CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

5 giải pháp tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng nông - thủy sản mùa dịch

Invest Global 08:07 07/08/2021

Nhàđầutư Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT thực hiện 5 giải pháp trọng tâm để hỗ trợ các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên nói riêng và các địa phương trên cả nước nói chung tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ nông - thủy sản đang bị "ùn ứ" do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Báo cáo của Bộ Công Thương vừa công bố cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng năm 2021 của cả nước đạt gần 2.791,3 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng ước đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 13,4 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, phần lớn các mặt hàng chủ lực đều đạt tăng trưởng dương; ước tính 7 tháng năm 2021 đạt 15,8 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ.

Theo Bộ Công thương, nhìn chung hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm nông, thủy sản đều ghi nhận sự tăng trưởng. Trong đó, cao su là mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất với mức tăng lên tới 33,6% về lượng và tăng 73,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 914 nghìn tấn, trị giá 1,5 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn, hạt tiêu và nhân điều lần lượt tăng trưởng 24,1%; 49,8% và 14% so với cùng kỳ năm 2020.

Tương tự, hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong nhóm này là thủy sản và hàng rau quả cũng tăng lần lượt là 12,0% và 15% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, xuất khẩu mặt hàng gạo đạt 1,9 tỷ USD, giảm 0,6% (lượng giảm 10,6%); cà phê đạt 1,8 tỷ USD, giảm 1,7% (lượng giảm 9,3%); chè đạt 113 triệu USD, giảm 0,3% (lượng giảm 4,5%).

Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến việc cung ứng và tiêu thụ nông - thủy sản đang gặp nhiều khó khăn, cung - cầu bất cân xứng do thiếu lao động thu hoạch, chế biến. Bên cạnh đó, vận chuyển lưu thông hàng hóa cũng gặp khó do yêu cầu siết chặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các địa phương;... đã dẫn đến nhu cầu tiêu thụ bị sụt giảm, hàng hóa cũng bị "ùn ứ".

Cụ thể, theo số liệu thông kê của Tổ công tác tiền phương về lượng hàng hóa nông - thủy sản và sản phẩm chăn nuôi cần được hỗ trợ tiêu thụ tại 26 tỉnh, thành phố phía Nam, miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc đến nay lên tới gần 5 triệu tấn lúa; 3,7 triệu tấn rau, củ quả; hơn 4 triệu tấn các loại trái cây như: Thanh long, sầu riêng, bơ, nhãn, xoài, bưởi, cà phê, dứa, ca cao…; khoảng 120.000 tấn hải sản; 80.000 tấn lợn hơi; 600.000 tấn thịt gà và khoảng 400 triệu quả trứng…

Trước thực trạng đó, nhằm hỗ trợ các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên nói riêng và các địa phương trên cả nước nói chung tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ nông - thủy sản vào vụ một cách chủ động, căn cơ cũng như do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thực hiện 5 giải pháp trọng tâm.

Một là đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, xác định thị trường trong nước với gần 100 triệu người tiêu dùng làm trọng tâm, nền tảng phát triển tiêu thụ nông sản, thủy-hải sản.

Hai là xây dựng thói quen tiêu dùng hàng Việt nói chung, nông sản và thủy-hải sản nói riêng qua đó nâng cao uy tín hàng sản xuất trong nước, tiến tới giảm nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất được.

Ba là phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và thương hiệu mạnh với nguyên liệu đầu vào trong nước để giảm tải cho việc tiêu thụ nông sản tươi, phục vụ cho thị trường trong nước và quốc tế.

Bốn là song song với phát triển các kênh phân phối truyền thống, đẩy mạnh phát triển các kênh phân phối hiện đại như thương mại điện tử, các nền tảng số,…

Năm là đối với xuất khẩu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả các hình thức xúc tiến xuất khẩu, đồng thời nâng cao trách nhiệm và huy động toàn bộ hệ thống tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc nhằm hỗ trợ các địa phương, các doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu.

Ở góc độ doanh nghiệp, chia sẻ giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên qua hệ thống phân phối ở Việt Nam, ông Lê Trường Sơn - Phó Tổng giám đốc SaigonCo.op cho biết, hiện nay, SaigonCo.op đang phối hợp chặt chẽ với Liên minh hợp tác xã tại các tỉnh, thành để hỗ trợ, phân phối các mặt hàng nông - thủy sản, sản phẩm chăn nuôi không tiêu thụ được do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.

“Trước đó, công ty đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu tại khu vực miền Nam, Tây Nguyên để có nguồn cung cấp ổn định cho toàn hệ thống. Đặc biệt, công ty cũng phối hợp với Liên minh hợp tác xã tại các tỉnh, thành xây dựng sàn giao dịch nông sản, hỗ trợ liên kết trao đổi thông tin, tăng tiêu thụ nông sản, thủy sản của các địa phương trên nền tảng thương mại điện tử. Đồng thời, công ty cũng liên tục điều chỉnh chính sách thu mua, phù hợp với từng thời điểm, chia sẻ khó khăn với người nuôi trồng”, ông Lê Trường Sơn cho hay.

Ngoài ra, lãnh đạo SaigonCo.op cũng cam kết, công ty sẽ kết nối tiêu thụ, phân phối hàng nông - thủy sản, sản phẩm chăn nuôi khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên ở mức cao nhất, đưa hàng Việt Nam chất lượng cao đến tay người tiêu dùng cả nước, góp phần ổn định tình hình thị trường trong bối cảnh dịch COVID-19.

Khung pháp lý