CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Bộ trưởng KH&ĐT: Lập quy hoạch ví như 'người công binh' mở đường

Invest Global 11:14 27/05/2022

Tại Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Thanh Hóa sáng 27/5, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá công tác quy hoạch được ví như là một người công binh mở đường, nếu mở đường thắng lợi thì cuộc chiến sẽ thắng lợi, còn nếu chúng ta làm không tốt sẽ dẫn đến sự thất bại, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của đất nước.

Luật Quy hoạch được ban hành năm 2017 với tinh thần hướng tới đổi mới về tư duy, phương pháp và nội dung quy hoạch, mà cốt lõi chính là sự sắp xếp, phân bố không gian, tạo ra động lực phát triển mới, không gian phát triển mới, giá trị mới và dự án đầu tư mới cho đất nước, từng ngành, địa phương. 

Quy-hoach-tinh-Thanh-Hoa-3506-1653621695

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chủ trì thẩm định quy hoạch tỉnh Thanh Hoá.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng cần phải phát huy 02 cách tiếp cận trong quy hoạch phát triển địa phương. Một mặt, phải tiếp cận từ tiềm năng của địa phương để phát huy mạnh mẽ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để khai thác tốt hơn các cơ hội hiện có, hoặc tận dụng các cơ hội mới xuất hiện; mặt khác, phải tiếp cận từ khát vọng phát triển, từ các xu hướng mới, tiềm năng mới đang liên tục xuất hiện trên toàn cầu, để chủ động tạo cơ hội mới nhằm thu hút nguồn lực bên ngoài, từ thế giới cho phát triển địa phương.

"Có phát triển nhanh và bền vững hay không? có tận dụng được hết các tiềm năng lợi thế không? có vượt qua được các thách thức không? có tranh thủ được các mô hình hay, kinh nghiệm tốt của các nước trên thế giới không?... là tùy thuộc vào tư duy, tầm nhìn và chất lượng của quy hoạch. Hay nói cách khác, quy hoạch sau khi được phê duyệt sẽ xác định được tầm nhìn, mục tiêu phát triển, sắp xếp, phân bổ không gian một cách bài bản, khoa học, từ đó tạo sự phát triển bền vững cho đất nước, từng vùng, từng địa phương", Bộ trưởng Dũng nêu vấn đề.

Theo Người đứng đầu Bộ KH&ĐT, sự thay đổi lớn về nội dung quy hoạch tất yếu dẫn đến sự thay đổi lớn về tư duy, phương pháp lập quy hoạch. Trong đó, tích hợp quy hoạch là cách tiếp cận để lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch. “Tích hợp quy hoạch” là phương pháp tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan, là một phương pháp tư duy mới trong lập quy hoạch, chứ không phải đơn thuần chỉ là một “quy trình” hoặc “kỹ thuật” mới.

Theo quy định của Luật Quy hoạch, quy hoạch tỉnh là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng ở tỉnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng đang lập đồng thời cùng với quy hoạch tỉnh theo quy định tại Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về kết quả công tác lập quy hoạch, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết đã có 05 quy hoạch cấp quốc gia (quy hoạch sử dụng đất quốc gia và 04 quy hoạch ngành quốc gia), 01 quy hoạch vùng, 01 quy hoạch tỉnh đã phê duyệt.

04 quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong và đã trình phê duyệt hoặc chuẩn bị trình phê duyệt (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Tuyên Quang, Lào Cai).

20 quy hoạch tỉnh đã lập xong và chuẩn bị thẩm định (bao gồm: Đà Nẵng; Thanh Hoá, Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận, Thái Nguyên, Lai Châu, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Trà Vinh, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang). Các quy hoạch còn lại đang được quyết liệt triển khai ở các bước khác nhau, phấn đấu hoàn thành đúng kế hoạch.

Đối với Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đánh giá đây là một tỉnh đông dân, lực lượng lao động dồi dào, cần biến lợi thế này thành sức mạnh, động lực phát triển. Tại Hội nghị thẩm định này, Bộ trưởng Dũng đề nghị các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia quy hoạch tham gia ý kiến để tỉnh Thanh Hóa hoàn thiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt quy hoạch; nội dung cần tập trung trao đổi và làm rõ một số vấn đề.

Theo đó, các thành viên Hội đồng thẩm định cho ý kiến làm rõ về trạng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; các yếu tố, điều kiện tác động để xác định rõ vai trò và vị thế của tỉnh trong thời kỳ 2021-2030. Xem xét cho ý kiến làm rõ về các trọng tâm ưu tiên phát triển kinh tế của tỉnh 04 trung tâm kinh tế động lực, 06 trụ cột tăng trưởng, làm rõ nội hàm của 06 hành lang kinh tế đồng thời giải pháp về quy hoạch và nguồn lực để phát triển các hành lang kinh tế và 05 vùng liên huyện và các khâu đột phá, các lĩnh vực ưu tiên phát triển phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Thanh Hóa nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc (tuy nhiên trong phương án phát triển chưa thể hiện được sự thay đổi, đột phá so với thời kỳ quy hoạch trước để trở thành 1 trong 4 cực tăng trưởng của phía Bắc về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ). Vì vậy, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đề nghị làm rõ hơn khả năng liên kết phát triển với các tỉnh Bắc Trung Bộ để tạo nên cực tăng trưởng mới của vùng.

Đặc biệt, Bộ KH&ĐT cũng yêu cầu cần tính hiệu quả và khả năng thu hút nhà đầu tư trong việc quy hoạch 10 khu chức năng tổng hợp nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, thể thao (trong đó có 10 sân golf xây dựng mới), nhất là tính khả thi đối với những sân golf ở xa khu vực trung tâm đô thị lớn.

Lê Thúy

Môi trường kinh doanh