CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Bộ Công Thương đề xuất loạt giải pháp duy trì chuỗi sản xuất giữa "bão" Covid

Invest Global 08:15 30/07/2021

Nếu không sớm có các giải pháp khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước, sớm quay trở lại sản xuất ngay bây giờ, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ khách hàng quốc tế dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác...

Sau khi tiến hành làm việc với các hiệp hội, ngành hàng trong các ngành sản xuất, Bộ Công Thương chỉ ra hai khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp hiện nay, đó là nguồn cung phục vụ sản xuất và thị trường.

HÀNG LOẠT THÁCH THỨC

Trước hết, về nguồn cung sản xuất, các ý kiến đều cho rằng, chi phí sản xuất tăng cao, chủ yếu do giá một số nguyên vật liệu cơ bản phục vụ sản xuất như thép và các nguyên phụ liệu trong các ngành sản xuất đồ uống, thực phẩm… Bên cạnh đó, việc phát sinh nhiều chi phí phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh cũng ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp.

Ngoài ra, chi phí vận chuyển hàng hóa quốc tế cũng tăng rất cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Giá cước container và vận chuyển bằng tàu biển tăng gấp 3-4 lần, thậm chí gấp 7-8 lần so với thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát và chưa hạ nhiệt đang trở thành một trong những thách thức rất lớn với doanh nghiệp cả ở chiều xuất lẫn nhập khẩu.

 

 Nếu không sớm có các giải pháp giúp doanh nghiệp khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước, sớm quay trở lại sản xuất ngay bây giờ, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ khách hàng quốc tế sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác.

Quy định về các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế lưu thông, vận chuyển hàng hóa của các địa phương không thống nhất, gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với thị trường, do ảnh hưởng của dịch bệnh và các quy định của nhiều địa phương về giãn cách xã hội, đơn hàng trong nước của nhiều ngành sản xuất như ô tô, cơ khí, thép… sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo như điện tử, dệt may và da – giày, cùng với đà hồi phục nhu cầu tiêu dùng của các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu cùng với xu thế dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu sau dịch bệnh, các doanh nghiệp có thể có thêm các đơn hàng xuất khẩu mới.

Tuy nhiên, nếu không sớm có các giải pháp giúp doanh nghiệp khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước, sớm quay trở lại sản xuất ngay bây giờ, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ khách hàng quốc tế sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác. Đến khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp khó có thể nối lại các mối quan hệ kinh doanh đã mất.

Theo phản ánh từ các hiệp hội ngành hàng, nguyên nhân chủ yếu của việc gián đoạn quá trình lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong thời gian vừa qua chủ yếu do nhận thức của các địa phương về vai trò của lực lượng lao động trong các ngành vận tải, logistics chưa phù hợp. Chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của họ trong việc phục vụ lưu thông hàng hóa cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

CẦN DUY TRÌ SẢN XUẤT CỦA DOANH NGHIỆP

Trước các vướng mắc trên, Bộ Công Thương nhận định, duy trì hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp chính là góp phần thực hiện mục tiêu vừa tăng trưởng kinh tế, vừa đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.

Do đó, Bộ Công Thương đề xuất, Bộ Y tế cần xem xét sửa đổi các quy định, hướng dẫn về các đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng chống Covid-19, trong đó bổ sung mức ưu tiên đối với các đối tượng là người lao động trong ngành vận tải – đặc biệt là lái xe, phụ xe vận tải liên tỉnh và các đối tượng khác trong ngành logistics, nhằm đảm bảo dòng lưu thông hàng hoá được thông suốt, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất.

Sửa đổi mức ưu tiên đối với đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất…) trở thành đối tượng ưu tiên tiêm vaccine.

Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ công tác lưu thông, vận chuyển hàng hóa trong tình hình hiện nay là rất cần thiết. Cụ thể, theo Bộ Công Thương, các địa phương cần đơn giản hóa yêu cầu về thời hạn và cách thức xét nghiệm Covid-19 đối với lực lượng tài xế vận tải hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

 

Cần xem xét sửa đổi các quy định, hướng dẫn về các đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng chống Covid-19, trong đó bổ sung mức ưu tiên đối với các đối tượng là người lao động trong ngành vận tải – đặc biệt là lái xe, phụ xe vận tải liên tỉnh và các đối tượng khác trong ngành logistics.

Xem xét gỡ bỏ quy định về định mức số lượng xe ô tô ra vào địa phương; cho phép sử dụng kết quả test nhanh, test gộp đối với lái xe và người lao động di chuyển liên tỉnh thay vì chỉ chấp nhận kết quả RT-PCR như nhiều địa phương đang áp dụng.

Xem xét cho phép áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh (tuy nhiên vẫn đảm bảo không quá tổng thời gian làm thêm trong cả năm theo quy định của pháp luật về lao động) để bảo đảm kịp tiến độ giao hàng như với dệt may, da – giày, điện tử.

Các cơ quan nhà nước đẩy mạnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính, trong đó ưu tiên tiến hành giải quyết và trả kết quả hành chính online, đặc biệt là các thủ tục hải quan và xuất nhập khẩu để tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp.

Đồng thời, có các giải pháp hỗ trợ về tài chính cho các ngành sản xuất: xem xét miễn, giảm hoặc gia hạn thời hạn tăng tiền thuê đất, thuê hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Bộ Tài chính xem xét tiếp tục có các chính sách ân hạn, giãn, hoãn nộp các khoản thuế, phí trong một thời hạn nhất định để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn các tổ chức tài chính tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp do giá các mặt hàng đầu vào nhập khẩu đều bị tăng giá do đại dịch khiến hạn mức hiện tại không đảm bảo thu mua đủ nguồn cung cho doanh nghiệp…

Khung pháp lý