CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Bài 1: Vai trò "bà đỡ" cho nền kinh tế của thị trường bảo hiểm ngày càng rõ nét

Invest Global 10:41 26/05/2023

Mặc dù còn khá non trẻ so với thế giới, nhưng thị trường bảo hiểm Việt Nam đã ngày càng thể hiện vai trò rõ nét trong việc góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước suốt hơn 1/4 thế kỷ qua. Thị trường bảo hiểm không chỉ đầu tư trở lại nền kinh tế một cách hiệu quả, mà còn là “bà đỡ” tin cậy cho các doanh nghiệp khi gặp rủi ro, cũng như hỗ trợ người dân giảm bớt khó khăn trước những bất trắc khó lường trong cuộc sống.

(TBTCO) - Mặc dù còn khá non trẻ so với thế giới, nhưng thị trường bảo hiểm Việt Nam đã ngày càng thể hiện vai trò rõ nét trong việc góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước suốt hơn 1/4 thế kỷ qua. Thị trường bảo hiểm không chỉ đầu tư trở lại nền kinh tế một cách hiệu quả, mà còn là “bà đỡ” tin cậy cho các doanh nghiệp khi gặp rủi ro, cũng như hỗ trợ người dân giảm bớt khó khăn trước những bất trắc khó lường trong cuộc sống.

Bài 1: Vai trò Thị trường bảo hiểm ngày càng thể hiện được vai trò, vị trí đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Thái Duy Khung khổ pháp lý ngày càng hoàn thiện

Song hành với sự phát triển của thị trường bảo hiểm, khung khổ pháp lý đã ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với từng giai đoạn phát triển cụ thể của thị trường. Hệ thống pháp lý hoàn thiện không chỉ giúp cơ quan quản lý giám sát hoạt động của thị trường hiệu quả, mà còn giúp các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển theo hướng an toàn, ổn định, cũng như bảo vệ tốt hơn người tham gia bảo hiểm.

Thêm một bước tiến về khung khổ pháp lý đó là Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi cũng đã được Quốc hội chính thức thông qua và có hiệu từ năm 2023. Nhiều chuyên gia đều đồng thuận cho rằng, hệ thống các văn bản pháp lý sẽ tạo ra cú huých nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển an toàn, ổn định và bền vững.

Luật Kinh doanh bảo hiểm mới đã được quy định chi tiết và cụ thể hơn

Theo đại diện cơ quan quản lý, những quy định mới trong Luật Kinh doanh bảo hiểm mới đã được quy định chi tiết và cụ thể hơn trong các văn bản hướng dẫn để đảm bảo hiệu quả thực thi cao nhất.

Hiện nay, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi đã được hoàn thiện và đang trình Chính phủ để ban hành trong thời gian sớm nhất, từ đó góp phần hỗ trợ thị trường phát triển chất lượng hơn.

Theo đó, luật đã thay đổi phương thức quản lý tài chính, quản lý doanh nghiệp, cho phép xác định vốn và quản lý doanh nghiệp theo rủi ro đặc thù của từng doanh nghiệp, không cào bằng như trước đây. Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính vững, quản trị lành mạnh phát triển và kịp thời chấn chỉnh các doanh nghiệp có biểu hiện chưa tốt về quản lý tài chính, quản trị rủi ro. Thị trường minh bạch hơn do có các quy định rõ ràng về công khai thông tin.

Đồng thời, luật mới khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh bảo hiểm, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp và thị trường phát triển phù hợp xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo thuận tiện và thêm cơ hội tiếp cận dịch vụ và sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng.

Cùng với đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi đã cải tiến, giảm các thủ tục hành chính và tạo chủ động cho doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm bảo hiểm. Doanh nghiệp không phải phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm như trước kia mà chỉ thực hiện đăng ký phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm.

Vai trò “bà đỡ” được thể hiện rõ nét

Theo ông Ngô Việt Trung - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, thời gian qua, thị trường bảo hiểm đạt mức tăng trưởng cao và ổn định, với mức tăng trưởng bình quân 20%/năm, cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011-2020. Thị trường bảo hiểm ngày càng thể hiện được vai trò, vị trí đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cùng với đó, các doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang hoạt động an toàn, hiệu quả, tính chuyên nghiệp, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp ngày càng được cải thiện. Các sản phẩm và chất lượng dịch vụ được tăng cường ngày càng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tham gia bảo hiểm. Đồng thời, cơ chế, chính sách quản lý, giám sát thị trường bảo hiểm từng bước được hoàn thiện, hỗ trợ thị trường bảo hiểm phát triển mạnh mẽ và góp phần thúc đẩy hội nhập và hợp tác kinh tế quốc tế.

Ông Nguyễn Đức Thắng - Chủ tịch GAMA Global-Vietnam, cũng đánh giá thị trường bảo hiểm Việt Nam có một sự phát triển khá ấn tượng trong hơn 1/4 thế kỷ qua; đóng góp nhiều giá trị tích cực vào quá trình đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo vệ sự bình an về tài chính cho người dân Việt Nam.

“Có thể dẫn chứng số liệu cụ thể năm 2022 từ Bộ Tài chính như, tổng số tiền đầu tư trở lại từ các doanh nghiệp bảo hiểm vào nền kinh tế Việt Nam trong năm là 656 nghìn tỷ đồng; chi trả quyền lợi bảo hiểm trên 64 nghìn tỷ đồng. Riêng ngành bảo hiểm nhân thọ cũng đem lại công ăn việc làm chính đáng, hợp pháp cho hàng trăm nghìn người lao động. So với lịch sử 440 năm phát triển của ngành bảo hiểm nhân thọ thế giới thì tốc độ tăng trưởng của ngành này tại Việt Nam là khá nhanh” - ông Thắng nói.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính tới cuối tháng 4/2023, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 708.373 tỷ đồng, tăng 14,41% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu phí bảo hiểm trong 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 75.338 tỷ đồng, tăng 1,12%; trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 23.521 tỷ đồng, tăng 20,71% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là những con số cho thấy, thị trường bảo hiểm không chỉ góp phần phát triển kinh tế, mà còn cho thấy vai trò “bà đỡ” cho các lĩnh vực khác, cũng như người tham gia bảo hiểm không may gặp rủi ro.

Doanh nghiệp bảo hiểm vượt khó để tăng trưởng những tháng đầu năm

Đến nay, thị trường bảo hiểm có 78 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 26 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Từ đầu năm tới nay, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn và thị trường bảo hiểm cũng chịu tác động không nhỏ, tuy nhiên, các doanh nghiệp bảo hiểm đã nỗ lực vượt khó để tăng trưởng. Tính đến hết tháng 4/2023, tổng tài sản của các doanh nghiệp ước đạt 849.411 tỷ đồng, tăng 14,18% so với cùng kỳ năm trước.

Các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 708.373 tỷ đồng, tăng 14,41% so với cùng kỳ năm trước. Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 552.325 tỷ đồng, tăng 12,71% so với cùng kỳ năm trước. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 179.421 tỷ đồng, tăng 13,46% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong 4 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 75.338 tỷ đồng, tăng 1,12% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó, tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 23.521 tỷ đồng, tăng 20,71% so với cùng kỳ năm trước.