CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Vướng mắc về hoá đơn điện tử 12

Invest Global 09:13 29/06/2020
Hỏi:
 
 
 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 
 Kính gửi: Bộ Tài chính
 Tôi tên là: TRẦN NGỌC KHÁNH Sinh năm 1968
 Thường trú tại : Số 96 Bà Triệu TP Quảng ngãi tỉnh Quảng Ngãi
 Đơn vị công tác: Công ty TNHH MTV Thương mại Thành Phát – 02 Nguyễn Chí Thanh TP Quảng ngãi tỉnh Quảng ngãi
 Để thực hiện tốt các: 
- Nghi đinh 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. 
- Nghị định 119/2018/NĐ-CP ngày 12/09/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. 
- Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/03/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; 
- Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 
và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ - Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ,
Tôi có một số vướng mắc của xin hỏi về chỉ tiêu ngày, giờ ký trên hóa đơn điện tử và nhận biết hóa đơn điện tử hợp pháp; nội dung cụ thể như sau:
 Nội dung 1: Chỉ tiêu ngày, giờ ký có phải là chỉ tiêu bắt buộc trên hóa đơn điện tử theo quy định hay không?
 Nội dung 2: Trường hợp đơn vị nhận được các hóa đơn điện tử mua vào không có chỉ tiêu ngày ký hoặc chỉ tiêu ngày ký không trùng với chỉ tiêu ngày tháng năm lập hóa đơn, các tiêu thức bắt buộc khác vẫn đủ, đúng theo quy định thì hóa đơn điện tử này có hợp lệ để được khấu trừ thuế VAT đầu vào hay không? (Bên bán và bên mua không đồng lập biên bản sai sót)
 Nội dung 3: Sau khi nhận được hóa đơn điện tử hợp lệ , bên mua tiến hành kê khai khấu trừ thuế đầu vào như thường lệ theo quy định của Luật thuế , tuy nhiên sau thời điểm kê khai bên bán bỗng dưng đơn phương hủy hóa đơn này mà không thông báo cho bên mua biết, vậy việc khấu trừ thuế của hóa đơn trên có hợp pháp không? Có biện pháp nào để ngăn ngừa phát hiện sớm trường hợp này? Rrất mong sớm nhận được sự phúc đáp của Bộ Tài Chính./.
Người viết Trần Ngọc Khánh
 (đã ký)
 
 
01/11/2019
 
 
Trả lời:

 

 

Tại Điều 3 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính quy định:

"Điều 3. Hóa đơn điện tử

1. Hoá đơn điện tử là tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, được khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và quản lý bằng phương tiện điện tử. Hóa đơn điện tử phải đáp ứng các nội dung quy định tại Điều 6 Thông tư này.

Hoá đơn điện tử được khởi tạo, lập, xử lý trên hệ thống máy tính của tổ chức đã được cấp mã số thuế khi bán hàng hoá, dịch vụ và được lưu trữ trên máy tính của các bên theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử...

3. Hóa đơn điện tử có giá trị pháp lý nếu thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:

a) Có sự đảm bảo đủ tin cậy về tính toàn vẹn của thông tin chứa trong hóa đơn điện tử từ khi thông tin được tạo ra ở dạng cuối cùng là hóa đơn điện tử.

Tiêu chí đánh giá tính toàn vẹn là thông tin còn đầy đủ và chưa bị thay đổi, ngoài những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình trao đổi, lưu trữ hoặc hiển thị hóa đơn điện tử.

b) Thông tin chứa trong hóa đơn điện tử có thể truy cập, sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết.".

Tại Điều 6 thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính quy định:

"Điều 6. Nội dung của hoá đơn điện tử

1. Hóa đơn điện tử phải có các nội dung sau:

a) Tên hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu, số thứ tự hóa đơn;

...

e) Chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người bán; ngày, tháng năm lập và gửi hóa đơn. Chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người mua trong trường hợp người mua là đơn vị kế toán...

2. Một số trường hợp hóa đơn điện tử không có đầy đủ các nội dung bắt buộc được thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính.".

Tại công văn số 2402/BTC-TCT ngày 23/02/2016 hướng dẫn về hóa đơn điện tử của Bộ Tài chính quy định như sau:

“1. Hóa đơn điện tử phải có các nội dung sau:

e) Chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người bán; ngày, tháng năm lập và gửi hóa đơn. Chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người mua trong trường hợp người mua là đơn vị kế toán...".

Tại Điều 8 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính quy định:

"Điều 8. Lập hóa đơn điện tử

  1. Lập hóa đơn điện tử là việc thiết lập đầy đủ các thông tin quy định tại Điều 6 Thông tư này khi bán hàng hóa, dịch vụ trên định dạng hóa đơn đã được xác định...

2. Gửi hóa đơn điện tử là việc truyền dữ liệu của hóa đơn từ người bán hàng hóa, dịch vụ đến người mua hàng hóa, dịch vụ.

Các hình thức gửi hóa đơn điện tử:

- Gửi trực tiếp: Người bán hàng hóa, dịch vụ (tổ chức khởi tạo hóa đơn điện tử) thực hiện lập hóa đơn điện tử tại hệ thống phần mềm lập hóa đơn điện tử của người bán, ký điện tử trên hóa đơn và truyền trực tiếp đến hệ thống của người mua theo cách thức truyền nhận hóa đơn điện tử đã thỏa thuận giữa hai bên. Trường hợp người mua hàng hóa, dịch vụ là đơn vị kế toán thì người mua ký điện tử trên hóa đơn điện tử nhận được và truyền hóa đơn điện tử có đủ chữ ký điện tử cả hai bên cho người bán theo cách thức truyền nhận hóa đơn điện tử đã thỏa thuận giữa hai bên...".

Tại Khoản 2 Điều 9 thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính quy định:

"Điều 9. Xử lý đối với hóa đơn điện tử đã lập

2. Trường hợp hóa đơn đã lập và gửi cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập văn bản thỏa thuận có chữ ký điện tử của cả hai bên ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hoá đơn điện tử điều chỉnh sai sót. Hoá đơn điện tử lập sau ghi rõ điều chỉnh (tăng, giảm) số lượng hàng hoá, giá bán, thuế suất thuế GTGT, tiền thuế giá trị gia tăng cho hoá đơn điện tử số…, ký hiệu… Căn cứ vào hoá đơn điện tử điều chỉnh, người bán và người mua thực hiện kê khai điều chỉnh theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và hóa đơn hiện hành. Hoá đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-)".

Tại Khoản 2 Điều 14 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính quy định:

"2. Ngoài các nội dung hướng dẫn cụ thể tại Thông tư này, các nội dung khác được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010 của Chính phủ và Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính".

Tại Khoản 3 Điều 15 Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010 của Chính phủ quy định lập hóa đơn như sau:

“3. Ngày lập hóa đơn là ngày người bán và người mua làm thủ tục ghi nhận hàng hóa, dịch vụ đã được chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng. Các trường hợp pháp luật quy định chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký thì ngày lập hóa đơn là ngày bàn giao hàng hóa.”

Tại Khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính quy định như sau:

"Điều 16. Lập hóa đơn

2. Cách lập một số tiêu thức cụ thể trên hóa đơn

a) Tiêu thức “Ngày tháng năm” lập hóa đơn

Ngày lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Ngày lập hóa đơn đối với cung ứng dịch vụ là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền...".

Tại Điều 23 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính quy định như sau:

"1. Sử dụng bất hợp pháp hóa đơn là việc lập khống hóa đơn; cho hoặc bán hóa đơn chưa lập để tổ chức, cá nhân khác lập khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (trừ các trường hợp được sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế bán hoặc cấp và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn theo hướng dẫn tại Thông tư này); cho hoặc bán hóa đơn đã lập để tổ chức, cá nhân khác hạch toán, khai thuế hoặc thanh toán vốn ngân sách; lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc; lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên; dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác...".

Tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định:

"2. Hóa đơn điện tử là hóa đơn được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, ký số, ký điện tử theo quy định tại Nghị định này bằng phương tiện điện tử, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế".

Tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định:

"Điều 4. Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử

1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán (trừ hộ, cá nhân kinh doanh quy định tại khoản 6 Điều 12 Nghị định này) phải lập hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu mà cơ quan thuế quy định và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Nghị định này, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ...".

Tại Điều 6 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định:

"Điều 6. Nội dung của hóa đơn điện tử

1. Hóa đơn điện tử có các nội dung sau:

a) Tên hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, số hóa đơn;

...

e) Chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán;

g) Chữ ký số, chữ ký điện tử của người mua (nếu có);

h) Thời điểm lập hóa đơn điện tử;

 ...

2. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể các nội dung hóa đơn điện tử và các trường hợp hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có đủ những nội dung quy định tại khoản 1 Điều này".

Tại Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định:

"Điều 14. Nguyên tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào

1. Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hóa chịu thuế GTGT bị tổn thất...".

Tại Khoản 10 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 31/12/2013 sửa đổi bổ sung Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định:

"Điều 15. Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào

1. Có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào ...

2. Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ hai mươi triệu đồng trở lên...".

Căn cứ các quy định nêu trên, hóa đơn điện tử được lập khi bán hàng hóa, dịch vụ để giao cho người mua được thiết lập theo định dạng chuẩn dữ liệu mà cơ quan thuế quy định, có đầy đủ các nội dung của hóa đơn điện tử, ngày lập, ngày ký hóa đơn điện tử đúng theo các quy định tại Thông tư số 32/2011/TT-BTC, Thông tư số 39/2014/TT-BTC, Nghị định số 51/2010/NĐ_CP, Nghị định số 119/2018/NĐ_CP là hóa đơn điện tử hợp pháp, và thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh được kê khai khấu trừ nếu đáp ứng điều kiện theo quy định tại Khoản 10 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC. Trường hợp phát hiện hóa đơn điện tử đã lập có sai sót thì thực hiện xử lý theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 32/2011/TT-BTC.

Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi trả lời cho đơn vị biết để thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật./.

Nguồn 'Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính' hoặc 'www.mof.gov.vn'

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan