CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) vào ngày 16/10 cho biết Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã đăng công báo kết luận cuối cùng của vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với nhôm đùn ép và các sản phẩm từ nhôm của Việt Nam.
Càng lúc càng “nóng”
Theo đó, DOC xác định biên độ phá giá cho bị đơn bắt buộc duy nhất còn lại là 14,15% (tăng 11,3% so với kết luận sơ bộ). 28 doanh nghiệp (DN) đáp ứng điều kiện hưởng thuế suất riêng rẽ cũng chịu mức này. Các DN khác chịu mức thuế suất toàn quốc bằng biên độ do nguyên đơn cáo buộc là 41,84% (giữ nguyên so với kết luận sơ bộ).
Các DN thép trong nước cần xây dựng khả năng ứng phó tốt hơn nữa trước các “đòn” phòng vệ ở nước ngoài và tình trạng thép nhập khẩu bán phá giá.
Trước kết luận nêu trên, Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) khuyến nghị đối với các DN sản xuất, xuất khẩu (XK) sản phẩm liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến, hợp tác đầy đủ với DOC trong suốt vụ việc, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu (XK).
Trước đó, hôm 15/10 Cục PVTM cho biết Ủy ban Chống bán phá giá Úc (ADC) thuộc Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Úc đã thông báo khởi xướng điều tra CBPG đối với mặt hàng thanh cốt thép cán nóng nhập khẩu hoặc có xuất xứ từ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Còn vào thượng tuần tháng 10/2024, Cục Ngoại Thương Thái Lan (Cơ quan điều tra) đã đăng công báo về việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam. Nguyên đơn là công ty TNHH Posco-Thainox Public. Trong khi đó, Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada (CBSA) thông báo gia hạn thời gian rà soát giá trị thông thường và giá XK đối với ống dẫn dầu (OCTG) có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.
Hoặc như gần cuối tháng 9/2024, Hoa Kỳ khởi xướng điều tra kép CBPG/chống trợ cấp với thép CORE nhập khẩu từ Việt Nam. Trong thông báo khởi xướng, DOC xác định trong 3 năm 2021-2023, Việt Nam XK lần lượt có 626, 751, 242 triệu USD sản phẩm bị điều tra sang Hoa Kỳ, xếp thứ 3 trong số 10 nước bị điều tra, chỉ sau Canada và Mexico.
Nếu “soi” kỹ thêm nữa vào thời gian trước đó sẽ thấy số vụ việc điều tra của nước ngoài đối với các sản phẩm thép của Việt Nam như nối dài ra và đang chiếm hơn 30% số vụ PVTM nhằm vào hàng XK Việt Nam. Điều này đã và đang tác động tiêu cực, tạo ra những rủi ro trong hoạt động XK của các DN thép.
Tại một diễn đàn về PVTM do Bộ Công Thương tổ chức ở Tp.HCM trong trung tuần tháng 10/2024, ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), đánh giá thép là một trong những ngành hàng có số lượng các vụ việc điều tra PVTM lớn nhất, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.
Không chỉ vậy, theo ông Thái, ngành thép là ngành hàng có tính cạnh tranh cao nhưng luôn có tình trạng dư cung trên toàn cầu nên dễ xảy ra hiện tượng DN nước ngoài bán phá giá để giải quyết lượng tồn kho, đặc biệt trong những giai đoạn mà thị trường tại nước XK gặp khó khăn.
Chờ áp lực giảm dần từ thép nhập khẩu giá rẻ
Xét về động thái điều tra của Việt Nam, mới nhất là vào gần cuối tháng 9/2024, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định về kết quả rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm nhôm xuất xứ từ Trung Quốc. Về phía Cục PVTM đã thông báo tiếp nhận hồ sơ rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm thép cán nguội (ép nguội) dạng cuộn hoặc tấm có xuất xứ từ Trung Quốc.
Ngoài ra, Cục PVTM cũng gia hạn thời gian nộp Bản trả lời câu hỏi điều tra chính thức dành cho nhà sản xuất/XK nước ngoài trong vụ việc điều tra áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Thực tế cho thấy việc Trung Quốc nhanh chóng gia tăng XK các sản phẩm thép giá rẻ sang nhiều thị trường khu vực trong hai năm qua đã làm gia tăng chủ nghĩa bảo hộ trên toàn thế giới với khả năng leo thang hơn nữa.
Trong báo cáo phát hành vào tháng 10/2024 từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV) cho rằng thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam đã và đang là mối lo của các DN thép trong nước, đe dọa sự hồi phục của họ. Và điều kỳ vọng là kết quả điều tra CBPG (dự kiến có kết quả trong tháng 11/2024) sẽ giảm bớt lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ tràn vào Việt Nam, qua đó giảm bớt áp lực cạnh tranh đối với DN nhập khẩu.
Như dữ liệu cho thấy trong vòng 2 năm qua, sản lượng thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng gần gấp đôi từ mức 3,76 triệu tấn trong 8 tháng đầu của năm 2022 lên mức 7,23 triệu tấn trong 8 tháng đầu của năm 2024. Điều này đe dọa đến thị trường tiêu thụ thép trong nước.
Và điều kỳ vọng của SSV là lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc có thể sẽ giảm dần trong thời gian tới. Điều này dựa trên 3 triển vọng. Thứ nhất là chính sách tiền tệ của Trung Quốc sẽ kích thích hỗ trợ thị trường bất động sản và thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép, dẫn tới các DN thép tại Trung Quốc sẽ giảm áp lực trong việc tìm nguồn tiêu thụ thay thế.
Thứ hai là việc Trung Quốc cắt giảm sản xuất thép làm tăng giá thép và giảm sản lượng thép XK sang các quốc gia khác do các DN nước này giảm áp lực cạnh tranh và không phải tìm thị trường thay thế nhu cầu thâm hụt trong nước của họ.
Thứ ba là kỳ vọng là kết quả điều tra CBPG (dự kiến có kết quả trong tháng 11/2024) sẽ giảm bớt lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ tràn vào Việt Nam, qua đó giảm bớt áp lực cạnh tranh đối với DN nhập khẩu.
Giới phân tích cũng kỳ vọng kinh doanh của các DN ngành thép nội địa sẽ khởi sắc hơn trong quý 4/2024 và năm 2025. Điều này sẽ nhờ một phần vào việc thuế chống bán phá giá với thép HRC và tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc có thể được áp dụng cùng với cán cân cung - cầu thép Trung Quốc cân bằng hơn, sẽ giảm được lượng thép nhập khẩu về Việt Nam.
Còn theo VSA, những năm vừa qua, nhờ vào các biện pháp PVTM mà ngành thép Việt đã đủ sức cạnh tranh công bằng với hàng nhập khẩu trên “sân nhà”. Bên cạnh đó, ngành thép cũng đã xây dựng được chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ thép cán nóng, thép cán nguội, thép mạ, đủ năng lực để mở rộng XK sang các thị trường khác.
Thế Vinh