CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(Xây dựng) - Công ty bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (Thành phố Hồ Chí Minh) thành lập năm 2012. Năm 2018 có nhà đầu tư nước ngoài đăng ký mua cổ phần (công ty không có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư).
Ảnh minh họa.Năm 2022, công ty bà Thúy thực hiện bổ sung một số ngành, nghề kinh doanh, trong đó có mã ngành 8230 - Tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại (chi tiết: Tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo) và đã được Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy xác nhận bổ sung ngành, nghề. Hiện, công ty bà đang kinh doanh dịch vụ tổ chức sự kiện cho khách hàng theo mã ngành này.
Bà Thúy hỏi, công ty bà có phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không?
Công ty đã tham khảo ý kiến từ Sở Kế hoạch và Đầu tư và nhận được thông tin rằng, công ty tự xác định việc kinh doanh dịch vụ đó có phải là dự án đầu tư theo định nghĩa tại Luật Đầu tư 2020 hay không. Nếu là dự án đầu tư thì cần phải xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nếu không phải thì không cần phải xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Bà Thúy hỏi, vậy tiêu chí gì để xác định kinh doanh ngành nghề này có phải là dự án đầu tư hay không (công ty bà không thực hiện mở chi nhánh hay địa điểm kinh doanh để kinh doanh dịch vụ này và chỉ sử dụng nguồn vốn hiện hữu để kinh doanh)?
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:
Câu hỏi của bà Thúy về nội dung này chưa rõ, do vậy không có đủ cơ sở để hướng dẫn cụ thể.
Hiện nay, theo khoản 4 Điều 3 Luật Đầu tư quy định về dự án đầu tư và Điều 21 Luật Đầu tư quy định cụ thể về các hình thức đầu tư.
Việc thực hiện dự án đầu tư và hoạt động đầu tư kinh doanh của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được quy định tại Điều 23 Luật Đầu tư và Điều 64 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Do vậy, đề nghị nghiên cứu, thực hiện, bảo đảm phù hợp với các quy định nêu trên.