗ 30 triệu đồng.

Trước thực tế trên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết sẽ thúc đẩy hơn nữa các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản nói chung, sản phâm chăn nuôi nói riêng bằng việc hỗ trợ các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp kết nối với các doanh nghiệp thương mại.

“Tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết, sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương xử lý các khó khăn khi thu hoạch, vận chuyển hàng hóa, đồng thời giúp một số tỉnh phương pháp thống kê số liệu đầu mối kinh doanh nông sản. Bên cạnh đó, sẽ thúc đẩy các chuỗi liên kết bằng việc tăng cường liên hệ cung - cầu giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cam kết.

 
Về nguồn cung cấp hàng hóa nông sản tại TP.HCM, tính đến trưa 27/7 đã có 414 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký với Tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Trong đó: có 103 đầu mối cung ứng rau củ; 107 đầu mối; cung ứng trái cây; 159 đầu mối cung ứng thủy hải sản; 25 đầu mối cung ứng; lương thực;  các mặt hàng khác 20 đầu mối.