CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Vướng mắc về giao dịch liên kết 1

Invest Global 08:21 29/06/2020
Hỏi:
 
 
 Công ty cổ phần tập đoàn Quốc tế Đại Việt xin được quý cơ quan giải đáp 1 số thắc mắc liên quan đến quy định tại Khoản 3, điều 8, Nghị định 20/2017/NĐ-CP về tổng chi phí lãi vay được khấu trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp, cụ thể như sau: Công ty A nắm giữ 99% cổ phần tại các công ty B,C,D. Trong năm N các công ty A,B,C,D có tình hình hoạt động như sau (đơn vị tính: triệu đồng): Diễn giải Công ty A Công ty B Công ty C Công ty D Mua hàng hóa 50,000 20,000 10,000 15,000 Chi phí lãi vay 2,000 1,500 1,000 1,500 Chi phí khấu hao tài sản 1,000 3,000 2,000 2,000 Lợi nhuận thuần 5,000 3,000 1,500 3,000 Theo quy định thì tỷ lệ giá trị tăng thêm của hàng hóa giao dịch giữa các bên A,B,C,D là 15% trên giá vốn (Giá bán ra cho các công ty liên kết =115% giá mua về hoặc sản xuất). Toàn bộ hàng nhập về tại các công ty được xuất bán hết trong kỳ; Không có hàng tồn kho đầu kỳ. Xác định chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp tại các công ty A,B,C, D trong các trường hợp sau: 1. Trường hợp 1: Công ty A mua toàn bộ hàng hóa từ nhà cung cấp X không có quan hệ liên kết với A,B,C,D và bán lại cho B,C,D - Toàn bộ hàng hóa nhập trong kỳ của B, C,D đếu được nhập từ công ty A 2. Trường hợp 2: Công ty A mua toàn bộ hàng hóa từ nhà cung cấp X không có quan hệ liên kết với A,B,C,D và bán lại cho B,C,D với số liệu cụ thể như sau: - Trong kỳ Công ty B nhập 60% hàng hóa từ công ty A và 40% hàng hóa từ công ty Y không có quan hệ liên kết với A,B,C,D - Trong kỳ Công ty C nhập 50% hàng hóa từ công ty A và 50% hàng hóa từ công ty Y không có quan hệ liên kết với A,B,C,D - Trong kỳ Công ty D nhập 70% hàng hóa từ Công ty A và 30% hàng hóa từ công ty Y không có quan hệ liên kết với A,B,C,D 3. Trường hợp 3: Toàn bộ hàng hóa của A,B,C,D được nhập từ các nhà cung cấp độc lập không có quan hệ liên kết với A,B,C,D 4. Trường hợp 4: Công ty B sản xuất và bán hàng cho các công ty A,C,D với tỷ trọng hàng nhập trong kỳ là: Công ty A: 10%; Công ty B: 20%; Công ty C: 15%. Rất mong nhận được sự quan tâm, giải đáp thắc mắc của Bộ Tài chính để Công ty cổ phần tập đoàn Quốc tế Đại Việt hiểu rõ quy định của Nghị định 20/2017/NĐ-CP và để doanh nghiệp tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Bộ Tài Chính. Công ty chúng tôi xin trân trọng cảm ơn!
 
05/11/2019
 
 
Trả lời:

 

 

Căn cứ Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết như sau:

+ Tại Điều 2 quy định đối tượng áp dụng như sau:

“Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (sau đây gọi chung là người nộp thuế) là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp kê khai và có phát sinh giao dịch với các bên có quan hệ liên kết theo quy định tại Điều 5 Nghị định này…”

+ Tại Khoản 3 Điều 4 giải thích từ ngữ:

“3. “Giao dịch liên kết” là giao dịch phát sinh giữa các bên có quan hệ liên kết trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bao gồm: Mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng máy móc, thiết bị, hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận sử dụng chung nguồn lực như hợp lực, hợp tác khai thác sử dụng nhân lực; chia sẻ chi phí giữa các bên liên kết.”

+ Tại Khoản 1 Điều 5 quy định các bên có quan hệ liên kết:

“1. Các bên có quan hệ liên kết (sau đây viết tắt là “bên liên kết”) là các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường hợp:

a) Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia;

b) Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.”

+ Tại Khoản 3 Điều 8 hướng dẫn xác định chi phí để tính thuế trong một số trường hợp cụ thể:

“3. Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế.

Quy định này không áp dụng với người nộp thuế là đối tượng áp dụng của Luật các tổ chức tín dụng và Luật kinh doanh bảo hiểm.

Người nộp thuế kê khai tỷ lệ chi phí lãi vay trong kỳ tính thuế theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.”

Căn cứ các quy định nêu trên, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

Trường hợp Công ty A của độc giả nắm giữ 99% cổ phần tại Công ty B, C, D thì Công ty A có quan hệ liên kết với các công ty B, C, D theo quy định tại Điều 5 Nghị định 20/2017/NĐ-CP nêu trên.

Nếu Công ty A có phát sinh giao dịch mua bán hàng hóa với các công ty B, C, D thì Công ty A và các công ty B, C, D có phát sinh giao dịch liên kết. Do vậy, trong trường hợp này, các công ty A, B, C, D thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 20/2017/NĐ-CP. Các công ty xác định chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo hướng dẫn tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP. Trong đó chi phí lãi vay xác định theo nguyên tắc nêu trên là tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của Công ty (không phân biệt chi phí lãi vay phát sinh từ các bên liên kết hay từ các bên độc lập).

Nếu một doanh nghiệp không phát sinh giao dịch với các bên có quan hệ liên kết theo quy định tại Điều 5 Nghị định 20/2017/NĐ-CP thì không thuộc đối tượng áp dụng theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP.

Nguồn 'Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính' hoặc 'www.mof.gov.vn'

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan