CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Vướng mắc về điều chỉnh giá trị doanh nghiệp

Invest Global 16:01 01/07/2020
Hỏi:
 
 
 Câu 1: Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 26/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần (gọi tắt là Nghị định 126) thì việc xác định mức vốn điều lệ sẽ căn cứ giá trị phần vốn Nhà nước theo sổ sách kế toán. Do đó, Giá khởi điểm thực hiện bán đấu giá sẽ được xác định tối thiểu bằng (Giá trị doanh nghiệp được Công bố của cơ quan đại diện chủ sở hữu)/ (số lượng cổ phần dự kiến phát hành theo vốn điều lệ). Nếu trong trường hợp, Doanh nghiệp cổ phần hóa dự kiến phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ (giá cổ phiếu phát hành thêm tính bằng mệnh giá) thì giá khởi điểm thực hiện bán đấu giá trong trường hợp này có tính đến sự pha loãng giá theo tỷ lệ phát hành không? Câu 2: Sau khi công bố giá trị doanh nghiệp thì cơ quản chủ sở hữu đề nghị Doanh nghiệp cổ phần hóa điều chỉnh sổ sách kế toán tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp theo kết quả xác định lại (kết quả giá trị thực tế vốn Nhà nước được công bố) thì có phù hợp với Nghị định 126 không?
 
24/07/2019
 
 
Trả lời:

 

 

Câu 1 :

Việc thực hiện chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ. Trong đó:

- Tại Khoản 8 Điều 3 quy định : “Giá khởi điểm” là mức giá ban đầu của một cổ phần được chào bán ra bên ngoài do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định nhưng không thấp hơn mệnh giá (10.000 đng Việt Nam). Việc xác định giá khởi điểm được thực hiện thông qua tổ chức tư vấn đảm bảo xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được xác định lại do cơ quan có thẩm quyền công bố và tiềm năng của doanh nghiệp trong tương lai.

- Tại Khoản 1 Điều 12 quy định:  Doanh nghiệp cổ phần hóa được thuê tổ chức tư vấn để xác định giá trị doanh nghiệp, xác định giá khởi điểm, xây dựng phương án cổ phần hóa và bán cổ phần lần đầu.

- Tại Khoản 1 Điều 33 quy định: 

“1. Căn cứ giá trị phần vốn nhà nước theo sổ sách kế toán tại doanh nghiệp cổ phần hóa và kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các năm sau khi chuyển thành công ty cổ phần, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định quy mô vốn điều lệ theo nguyên tắc sau:

a) Trường hợp giá trị phần vốn nhà nước theo sổ sách kế toán tại doanh nghiệp lớn hơn mức vốn điều lệ cần thiết cho hoạt động của doanh nghiệp thì cơ quan đại diện chủ sở hữu xác định vốn điều lệ theo nhu cầu thực tế. Phần chênh lệch giữa giá trị phần vốn nhà nước theo sổ sách kế toán tại doanh nghiệp với mức vốn điều lệ xác định được nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

b) Trường hợp phát hành thêm cổ phiếu, vốn điều lệ được xác định bằng giá trị phần vốn nhà nước theo sổ sách kế toán tại doanh nghiệp và giá trị cổ phần phát hành thêm tính theo mệnh giá cổ phiếu.

Câu 2:

- Tại Khoản 1, Khoản 5 Điều 21 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP quy định:

1. Doanh nghiệp cổ phần hóa tiếp tục thực hiện các quy định về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

...5. Căn cứ quyết định phê duyệt của cơ quan đại diện chủ sở hữu, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm lập lại báo cáo tài chính tại thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu làm căn cứ bàn giao sang công ty cổ phần.

Việc lập lại báo cáo tài chính để bàn giao sang công ty cổ phần dựa trên cơ sở thực hiện điều chỉnh theo các nội dung xử lý tài chính quy định tại Nghị định này, quyết toán tiền thu từ cổ phần hóa, quyết toán chi phí cổ phần hóa, quyết toán kinh phí hỗ trợ cho người lao động dôi dư, quyết định công bố giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa chính thức chuyển thành công ty cổ phần (không điều chỉnh theo kết quả đánh giá lại)”.

- Tại Điều 25 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP quy định:

Điều 25. Điều chỉnh giá trị doanh nghiệp

1. Cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định điều chỉnh lại giá trị doanh nghiệp đã công bố trong trường hợp sau đây:

a) Có những nguyên nhân khách quan (thiên tai, địch họa, chính sách Nhà nước thay đổi hoặc do các nguyên nhân bất khả kháng khác) làm ảnh hưởng đến giá trị những tài sản của doanh nghiệp.

b) Phát hiện những sai lệch trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp của tổ chức tư vấn hoặc doanh nghiệp cổ phần hóa.

2. Việc điều chỉnh lại giá trị doanh nghiệp đã công bố quy định tại khoản 1 Điều này chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa chưa thực hiện bán đấu giá công khai ra công chúng (IPO).

3. Sau 09 tháng kể từ thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp mà doanh nghiệp chưa thực hiện việc bán đấu giá công khai ra công chúng (IPO) thì phải tổ chức xác định lại giá trị doanh nghiệp, ngoại trừ các trường hợp đặc thù theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ”.

- Tại Khoản 4 Điều 7 Thông tư số 41/2018/TT-BTC ngày 04/5/2018 của Bộ Tài chính đã có quy định hướng dẫn cụ thể nội dung này:

“ Doanh nghiệp cổ phần hóa không thực hiện điều chỉnh lại số liệu trong sổ sách kế toán đã lập tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện xử lý tài chính theo quy định tại Khoản 1, Khoản 4 và Khoản 5 Điều 17 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP. Các nội dung xử lý tài chính này chỉ sử dụng để xác định giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm cơ sở xác định giá khởi điểm theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP”.

Đề nghị độc giả nghiên cứu, thực hiện./.

 

Nguồn 'Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính' hoặc 'www.mof.gov.vn'

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan