CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Áp giá sàn vé máy bay có lợi bất cập hại?

Invest Global 08:31 10/02/2022

Việc Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông Vận tải áp mức giá tối thiểu (giá sàn) bằng 20% mức giá tối đa vé máy bay phổ thông nội địa hiện tại từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/10/2022 đang gặp nhiều ý kiến trái chiều.

Ngày 26/10, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu nội dung đề nghị của chuyên gia Ngô Trí Long về việc đánh giá lại dự định áp giá sàn vé máy bay nội địa.

Trước đó, ngày 3/10, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính) có thư gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo Chính phủ liên quan đến việc áp giá sàn vé máy bay.

Theo ông Long, việc áp giá sàn vé máy bay nội địa là trái quy định pháp luật, vi phạm nguyên tắc quản lý giá đối với thị trường hàng không nội địa, không phù hợp với thể chế về quản lý giá trong nền kinh tế thị trường.

“Việc áp giá sàn vé máy bay đi ngược với xu hướng của hàng không thế giới, có thể gây hệ lụy rất lớn trong việc phục hồi kinh tế, phục hồi ngành du lịch, gây khó khăn cho công nhân trở lại nhà máy và tước bỏ quyền đi lại bằng đường hàng không với giá rẻ của hàng chục triệu người”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh. Trên cơ sở đó, ông Ngô Trí Long kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm cho ngừng chủ trương áp giá sàn.

Đề xuất giá sàn bằng 20% giá trần

Ngày 31/8, Cục Hàng không Việt Nam đã trình Bộ GTVT dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/10/2022. Theo dự thảo Thông tư, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị áp dụng mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định.

Theo đó, tùy từng nhóm đường bay, giá sàn được đề xuất từ 320.000 - 750.000 đồng một chiều. Cụ thể, các đường bay nhóm IV như Hà Nội đi TP.HCM, Đà Lạt, Cam Ranh…; TP.HCM đi Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng giá tối thiểu là 640.000 đồng/vé 1 chiều. Đường bay nhóm V như Hà Nội đi Cần Thơ, Phú Quốc, Côn Đảo giá tối thiểu 750.000 đồng/1 chiều (chưa gồm thuế phí). Sẽ không còn giá vé 0 đồng.

Đại diện Cục Hàng không cho biết, tháng 7/2021, Vietnam Airlines đã kiến nghị quy định mức giá tối thiểu nhằm hỗ trợ các hãng hàng không, đặc biệt là Vietnam Airlines và góp phần bảo toàn vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo đó, Vietnam Airlines kiến nghị mức giá sàn bằng 44% mức giá tối đa trong khung giá, thực hiện trong 36 tháng như kinh nghiệm Trung Quốc từng áp dụng trong giai đoạn 2004-2013.

Tuy nhiên, Cục Hàng không cho rằng, mức giá tối thiểu trên là cao, hạn chế việc đi máy bay của một bộ phận lớn người dân có thu nhập thấp… Vì vậy, Cục đề xuất áp dụng giá sàn là 20% giá tối đa hiện nay, thời gian áp dụng 12 tháng.

Hang-khong-de-xuat-ap-dung-chi-4981-7938

Cục Hàng không đề xuất áp dụng chính sách mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa.

Việc đề xuất áp giá sàn của Vietnam Airlines cũng nhận được sự đồng tình ủng hộ của hãng hàng không Pacific Airlines. Trước đề xuất của Vietnam Airlines và Cục Hàng không , Bộ GTVT cho biết đây là vấn đề có tính tác động rất lớn, nên quan điểm của Bộ là hết sức cẩn trọng, khách quan, có sự tính toán khoa học. Bộ đang chỉ đạo các cơ quan tham mưu nghiên cứu và đưa ra nhiều kịch bản khác nhau, xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia và người dân để xem xét, quyết định.

Theo ông Bùi Doãn Nề, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam, giá cả phải do quan hệ cung cầu và do thị trường quyết định. Đó là một công cụ cạnh tranh của doanh nghiệp khi có nhiều nhà cung ứng, người hưởng lợi là khách hàng. Do đại dịch Covid-19, ngành hàng không chịu tổn thất nặng, nhưng với những giải pháp hỗ trợ của Nhà nước đang từng bước khắc phục khó khăn, vượt qua khủng hoảng dịch bệnh, ổn định và trụ vững trước cạnh tranh trong nước và quốc tế. 

Không nên tạo sự bất bình đẳng

Ngày 24/9, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng ký văn bản báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) về việc áp sàn giá vé máy bay.

Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết, đây chỉ là giải pháp mang tính tình huống, chỉ áp dụng trong thời gian ngắn và được cân nhắc trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, các hãng hàng không và Nhà nước.

Đề xuất của Cục Hàng không nhận phản ứng gay gắt từ giới chuyên gia, dư luận cũng như đại diện một số hãng hàng không.

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, không nên áp giá trần hoặc giá sàn đối với dịch vụ hàng không, bao gồm cả vé máy bay. Bởi làm như vậy sẽ có 3 hệ lụy là gây nên tình trạng bất bình đẳng giữa các hãng hàng không, hạn chế tính cạnh tranh nội địa do với cùng một mức giá tối thiểu, người tiêu dùng sẽ có xu hướng lựa chọn hãng có điều kiện dịch vụ tối ưu hơn. Nền kinh tế Việt Nam đang phấn đấu được quốc tế công nhận là hoạt động theo cơ chế thị trường, nếu mỗi ngành lại dùng biện pháp hành chính (áp giá trần hoặc giá sàn) thì bao giờ mới đạt được tiêu chuẩn này?

Về phía người tiêu dùng, ông Phạm Ngọc Tùng, Giám đốc Công ty phòng cháy chữa cháy có trụ sở tại TP.HCM cho rằng, do có ký kết các hợp đồng mua bán, lắp đặt thiết bị phòng cháy, chữa cháy với các doanh nghiệp xây dựng, các chủ thầu nhà cao tầng, chung cư trong nước nên mỗi tháng phải đi cả chục chuyến máy bay ra Bắc, vào Nam. Hơn một năm nay, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh nên thu nhập giảm. Và để giảm chi phí, ông Tùng đã phải tìm kiếm cơ hội mua vé máy bay với giá cạnh tranh để đi lại.

“Do vậy, việc Cục Hàng không Việt Nam đề xuất nâng trần giá vé may bay sẽ làm hạn chế khả năng tiếp cận của một bộ phận hành khách đi máy bay với những mức giá ưu đãi”, ông Tùng nói.

Không chỉ hạn chế với các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay, mà việc nâng trần giá vé, như chia sẻ của anh Nguyễn Hải Triều, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) còn vô hình trung “chặn đường bay” của người lao động phổ thông, công nhân trong các khu, cụm công nghiệp, lao động xa nhà. 

Phản ứng về vấn đề này, đại diện một số hãng hàng không cho rằng, việc áp giá sàn sẽ gây nên tình trạng bất bình đẳng giữa các hãng hàng không, hạn chế tính cạnh tranh. Đại diện hãng hàng không Vietjet, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, đơn vị đề xuất không áp giá sàn.

"Việc áp giá trần hoặc giá sàn còn có thể làm hạn chế khả năng tiếp cận của một bộ phận người tiêu dùng khi tham gia vận chuyển bằng đường hàng không với những mức giá ưu đãi. Chưa kể, nếu cơ quan chức năng chưa đánh giá tác động của chính sách, lại càng chưa nên hay không nên ban hành”, bà Thảo cho biết.

Đồng tình quan điểm này, đại diện Bamboo Airways cũng đề xuất bỏ quy định Nhà nước định giá trên các đường bay khai thác bởi 3 hãng trở lên.

Vietravel Airlines cho rằng chính sách quy định giá tốt thiểu đối với dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa tồn tại nhiều bất cập, hạn chế và tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của hãng.

Cụ thể, Vietravel Airlines cho rằng áp dụng chính sách giá tối thiểu sẽ khiến hành khách lựa chọn hãng có dịch vụ cao hơn, như vậy các hãng giá rẻ sẽ bị thiệt thòi, đặc biệt là với hãng hàng không mới, đội tàu bay và tần suất khai thác thấp nhất thị trường, bất lợi về độ phủ sản phẩm và giá trị thương hiệu.

“Trong bối cảnh phục hồi kinh tế hậu Covid-19, việc áp dụng giá sàn cho thị trường nội địa sẽ làm giảm mạnh nhu cầu đi lại, giao thương của người dân do thu nhập bị thâm hụt nặng nề trong thời gian giãn cách”, đại diện Vietravel Airlines nêu rõ.

Luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng văn phòng Luật sư Toàn Cầu, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, với thị trường hàng không trong nước hiện nay, Vietnam Airlines chiếm thị phần gần 40%, Vietjet trên 30%, Bamboo Airways cũng hơn 20%. Trong khi Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định, doanh nghiệp hàng không có thể quy định giá trần và giá sàn vé máy bay, trong đó quy định giá sàn bằng 0. Do vậy, đề xuất mức giá sàn mới là trái với Luật Hàng không và trái với định chế quản lý giá trong nền kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, ông Thiệp cũng lưu ý, các hãng hàng không giá rẻ không nên lợi dụng giá sàn bằng 0, chấp nhận hạ giá bán tối thiểu, chịu lỗ để “dìm hàng” hãng hàng không khác. Như vậy là cạnh tranh không lành mạnh. Do đó, việc lập giá sàn vé máy bay sẽ giáng đòn chí mạng vào sự phục hồi của nền kinh tế. Thậm chí, đây sẽ là đòn knock-out với ngành du lịch, vốn có doanh thu 35 tỷ USD/năm trước đại dịch Covid-19, trực tiếp tạo việc làm cho 2,5 triệu người và việc làm gián tiếp cho khoảng 2 - 2,5 triệu người. Bởi, trước đại dịch Covid-19, hơn 2/3 người đi máy bay ở Việt Nam chọn hàng không giá rẻ. Do đó, cần từ bỏ ngay ý định áp dụng giá sàn vé máy bay, đồng thời xem xét bỏ giá trần.

Phạm Duy

Khung pháp lý