CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 58 quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo đó, một nội dung đáng chú ý của thông tư là các loại xe kinh doanh vận tải (KDVT) như: xe khách, xe tải, taxi truyền thống, hợp đồng, công nghệ… từ ngày 1-8 sẽ phải gắn biển vàng số đen thay vì biển trắng như hiện nay.
Tạo công bằng trong kinh doanh
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, thượng tá Phạm Việt Công, Trưởng Phòng Hướng dẫn đăng ký và kiểm định phương tiện Cục CSGT, cho rằng việc phân định màu sắc phương tiện cũng là để thực hiện Nghị quyết 12 của Chính phủ về đăng ký hệ biển, màu biển nhằm nâng cao quản lý. Ngoài ra, việc này sẽ giúp cơ quan chức năng giải quyết những vướng mắc trong quản lý hoạt động xe kinh doanh.
Thượng tá Công dẫn chứng hiện vẫn có tình trạng taxi công nghệ hoạt động ở tuyến đường cấm, giờ cấm xe KDVT nhưng cơ quan chức năng không thể phân biệt với các phương tiện khác; việc quy định biển số khác màu sẽ giúp lực lượng chức năng dễ nhận ra, tiện lợi trong công tác quản lý và tạo sự công bằng, bình đẳng với các hãng xe. Theo Thông tư 58, với xe KDVT biển trắng đang hoạt động, hạn cuối để chuyển sang biển vàng là ngày 31-12-2021.
Đồng quan điểm với thượng tá Công, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cũng cho rằng việc quy định xe KDVT có màu biển số riêng sẽ giúp nhà nước thu được thuế, dễ dàng phân luồng giao thông đối với những tuyến đường cấm xe KDVT.
Bộ Công an kỳ vọng việc xe kinh doanh vận tải đổi biển số xe màu vàng sẽ tạo công bằng, bình đẳng trong các hãng xe. Ảnh: VĂN DUẨN
Doanh nghiệp lo lắng
Trong khi đó, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, đặt vấn đề sao lại quản lý ôtô bằng màu sắc trong thời công nghệ 4.0? Theo ông Liên, việc đổi biển xe sang màu vàng sẽ tác động, ảnh hưởng đến hoạt động, gây tốn kém chi phí và thời gian cho doanh nghiệp KDVT.
"Doanh nghiệp vận tải khi đăng ký kinh doanh phải đáp ứng nhiều điều kiện khác, giờ thêm việc đổi màu biển số này cũng như một dạng giấy phép con. Quy định này có thực sự giải quyết được những vấn đề trong công tác quản lý không thì phải tính toán kỹ nhưng những lo lắng của doanh nghiệp về sự phiền hà, lãng phí là có" - ông Liên băn khoăn.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải Thương mại và Du lịch Đất Cảng, cho rằng trong bối cảnh chủ trương của Chính phủ thúc đẩy việc cắt giảm các điều kiện, thủ tục kinh doanh, gỡ khó cho doanh nghiệp thì việc áp dụng quy định này cần tính toán lộ trình hợp lý.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng ranh giới giữa các xe kinh doanh và xe cá nhân ở nước ta hiện chưa rõ ràng. Theo thông lệ, các nước có hệ số an toàn giao thông cao trên thế giới đều có sự phân định màu biển số giữa các xe kinh doanh và xe không kinh doanh. Tuy nhiên, ông Quyền nhấn mạnh cơ quan thực thi cần phải làm triệt để, không để sót, đồng thời đơn giản hóa thủ tục tối đa cho chủ xe.
Giải thích những ý kiến băn khoăn trên, thượng tá Công cho biết theo thông tư mới, việc đăng ký xe đã rút ngắn thời gian, thay vì tối đa 7 ngày như hiện nay, người dân có thể đăng ký trực tuyến, hẹn giờ - ngày đến làm thủ tục và lấy biển số. Ngoài ra, chủ xe khi đi đổi biển số chỉ cần mang một trong những giấy tờ như: chứng minh thư/thẻ căn cước, hộ chiếu hoặc hộ khẩu. "Chi phí cho việc đổi biển khoảng 150.000 đồng. Về lâu dài, sau khi quản lý chặt chẽ, các xe KDVT sẽ được bỏ mào xe, logo, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp, tài xế" - ông Công nói.
Theo thống kê của CSGT, hiện có khoảng 1,6 - 1,7 triệu ôtô KDVT bao gồm xe khách, xe tải và taxi. Theo Thông tư 58, Bộ Công an sẽ đăng ký đối với các phương tiện không còn giấy tờ chuyển nhượng mua bán, hạn cuối là ngày 31-12-2021. Nếu mất giấy tờ gốc, chủ phương tiện khi làm thủ tục đăng ký, sang tên sẽ không cần phải xin giấy xác nhận của địa phương. Thay vào đó, cảnh sát sẽ truy cập vào dữ liệu mất trộm trên toàn quốc và dữ liệu quản lý biển số xe để tra cứu, đưa ra căn cứ làm đăng ký mới cho người dân. Trong trường hợp đăng ký sang tên khi không có giấy tờ, người đăng ký, chuyển nhượng sẽ bị ràng buộc trách nhiệm, phải cam đoan chiếc xe mình sử dụng không vi phạm pháp luật.
Ở nhiều nước, xe kinh doanh gắn biển vàng số đen
Tại nhiều nơi trên thế giới, phương tiện xuất hiện trên đường phố phần lớn được gắn biển kiểm soát màu trắng. Tuy nhiên, vẫn có những phương tiện được gắn biển số khác màu, tùy theo mục đích sử dụng. Chẳng hạn, tại Ấn Độ, quy định biển đen số vàng với các xe của những khách sạn nổi tiếng, dùng chở những nhân vật VIP. Biển vàng số đen được dùng cho xe kinh doanh như taxi và sẽ chịu cấu trúc thuế khác với biển trắng thông thường vốn dành cho phương tiện cá nhân hoặc không kinh doanh.
Tại Đan Mạch, biển vàng số đen được dùng cho xe kinh doanh, song vẫn có thể được dùng cho mục đích cá nhân khi đã đóng thuế hằng năm. Còn biển vàng và trắng, với 2 ký tự đen trên nền vàng cùng 5 số đen trên nền trắng, dành riêng cho xe cá nhân. Điều này để bảo đảm không ai có thể sử dụng xe tải nhỏ được giảm thuế (biển số vàng) vì mục đích cá nhân.
Tại Thái Lan, theo trang Phuket Drive, biển vàng số đen được sử dụng cho xe ôm hoặc những xe chở khách không quá 7 chỗ như xe lam. Trong khi biển vàng số đỏ dành cho xe chở hàng hóa và hành khách liên tỉnh, biển vàng số xanh dương dành cho xe tải nhỏ 4 bánh chở hàng hóa và hành khách. Những phương tiện dùng để kinh doanh, du lịch ngắm cảnh và cho thuê, như xe của khách sạn hoặc của các đơn vị du lịch thuê để chở du khách thì dùng biển xanh lá số trắng.
C.Lực
Theo Nguyễn Hưởng - Văn Duẩn
Người lao động