CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Bộ Công thương chủ trì hướng dẫn thực hiện việc gói giảm tiền điện trị giá gần 11.000 tỷ đồng

Invest Global 15:39 10/04/2020

Bộ Công thương được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp cùng Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan triển khai việc giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện gặp khó khăn do dịch Covid-19 như đề xuất tại văn bản số 22/BC-BCT ngày 1/4/2020.

Đây là kết luận tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020 liên quan đến đề xuất giảm giá điện cho các đối tượng khách hàng sử dụng điện trong vòng 3 tháng (từ 1/4 - 1/7/2020) mà Bộ Công thương đã đệ trình tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, diễn ra ngày 1/4/2020.

Số tiền được Bộ Công thương tính toán sẽ giảm trong lần này lên tới gần 11.000 tỷ đồng, tương ứng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm doanh thu 11.000 tỷ đồng.

Lúc này cũng đặt ra câu hỏi, khi EVN giảm doanh thu 11.000 tỷ đồng và cộng thêm các khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2020 do ảnh hưởng của các yếu tố như dịch bệnh, hạn hán, chạy dầu cao, tiêu thụ điện kinh doanh giảm do khách hàng khó khăn dẫn tới trường hợp EVN bị lỗ thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Hiện tại, Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mới là nơi thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại EVN và một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước khác và có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh, trong khi Bộ Công thương hiện chỉ có chức năng quản lý ngành.

Theo đề xuất của Bộ Công thương, với 2 nhóm đối tượng sản xuất và kinh doanh, mức hỗ trợ này là 2.034,6 tỷ đồng/tháng và trong 3 tháng lên tới 6.104 tỷ đồng. Ưu điểm của Phương án này là tất cả các khách hàng sản xuất bao gồm cả các doanh nghiệp lớn sản xuất 3 ca hay các doanh nghiệp nhỏ chỉ sản xuất 1 ca đều được hỗ trợ tiền điện.

Đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, Bộ Công Thương đề xuất giảm giá đối với các bậc thang sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4, nghĩa là dưới 300 kWh tháng sẽ được hỗ trợ trên 10% tiền điện hàng tháng. Đối với các bậc thang cao trên 300 kWh, Bộ Công Thương đề xuất giữ nguyên vì các khách hàng tiêu thụ ở bậc thang này là những hộ có thu nhập cao, ít bị ảnh hưởng của dịch Covid. Ước số tiền hỗ trợ khách hàng sinh hoạt là 2.930 tỷ đồng.

Hiện giá điện cho sinh hoạt của người dân đang áp dụng ở 6 bậc khác nhau. Từ 0 - 5kWh giá là 1.678 đồng/kWh; 51 - 100 kwh có giá 1.734 đồng/kWh; 101 - 200 kWh có giá 2.014 đồng/kWh; 201 - 300 kWh giá 2.834 đồng/kWh... Cụ thể hơn, những hộ đang sử dụng trong 50 kwh/tháng phải trả tối đa 83.900 đồng thì sắp tới sẽ được giảm 8.390 đồng. Những gia đình nào sử dụng dưới 100 kWh/tháng phải trả tiền điện tối đa là 170.600 đồng thì sẽ được giảm 17.060 đồng. Tương tự, nhà nào đang sử dụng dưới 200 kWh/tháng phải trả tiền điện là 372.000 đồng sẽ được giảm 37.200 đồng và sử dụng dưới 300 kWh sẽ được giảm 62.560 đồng xuống còn hơn 563.000 đồng...

Với cơ sở lưu trú du lịch hiện đang thuộc nhóm đối tượng “kinh doanh dịch vụ”, Bộ Công Thương cũng đề xuất điều chỉnh giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch giảm từ mức giá áp cho khách hàng kinh doanh dịch vụ xuống bằng giá áp cho các hộ sản xuất và đề xuất áp dụng từ tháng 4/2020.

Ước tổng số tiền hỗ trợ các cơ sở lưu trú du lịch từ tháng 4 năm 2020 là 1.840 tỷ đồng.

Trước đó, EVN đã đề nghị miễn, giảm tiền điện trực tiếp cho các cơ sở phục vụ chống dịch Covid từ tháng 4 đến tháng 6/2020 với tổng số tiền ước khoảng 100 tỷ đồng.