CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

5 tháng đầu năm, vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh

Invest Global 16:46 05/06/2023

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kể từ đầu năm đến nay, số vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng 41,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 1,6 tỷ USD.

Cụ thể, tính từ đầu năm đến hết ngày 20/5, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đạt hơn 1,608 tỷ USD, tăng 41,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số vốn đăng ký cấp mới đạt hơn 1,086 tỷ USD và số vốn đăng ký điều chỉnh là 451,76 triệu USD với tổng cộng 156 dự án.

-1364-1685953497.jpg

Trung Quốc xếp thứ 3/5 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023.

Về tổng số vốn đầu tư, Trung Quốc xếp thứ 3 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, sau Singapore và Nhật Bản. 

Lũy kế đến hết tháng 5, số dự án đầu tư của Trung Quốc còn hiệu lực là 3.720 dự án với tổng vốn đăng ký đạt hơn 24,87 tỷ USD.

Trong năm 2022, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam khoảng 2,52 tỷ USD với 283 dự án cấp mới, xếp thứ 4 trong tổng số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam, trong đó vốn đăng ký cấp mới đạt 1,35 tỷ USD, số vốn đăng ký điều chỉnh là hơn 1 tỷ USD với 283 dự án. Như vậy chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, số vốn đăng ký của Trung Quốc vào Việt Nam đã đạt 64% so với năm 2022.

Dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể trong những năm gần đây với đa dạng ngành nghề và lĩnh vực. Các giai đoạn trước, dòng vốn của Trung Quốc chỉ tập trung vào các lĩnh vực như nhà hàng, khách sạn, hàng tiêu dùng,… thì gần đây các ngành như dệt may, da giày, xơ sợi dệt, khai thác khoáng sản, khu công nghiệp đang thu hút dòng vốn FDI từ Trung Quốc.

Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư Trung Quốc bởi vị trí địa lý tiếp giáp với nhau và nước ta tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, RCEP. Điều này đã góp phần tạo nên bệ đỡ quan trọng để thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài nói chung và từ Trung Quốc nói riêng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có lợi thế bởi chi phí lao động rẻ và hệ thống các khu công nghiệp, nhà máy của các tập đoàn lớn đã xây dựng.

Các dự án lớn nhất của Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam tính đến nay phải kể đến dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1 tại tỉnh Bình Thuận, Dự án chế tạo lốp xe Radian tại Tây Ninh. Cùng với đó các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đầu tư tập trung ở các khu công nghiệp như Đình Vũ (Hải Phòng), Hòa Phú (Bắc Giang), Nam Tân Uyên (Bình Dương) và Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu),…

Các tập đoàn lớn của Trung Quốc cũng đang ngày càng để mắt đến thị trường Việt Nam. Trong tháng 5 vừa qua, sau cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Chủ tịch kiêm nhà sáng lập của BYD – ông Wang Chuanfu, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc đã chia sẻ họ đang có kế hoạch sản xuất xe điện tại Việt Nam và mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ. Trong thời gian tới tập đoàn BYD sẽ mở rộng đầu tư sang lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô điện với những công nghệ tốt nhất để cung cấp cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu sang khu vực Đông Nam Á.

Từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đến ngày 20/5 đạt gần 10,86 tỷ USD, bằng 92,7% so với cùng kỳ, tăng 10,6% so với 4 tháng đầu năm.

Huyền Như

Môi trường kinh doanh