CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Bài toán tiêu thụ dài hơi cho nông sản Việt

Invest Global 08:13 14/06/2021

Việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản vượt qua giai đoạn dịch COVID-19 chỉ là giải pháp tạm thời. Nông sản Việt Nam luôn được người tiêu dùng thế giới đánh giá cao về hương vị, chất lượng. Thế nhưng, vấn đề đau đầu nhất mà doanh nghiệp cần quan tâm là làm sao để sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đồng đều, giá cả cạnh tranh...

Vì vậy, việc xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất nông sản chắc chắn phải là công việc đầu tiên cần  tính đến trên con đường đưa nông sản Việt ra thế giới. 

Chưa có vùng nguyên liệu lớn 

Là đơn vị chuyên xuất khẩu nông sản, bà Phạm Thị Hà Anh, Giám đốc công ty CP lương thực Bình Minh, cho biết quan trọng nhất phải đảm bảo các khâu đầu vào, đầu ra, nền tảng sản xuất.

Vùng nguyên liệu manh mún, thiếu chứng chỉ chất lượng khiến đầu ra nông sản luôn bấp bênh. 

Phân tích riêng về nền tảng sản xuất, bà Hà Anh cho rằng phải có vùng nguyên liệu. Nếu không quy hoạch được, phí logistics sẽ rất cao. Đại diện DN này kể lại câu chuyện thất bại của họ khi thực hiện bao tiêu nông sản ở Lai Châu, đó là việc DN phải tuyển thêm 50 nhân viên để quản lý, thu mua trong khi vùng nguyên liệu manh mún.

Theo đó, bà Anh cho biết giải pháp là phải quy hoạch vùng nguyên liệu từ đầu đến cuối. Nhiệm vụ của DN xuất khẩu là phải đem sản phẩm Việt Nam ra thế giới. DN chỉ giỏi bán hàng, làm thị trường, chứ không thể hiểu rõ sản xuất làm sao cho ngon, cho chất lượng. Theo đó điều DN mong muốn là cơ quan chức năng cần quy hoạch vùng nguyên liệu theo chứng chỉ. 

"Khác biệt chính là chứng chỉ, điều đó cũng nói lên chất lượng. Trồng xong rồi chỉ bán trong nước, đến khi DN nước ngoài vào mua - họ hỏi có chứng chỉ GlobalGAP, VietGAP, chứng chỉ hữu cơ... thì đều không có thì đúng là khó khăn vô cùng. Tại sao mình không định vị vùng nguyên liệu, hợp tác xã này thì trồng theo chứng chỉ này hay kia", bà Anh chia sẻ.

Trở lại câu chuyện vải thiều, bà Hà Anh cho rằng, để phát triển thì phải làm đồ hộp, đồ khô. Vải Việt Nam rất ngon, nông sản Việt Nam cũng được thế giới rất khen. Nhưng chúng ta không thể phát triển làm đồ khô, đồ chế biến, do vậy đây là điểm yếu so với các đối thủ cạnh tranh. Nguyên nhân là do nhà máy chế biến còn ít, công ty chiếu xạ "đếm trên đầu ngón tay".

Thêm vào đó, đại diện DN Bình Minh cho biết khi bán hàng, DN cũng phải thường xuyên thay đổi mẫu mã. "Vừa qua, DN có kết nối với HTX chế biến vải khô ở Bắc Giang, chúng tôi tư vấn cho HTX cách thiết kế về mẫu hộp, làm bao bì. Nói một hồi, HTX chia sẻ rằng thế thì phức tạp quá, họ khó làm được. Đúng là người nông dân họ chỉ mạnh về trồng còn để làm được các khâu khác thì cần phải có hỗ trợ", đại diện Bình Minh chia sẻ. 

Trong khi đó, đại diện Saigon Co.op chia sẻ tại sao nhiều HTX nông nghiệp vẫn phán ánh là không đưa hàng được vào siêu thị, bởi thực tế khi vào siêu thị lớn, thì số lượng, chất lượng của sản phẩm phải đảm bảo đồng đều, tương đương nhau.

Vẫn là chuyện liên kết 

Đại diện Mega Market chia sẻ, lo lắng của tất cả HTX nông nghiệp cũng là trăn trở của bà con nông dân là làm thế nào để tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống phân phối hiện đại. Tuy nhiên, đến thời điểm này chúng ta vẫn chưa thể sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch, kiểm soát quy mô như những nước tiên tiến. Do vậy, việc tiêu thụ nông sản cần được đẩy mạnh qua đầu mối là các HTX, đảm bảo chất lượng, giá trị đến tay người tiêu dùng. 

Trước phản ánh của DN, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nói rằng, ngành nông nghiệp đang hướng tới cấp mã số vùng trồng cho những nông sản chủ lực. Việc cấp mã số vùng trồng, nông dân sẽ phải sản xuất theo đúng quy trình. Những nông sản ở vùng cấp mã số không chỉ để cho xuất khẩu mà còn cho cả thị trường trong nước. Khi đó, DN thu mua được sản phẩm như ý, người dân có trách nhiệm trong sản xuất. DN có thể đặt hàng với những sản phẩm được cấp mã số vùng trồng.

Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế, muốn chuyển thì bộ, ngành, DN, HTX phải vào cuộc. Làm sao gắn từ vùng sản xuất tới sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm phải đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo đó, các DN, tập đoàn có thể yêu cầu vùng nguyên liệu ở đâu, sản lượng thế nào, chất lượng ra sao tới Bộ NN&PTNT. "Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, bên cạnh đó DN phải có cơ chế lưu thông tốt hàng hóa từ vùng trồng đến điểm bán", ông Nam chia sẻ.

Bộ NN&PTNT cũng thống nhất với DN phân phối bán lẻ, DN xuất khẩu là cung cấp lịch thời vụ, lịch thu hoạch để chủ động tổ chức diễn đàn xúc tiến, kết nối nối giữa người sản xuất và người mua hàng. 

Liên quan tới đề xuất xây dựng kho lạnh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, thực tế bảo quản nông sản là một trong những yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, không phải chỗ nào cũng xây dựng kho lạnh vì chi phí cao. Do vậy, cần tính tới bài toán xây dựng chỗ nào để vận chuyển hàng hoá thuận tiện, giảm chi phí bởi nông sản là hàng hóa mùa vụ nên tránh tình cảnh kho lạnh lại nằm "đắp chiếu"...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ, Bộ Công Thương cần xây dựng chuỗi logistics từ sản xuất tới tiêu thụ để bảo quản trong thời gian chờ lưu chuyển hàng hoá đi. Bộ NN&PTNT sẽ thí điểm xây dựng vùng trồng gắn liên kết sản xuất, có kho lạnh ở phạm vi HTX để chủ động bảo quản hàng hóa, khi chờ DN đến thu mua.

 Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.


Nhật Linh