CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Các công ty có liên quan đến Tập đoàn FLC muốn sáp nhập

Invest Global 14:21 13/04/2020

Sau FLC Stone không lâu, FLC Faros cũng gửi công văn đề xuất "về chung một nhà" với CTCP Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (mã: GAB).

Các công ty liên quan đến Tập đoàn FLC muốn sáp nhập (Ảnh: Internet)

Mới đây, HĐQT FLC Faros đã họp bàn về vấn đề liên quan tới thay đổi kế hoạch kinh doanh ngắn hạn và dài hạn trong giai đoạn 2020-2025, tái cơ cấu ngành nghề kinh doanh chủ yếu và sắp xếp lại một hoạt động kinh doanh của công ty.

HĐQT cho rằng việc sáp nhập FLC Faros (mã: ROS) với GAB sẽ giải quyết được các vấn đề nêu trên một cách toàn diện nhất. Vì vậy, HĐQT của FLC Faros đã quyết định trình đại hội đồng cổ đông thông qua chủ trương sáp nhập vào CTCP Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC trong thời gian tới.

FLC Faros sau đó đã gửi đề nghị này kèm theo tài liệu cuộc họp HĐQT tới GAB. Được biết, cả hai doanh nghiệp này đều có liên quan chặt chẽ với Tập đoàn FLC.

Cụ thể, Chủ tịch HĐQT và cổ đông lớn nhất của FLC Faros là ông Trịnh Văn Quyết cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT và cổ đông lớn nhất của Tập đoàn FLC. FLC Faros hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng và là nhà thầu chính của nhiều dự án lớn do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư.

CTCP Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh gạch xây dựng, có Chủ tịch HĐQT là ông Trần Thế Anh. Ông Thế Anh đồng thời là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC.

Bản thân Tập đoàn FLC là cổ đông sáng lập của GAB và hiện vẫn là cổ đông lớn nắm giữ 8,99% vốn điều lệ của GAB.

Đầu tháng 3 vừa qua, HĐQT CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (mã: AMD) cũng đã thông qua chủ trương nghiên cứu và lập phương án sáp nhập với GAB.

Ông Lã Quý Hiển, Thành viên HĐQT của FLC Stone cũng là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch FLC Stone từng có thời gian giữ chức Trưởng Ban Kiểm soát Tập đoàn FLC.

Hoạt động chính của FLC Stone là khai thác và sản xuất đá xây dựng. Hiện nay, công ty đang khai thác độc quyền 4 mỏ đá tại tỉnh Thanh Hóa với tổng trữ lượng khoảng 9,1 triệu m3. FLC Stone cũng có 2 nhà máy với tổng công suất 400.000 m2 đá mỗi năm.

Tính đến thời điểm 4/3, FLC Stone vẫn là doanh nghiệp có vốn điều lệ hơn 1.635 tỷ đồng, trong khi nguồn vốn của CTCP Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC chỉ vỏn vẹn 138 tỷ đồng.

Trong một diễn biến khác, mới đây, GAB cũng đang dự kiến một đợt tăng vốn lên gấp 5 lần, tương ứng phát hành 55,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ lên 690 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo thông tin công bố, nguồn vốn huy động được từ đợt tăng vốn kể trên sẽ được dùng 332 tỷ đồng để đầu tư vào Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Quy Nhơn tại Nhơn Hội, Bình Định; 150 tỷ đồng xây dựng nhà máy gạch Tuynel; 70 tỷ đồng còn lại sẽ được bổ sung vốn lưu động.

Đáng chú ý, dù chỉ mới niêm yết vào ngày 11/7/2019, giá cổ phiếu GAB đã tăng gấp 11 lần kể từ khi niêm yết với khối lượng giao dịch trung bình đạt hơn 200.000 cổ phiếu/phiên và hiện đang giao dịch quanh mức 130.000 đồng/cp.

N.L

Doanh nghiệp - Doanh nhân