CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(KTSG Online) - Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo tờ trình và dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và đề xuất bỏ quy định về ngạch công chức, thay bằng quản lý theo vị trí việc làm.
Bộ Nội vụ đề xuất giữ số lượng biên chế cấp xã sau sáp nhậpĐề xuất công chức, viên chức được ưu tiên mua nhà ở xã hội
Đây được xem là bước tiến trong cải cách hành chính công vụ, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, hiệu quả và có năng lực, TTXVN đưa tin.
Theo Luật Cán bộ, công chức hiện hành quy định việc quản lý cán bộ, công chức dựa trên tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế; việc đánh giá, sử dụng cán bộ vẫn dựa nhiều vào phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực chung, chưa theo nguyên tắc quản lý theo vị trí việc làm.
Khái niệm vị trí việc làm hiện được gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí nhân sự. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cho rằng quy định này khiến việc xác định và mô tả vị trí việc làm còn chồng chéo, thiếu rõ ràng về yêu cầu đầu ra và sản phẩm công việc.
Việc quản lý hiện nay cũng còn nhiều vướng mắc, chưa đáp ứng yêu cầu tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng theo vị trí việc làm. Vì vậy, dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi mới đã bỏ quy định về ngạch, thay bằng bố trí công chức theo vị trí việc làm.
Các nội dung bị đề nghị bỏ gồm ngạch công chức, bổ nhiệm, chuyển ngạch, nâng ngạch, thi nâng ngạch và các quy định liên quan trong Luật Cán bộ, công chức hiện hành.
Theo cơ quan soạn thảo, quản lý theo vị trí việc làm sẽ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, hiệu quả, thay thế cách quản lý theo ngạch, bậc truyền thống.
Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung một chương riêng về vị trí việc làm, gồm sửa đổi khái niệm là chức vụ, chức danh, công việc gắn với chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức; bỏ nội dung "gắn với cơ cấu và ngạch công chức" và "để xác định biên chế" nhằm tránh trùng lặp giữa quản lý theo vị trí việc làm và theo ngạch, không tạo cơ sở để tăng biên chế.
Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung quy định về vị trí việc làm, gồm phân loại, nội dung, căn cứ xác định, hệ thống vị trí và bố trí công chức khi thay đổi vị trí.
Vị trí việc làm phải phù hợp với tổ chức, nhiệm vụ cơ quan, bảo đảm minh bạch, khách quan, thống nhất trong tuyển dụng và quản lý.
Hệ thống vị trí được xếp theo thứ bậc dựa trên chức vụ, mô tả công việc và cơ cấu tổ chức, phù hợp với các cấp và tổ chức trong hệ thống chính trị.
Theo Bộ Nội vụ, thực hiện Luật Cán bộ, công chức hiện hành, 100% các bộ, ngành, các địa phương đã xây dựng và phê duyệt đề án vị trí việc làm, tuy nhiên còn gắn với cơ cấu ngạch công chức và bảng lương hiện hành.
Trong khi chưa áp dụng bảng lương mới theo vị trí việc làm, việc chuyển đổi sang cơ chế quản lý mới vẫn dùng ngạch lương hiện hành nên không gây xáo trộn lớn.
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), các bộ, ngành, địa phương sẽ hoàn thiện Đề án vị trí việc làm để từng bước thực hiện theo lộ trình.