Kế hoạch sử dụng vốn tăng 50%
Theo đó, kế hoạch hoạt động của ADB trong thập niên tiếp theo sẽ tăng thêm 50%, nhằm tận dụng cơ sở vốn của mình để tăng cường tác động phát triển trên khắp khu vực Châu Á và Thái Bình Dương. Cụ thể, kế hoạch sử dụng vốn (CUP) vạch ra lộ trình tăng cam kết tài trợ hàng năm của ADB từ 24 tỉ USD trong năm 2024 lên hơn 36 tỉ USD vào năm 2034. Nguồn vốn được tăng cường này sẽ thúc đẩy nỗ lực của các quốc gia thành viên đang phát triển của ADB nhằm giải quyết những ưu tiên phát triển quan trọng trong khu vực.
Ông Masatsugu Asakawa, Chủ tịch ADB, nhận định: “Kế hoạch năng động này đáp ứng các nhu cầu đang thay đổi của khu vực chúng ta và tăng cường tác động mang tính chuyển đổi từ các hoạt động của ADB, cải thiện đời sống của người dân và bảo vệ hành tinh của chúng ta. Bằng việc tận dụng năng lực cho vay được tăng cường của ngân hàng, CUP cho phép chúng tôi tiến hành những khoản đầu tư chiến lược nhằm giải quyết các thách thức phức hợp, trong khi nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của ADB trên toàn khu vực.”

CUP là bước tiếp theo trong quá trình chuyển đổi đang diễn ra của ADB. Kế hoạch này được dựa trên những cải cách quản lý vốn trong năm 2023, đã giúp tăng đáng kể năng lực tài trợ của ngân hàng, và dựa trên bản cập nhật chiến lược hoạt động của năm trước, đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng trong năm lĩnh vực trọng tâm. ADB cũng tăng cường cho vay ưu đãi và thúc đẩy Quỹ Phát triển Châu Á, nguồn cung cấp viện trợ lớn nhất cho các quốc gia thành viên nghèo nhất và dễ tổn thương nhất, trong lần bổ sung vốn gần đây nhất.
Tổng vốn tài trợ khu vực tư nhân là 13 tỉ USD
CUP dự kiến tăng mạnh các cam kết cho vay của ADB trong vòng 2-3 năm tới, được hỗ trợ nhờ sự gia tăng nguồn nhân lực và hỗ trợ kỹ thuật, sau đó là giai đoạn tăng trưởng ổn định và bền vững. Các hoạt động theo kênh tài trợ tư nhân dự kiến tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn, từ 20% lên 27% tổng số cam kết trong thập niên tới, trong khi các hoạt động theo kênh tài trợ chính phủ sẽ tăng với tốc độ khiêm tốn hơn, với danh mục đa dạng và cân bằng hơn.
Trong thập niên tới, thu nhập ròng của ADB dự kiến tăng trưởng đều đặn. Ngân hàng dự định đầu tư một phần thu nhập này một cách chiến lược để giúp các quốc gia thành viên đang phát triển xây dựng những dự án chất lượng cao có thể được cấp vốn và huy động nguồn tài chính bền vững thông qua thị trường vốn. Các sáng kiến mới được dự định triển khai bao gồm một quỹ cho vay với các ưu đãi tài chính và phi tài chính để thúc đẩy đầu tư cho khả năng thích ứng và tính bền vững, cùng với các công cụ linh hoạt hơn để tăng cường hoạt động chuẩn bị dự án.
ADB sẽ xây dựng những phương pháp tiếp cận hoạt động để định hướng hoạt động tương lai của ngân hàng liên quan tới phát triển khu vực tư nhân, chuyển đổi số, hợp tác khu vực và hàng hóa công khu vực. Những sáng kiến này được thiết kế để bảo đảm ADB đạt được các mục tiêu hoạt động vào năm 2030, bao gồm tăng tỷ lệ tài trợ khí hậu lên 50% tổng số cam kết và đạt mức tổng vốn tài trợ khu vực tư nhân là 13 tỉ USD, từ cả nguồn tài trợ riêng của ADB và huy động trực tiếp, cho năm 2030. Tiến độ thực hiện CUP sẽ được rà soát hàng năm để bảo đảm phù hợp với các nhu cầu và ưu tiên đang thay đổi của khu vực.
ADB cam kết đạt tới một khu vực Châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, trong khi duy trì nỗ lực xóa nghèo cùng cực.
Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 69 thành viên, trong đó có 49 thành viên trong khu vực. ADB và Việt Nam đã có quan hệ hợp tác, phát triển 30 năm, hỗ trợ lũy kế của ADB dành cho Việt Nam đã lên tới khoảng 18 tỷ USD, cải thiện kết nối khu vực; tăng cường quản lý môi trường và đầu tư xanh; thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang phát triển thích ứng với khí hậu; tăng cường tiếp cận giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội; cũng như hỗ trợ phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Thời gian tới, ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ, cung cấp nguồn vốn cho Việt Nam để thực hiện các mục tiêu phát triển, nhất là chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển hạ tầng, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.