CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Xuất khẩu tăng trưởng mạnh, doanh nghiệp vẫn âu lo

Invest Global 14:32 06/05/2021

Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng so với thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu hiện vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, thậm chí khiến doanh nghiệp phải từ bỏ đơn hàng vài chục triệu đô vì lo không đáp ứng được yêu cầu.

Mặc dù dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng Bộ Công Thương đánh giá hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 ghi nhận đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020, với tốc độ tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Rủi ro mới

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm ước đạt 206,51 tỷ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu (XK) đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3%; nhập khẩu đạt 102,6 tỷ USD, tăng 30,8%. Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 1,29 tỷ USD. Đáng chú ý, trong 4 tháng có 19 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch XK.

Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ không thiếu đơn hàng, nhưng lo nhất là chi phí nguyên liệu "leo thang".

Tháng 4/2021, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) tổ chức Tuần lễ giao thương quốc tế ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ. Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký HAWA cho biết, kết quả đạt được ngoài kỳ vọng, số lượng thương nhân đến giao thương nhiều hơn doanh nghiệp (DN) sản xuất. Đây là tin rất vui để các DN ngành gỗ phục hồi mạnh mẽ.

Song, trao đổi với VnBusiness, ông Phương cho hay, đơn hàng nhiều lại khiến ngành gỗ rơi vào tình cảnh phát triển nóng, cầu nhiều hơn cung. Trong khi đó, giá nguyên vật liệu tăng mạnh, loại vật tư tăng giá nhẹ nhất so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 xảy ra cũng vào khoảng 50%, khiến các DN phải dè chừng trong việc nhận đơn hàng.

Phân tích nguyên nhân, đại diện HAWA cho biết, do những nước cung cấp nguyên vật liệu cho Việt Nam bị ảnh hưởng COVID-19 nên nguồn cung hạn chế. Mặt khác, ngành gỗ Việt Nam đang phát triển nóng, nhu cầu lớn dẫn đến chính các DN trong ngành phải tranh giành nguyên liệu với nhau, từ đó đẩy giá lên cao.

"Một số DN không dám ký đơn hàng lớn, chấp nhận để mất đơn hàng có giá trị lên tới hàng chục triệu USD. DN cũng tiếc lắm nhưng biết làm sao, vì nếu nhận mà không giao hàng đúng hạn thì số tiền phạt hợp đồng còn lớn hơn", ông Phương chia sẻ.

Trước tình hình dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại tại Việt Nam, Tổng thư ký HAWA cho hay, DN có thể tìm kiếm đơn hàng qua kênh online. Tuy nhiên, điều họ lo ngại nhất là làm sao kiểm soát tốt dịch bệnh, tránh tình trạng nhà máy sản xuất phải ngưng trệ vì dịch bệnh. "DN ngành gỗ vẫn chủ yếu làm gia công, giá trị thu về thấp, dẫn đến nếu phải đóng cửa, gián đoạn sản xuất nửa tháng trở lên có thể ảnh hưởng rất lớn tới DN", ông Phương chia sẻ.

Hay với ngành dệt may, các đơn hàng về Việt Nam dù đã phủ kín chuyền may nhưng giá trị cũng như chủng loại hàng có những thay đổi khiến DN phải đối mặt với rủi ro mới. Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, trong quý I/2021, lượng đặt hàng sản xuất tăng nhưng doanh thu giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Lý do là vào thời điểm quý III và IV/2020, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thị trường XK chưa có dấu hiệu phục hồi nên để đảm bảo duy trì sản xuất, May 10 đã nhận một số đơn hàng với mức giá gia công thấp hơn so với năm 2019. Đáng chú ý, mặt hàng veston có giá trị cao bị giảm sản lượng và doanh thu tới 60% buộc phải thay thế bằng mặt hàng khác.

Chủ động thích ứng 

Hiện nay, mặt hàng jacket, quần âu, sơ mi của May 10 đã có đủ đơn hàng đáp ứng năng lực sản xuất tới tháng 8/2021. Riêng veston - mặt hàng chủ lực của DN thì đơn hàng mới chỉ đạt 50% năng lực. Do phải chuyển đổi sang sản xuất mặt hàng thay thế như dệt kim, hàng thường phục như quần, váy, jacket, quần áo trẻ em... để bù đắp sự thiếu hụt của hàng trang phục truyền thống như sơ mi, veston, quần âu, nên ảnh hưởng rất lớn tới năng suất và doanh thu.

Đặc biệt, trong năm nay, đối với May 10, lượng hàng quý I/2021 nhiều nhưng rất khó tuyển bổ sung được thêm lao động để hoàn thành các đơn hàng và mục tiêu doanh thu. "Chúng ta cứ nói hiện nay lao động thất nghiệp vì dịch COVID-19 rất nhiều, nhưng thực tế việc tuyển lao động lại cực kỳ khó khăn", ông Việt chia sẻ.

Tương tự, theo bà Phạm Thị Lan Hương, Giám đốc Công ty may XK Ninh Bình, DN này có đủ đơn hàng tới tháng 9/2021. Tuy nhiên, điều DN lo ngại nhất là tại Ninh Bình, tình hình biến động lao động năm nay mạnh hơn, do có DN giày da mới chuyển đến, đang tuyển lao động. "Họ thu hút lao động ở trong vùng do công việc đơn giản, chỉ làm một khâu, không bị áp lực và không đòi hỏi trình độ tay nghề cao như bên may", bà Hương chia sẻ.

Theo đánh giá từ Bộ Công Thương, đến thời điểm hiện nay, XK hầu hết các mặt hàng như điện tử, dệt may, giày dép, máy móc, thiết bị nông sản... đều đã bằng hoặc lấy lại đà tăng trưởng so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy XK chung của Việt Nam trong năm 2021.

Thời gian tới, các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKFTA… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy XK tăng trưởng mạnh. Đồng thời, giá hàng hóa XK cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như: gạo, cà phê, chè, cao su, hạt tiêu… sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị XK.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng nhìn nhận, hoạt động xuất nhập khẩu hiện vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, như: việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn; nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều; chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao; các thị trường XK nông, thủy sản liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm…

Do đó, Bộ Công Thương khuyến nghị bản thân DN phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới.

Ông Trần Thanh Hải

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)

Thời gian qua, trước sự cố tàu Ever Given mắc kẹt tại kênh đào Suez - điểm quan trọng trên hành trình XK hàng hóa sang EU, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập theo dõi sát tiến độ giải phóng tàu để thông tin kịp thời đến các DN xuất nhập khẩu. Đồng thời, phối hợp với Bộ GTVT nắm tiến độ giao hàng, làm hàng tại các cảng đầu mối để có biện pháp điều tiết cần thiết. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ DN về thị trường, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu, tháo gỡ khó khăn về đầu vào, hỗ trợ về mặt thông tin, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến nhằm thúc đẩy XK hàng hóa.

Ông Nguyễn Đình Tùng

Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group

DN XK của Việt Nam vẫn đang khá bị động trong vận chuyển hàng hóa XK theo đường biển, bởi hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào các hãng tàu nước ngoài. Do vậy, Chính phủ cần có sự can thiệp và làm việc với các hãng tàu nước ngoài đang làm ăn tại Việt Nam để các hãng tàu có sự hỗ trợ nhất định cho DN XK Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang

Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI)

Làm thế nào để tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng là vấn đề mà các DN XK Việt Nam phải tính đến. Lâu nay, chúng ta vẫn luôn nói cần đẩy mạnh tuyên truyền, song để hiệu quả thì phải "vỗ tay hai bàn". Một bên là cơ quan chức năng, hiệp hội phải đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ DN tận dụng FTA. Bên còn lại, DN cần chủ động, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh để nắm bắt những cơ hội mà các FTA đem tới. 

Lê Thúy