CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Bộ Công Thương đề xuất điều hành giá xăng dầu vào thứ Năm hàng tuần

Invest Global 08:34 09/01/2023

Đưa ra hai phương án quy định thời gian điều hành giá xăng dầu bán lẻ trong nước, tuy vậy, Bộ Công Thương nghiêng về phương án rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu xuống còn 7 ngày, vào ngày thứ Năm hàng tuần.

thoi bao kinh doanh

Thứ hai, 9/1/2023 | 07:57 GMT+7

Đưa ra hai phương án quy định thời gian điều hành giá xăng dầu bán lẻ trong nước, tuy vậy, Bộ Công Thương nghiêng về phương án rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu xuống còn 7 ngày, vào ngày thứ Năm hàng tuần.

Đây là điểm mới trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu, đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến.

-4540-1673193128.jpg

Thay vì 10 ngày điều chỉnh/lần, Bộ Công Thương đề xuất điều hành giá xăng dầu vào thứ Năm hàng tuần. 

Nghị định 95/2021 hiện quy định thời gian điều hành giá xăng dầu bán lẻ trong nước giữa hai kỳ là 10 ngày, vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng. Cơ quan quản lý đánh giá thời gian này vẫn phù hợp, không phải là nguyên nhân thiếu hụt nguồn cung xăng dầu vừa qua. Tuy nhiên, sau khi tham khảo ý kiến các bộ, ngành và doanh nghiệp, liên Bộ Công Thương - Tài chính vẫn đề xuất hai phương án thay đổi điều hành giá.

Phương án 1, giữ nguyên thời gian điều hành giá như hiện nay, tức 10 ngày một lần vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng. Khi thị trường có biến động lớn, Thủ tướng chỉ đạo liên Bộ Công Thương - Tài chính thời gian điều hành giá xăng dầu phù hợp diễn biến từng giai đoạn.

Phương án 2, rút ngắn thời gian điều hành, công bố giá xăng dầu xuống 7 ngày, quy định vào một ngày cụ thể trong tuần.

Trước hai phương án trên, Bộ Công Thương chọn phương án rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu xuống còn 7 ngày, vào ngày thứ Năm hàng tuần, không kể ngày nghỉ lễ, trừ trường hợp trùng vào ngày mùng 1, 2 và 3 tháng 1 Âm lịch của Tết Nguyên đán (sẽ được chuyển sang ngày mùng 4).

Lý giải quan điểm này, Bộ Công Thương cho rằng sẽ đảm bảo giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến trên thị trường thế giới. Việc điều hành kể cả vào ngày nghỉ lễ nhằm tránh giá có biến động lớn, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này.

Tuy vậy, Bộ Công Thương cho rằng việc rút ngắn xuống 7 ngày này cũng có nhược điểm là thời gian nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (từ lúc đặt hàng tới khi về đến cảng) khoảng 10-15 ngày, nên khi thị trường bất ổn theo xu hướng bất lợi, doanh nghiệp sẽ lại có ý kiến. Bởi việc này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp vì họ khó đoán định được giá trong nước khi nhập khẩu xăng dầu, nhất là lúc chu kỳ giá đi xuống.

Đề nghị rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu xuống dưới 10 ngày, kể cả ngày nghỉ, từng được các doanh nghiệp, Hiệp hội và TP.HCM đưa ra năm ngoái sau những biến động thiếu hụt xăng dầu, và cho rằng quy định hiện hành không còn phù hợp trước biến động của thế giới.

Cụ thể, tháng 11/2022, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Thủ tướng nhằm đề xuất, kiến nghị những giải pháp gỡ khó và đảm bảo cung ứng xăng dầu. Theo đó, UBND TP đề xuất các cơ quan quản lý cần có giải pháp điều hành giá tăng, giảm phù hợp với thị trường. Đồng thời, đề xuất rút ngắn thời gian kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu từ 3-5 ngày (kể cả ngày nghỉ) thay vì 10 ngày như quy định hiện nay.

Đề xuất giao Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu 

Một điểm đáng chú ý tại dự thảo về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến kể trên là cơ quan này đề xuất trao lại quyền điều hành giá xăng dầu và tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính. 

Như vậy, không lâu sau khi Bộ Tài chính đề nghị chuyển đầu mối điều hành xăng dầu về Bộ Công Thương, Bộ Công Thương lại nêu đề xuất ngược lại - chuyển về Bộ Tài chính để đúng chuyên môn, nhiệm vụ.

Bộ Công Thương cho rằng, xăng dầu là mặt hàng do nhiều bộ, ngành cùng quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được phân giao. Chẳng hạn, Bộ Công an quản lý về phòng chống cháy nổ xăng dầu, Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý về chất lượng, tiêu chuẩn xăng dầu, còn quản lý nguồn cung và giá là Bộ Công Thương và Tài chính đảm trách...

Nếu giữ nguyên các quy định hiện nay về điều hành, quản lý với xăng dầu sẽ đúng với phân công nhiệm vụ của các bộ từ nhiều năm qua. Tức là, trong điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính rà soát, hướng dẫn xác định các chi phí và công bố cho Bộ Công Thương tính toán giá cơ sở. Nhưng khi có vấn đề phát sinh, như thời điểm thị trường thiếu hụt nguồn cung cuối năm 2022, sự phối hợp giữa các bộ, ngành xử lý vấn đề trong điều hành chưa được chặt chẽ, lúng túng.

Vì thế, Bộ Công Thương đề xuất giao toàn bộ việc điều hành giá xăng dầu và tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính chủ trì thực hiện. Bộ Công Thương sẽ phối hợp theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Thy Lê 

Khung pháp lý