CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

4 tháng đầu năm 2025, Việt Nam xuất khẩu 195,6 nghìn tấn hạt điều

Invest Global 08:52 22/05/2025

Theo số liệu của Cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2025, Việt Nam xuất khẩu 195,6 nghìn tấn hạt điều, trị giá 1,33 tỷ USD, giảm 10% về lượng, nhưng tăng 14,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024. Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu hạt điều lớn nhất của Việt Nam với 23,75 nghìn tấn trong tháng 4/2025.

Trong đó, chỉ tính riêng tháng tư, Việt Nam xuất khẩu được 73,41 nghìn tấn hạt điều, tăng 31,5% về lượng và tăng 28,6% về trị giá so với tháng 3/2025; tăng 9,6% về lượng và tăng 37,9% về trị giá so với tháng 4/2024.

-9348-1747819768.jpg

4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng khả quan với 195,6 nghìn tấn hạt điều, trị giá 1,33 tỷ USD.

Giá xuất khẩu điều những tháng đầu năm tiếp tục tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tháng 4/2025, giá bình quân xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt mức 6.730 USD/tấn, giảm 2,2% so với tháng 3/2025, nhưng tăng 25,8% so với tháng 4/2024. Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, giá bình quân xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt mức 6.817 USD/tấn, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xét theo cơ cấu thị trường, tháng 4/2025, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hà Lan, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Đức là 5 thị trường xuất khẩu hạt điều lớn nhất của Việt Nam.

Đáng chú ý, Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu hạt điều lớn nhất của Việt Nam trong tháng 4/2025. Đây cũng là thị trường ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất trong tháng, với 23,75 nghìn tấn, trị giá 149,1 triệu USD, tăng mạnh 126,7% về lượng và 129,8% về trị giá so với tháng 3/2025.

Trong khi đó, xuất khẩu hạt điều sang Hoa Kỳ lại có xu hướng giảm. Trong tháng 4/2025, xuất khẩu hạt điều sang thị trường Hoa Kỳ đạt 13,52 nghìn tấn, trị giá 92,05 triệu USD, giảm 0,3% về lượng và giảm 1,9% về trị giá so với tháng 3/2025.

Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS), cho biết, năm 2025 ngành điều hướng đến xuất khẩu trên 4,5 tỷ USD. Để đạt mục tiêu này trong bối cảnh gặp thách thức từ thị trường Mỹ, ngành điều sẽ tập trung vào ba trụ cột: nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và tăng cường xúc tiến thương mại.

Đơn cử như năm 2023, đoàn xúc tiến thương mại của VINACAS đã đến Nhật Bản - nơi được đánh giá là thị trường mới nổi. Năm 2024, đoàn đến Trung Quốc, và năm nay dự kiến sẽ tổ chức xúc tiến thương mại tại Australia vào tháng 9.

Bên cạnh các thị trường nói trên, hiện nay các doanh nghiệp ngành điều cũng đặc biệt chú trọng tới thị trường Trung Đông, trong đó nổi bật là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Đây được xem là điểm giao dịch và trung tâm thương mại có uy tín về nông sản tại khu vực Trung Đông. Phần lớn doanh nghiệp điều Việt Nam tham gia Hội chợ GoodFood do UAE tổ chức vào tháng 2 hằng năm, với số lượng doanh nghiệp tham dự ngày càng tăng, hiện đã lên tới khoảng 20 doanh nghiệp, nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác và mở rộng thị trường.

Cũng theo ông Nhựt, để khai thác thành công thị trường khu vực Trung Đông tiềm năng, điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nâng cao quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, việc thường xuyên cập nhật thông tin từ thị trường Trung Đông là cần thiết, nhằm điều chỉnh kịp thời để đáp ứng đúng yêu cầu và tiêu chuẩn đặc thù.

Đặc biệt, trong quá trình tiếp cận thị trường mới, nguy cơ bị lợi dụng, lừa đảo luôn hiện hữu. Doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức thận trọng. VINACAS sẽ đóng vai trò cầu nối, hỗ trợ kết nối với các tham tán thương mại và Đại sứ quán Việt Nam tại các quốc gia Trung Đông, qua đó nắm bắt và cung cấp thông tin về các đối tác đáng tin cậy, giúp doanh nghiệp hạn chế tối đa rủi ro.

Về phía cơ quan quản lý, đại diện Hiệp hội đề xuất Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, đồng thời cập nhật thường xuyên thông tin, chính sách nhập khẩu tại các thị trường mới nổi như Trung Đông và các khu vực tiềm năng khác.

Hồng Hương