CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Cách nào giải phóng hàng tỷ USD tín dụng xanh đang 'mắc kẹt'?

Invest Global 08:29 24/03/2023

Việt Nam, có rất nhiều dư địa và cơ hội để mở rộng nguồn vốn cho tài chính xanh. Chỉ cần có khung quản lý được tiêu chuẩn hóa, các ngân hàng sẽ dễ dàng hơn trong việc cho vay các dự án xanh, qua đó có thể giải phóng hàng tỷ USD.

Việt Nam là một trong những quốc gia đang thu hút nhiều nguồn vốn xanh từ quốc tế. Chỉ riêng trong hai năm 2021 và 2022, đã có hơn 7 tỷ USD nguồn vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam, phần lớn trong đó là dành cấp cho các dự án xanh nhằm giảm thiểu tác hại với môi trường và hạn chế phát thải.

Vốn nhiều nhưng chưa thể “chảy mạnh”

Trong 2 năm trở lại đây, số lượng tổ chức nước ngoài cấp vốn cho tín dụng xanh ở Việt Nam đã tăng gấp 2,5 lần so với những năm trước đó. Tiềm năng thu hút đầu tư còn rất lớn.

Nhờ nguồn vốn quốc tế có lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 1%/năm so với thông thường, lại được ưu tiên giải ngân, tín dụng xanh có vẻ thực sự hấp dẫn. Hiện ngày càng nhiều ngân hàng đưa ra các gói vay xanh.

tin-dung-xanh.jpg

Trong giai đoạn 2017 - 2021, dư nợ cấp tín dụng xanh tại Việt Nam có tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm. Tính đến ngày 31/12/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 500.000 tỷ đồng, tăng 12,96% so với cuối năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2,359 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 20% dư nợ cho vay của nền kinh tế.​​​​

Bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: "Các TCTD có sự chuyển biến rõ rệt trong định hướng hoạt động tín dụng xanh, chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế để phát triển và triển khai cho vay chương trình tín dụng xanh".

Hiện nay, BIDV là ngân hàng dẫn đầu thị trường về tài trợ xanh với hơn 1.386 khách hàng, với tổng số vốn cam kết cấp tín dụng hơn 2,68 tỷ USD. Mới đây nhà băng này đã ban hành “Khung Khoản vay bền vững” cũng như quy trình thẩm định tín dụng xanh.

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV cho biết: “BIDV xác định tầm nhìn, chiến lược rõ ràng về phát triển tín dụng xanh, luôn ưu tiên vốn tín dụng tài trợ các dự án xanh và đã đạt được những kết quả rất khả quan. Việc xây dựng và ban hành Khung khoản vay bền vững sẽ giúp BIDV cung cấp các sản phẩm tài chính bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế cho các doanh nghiệp trong nước, đồng thời là cơ sở để ngân hàng tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực phát triển bền vững tại Việt Nam”. 

Thiếu hành lang pháp lý

Tín dụng xanh đang ngày càng nhận được sự quan tâm hơn, các ngân hàng luôn ưu tiên một gói tín dụng lớn cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, vốn xanh vẫn còn khá khiêm tốn, mới chiếm 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Nguyên nhân do hoạt động tín dụng xanh vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn như chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh cho giai đoạn tới. Bởi lẽ, việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu nên gây khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng.

Trao đổi với VnBusiness, giám đốc một chi nhánh ngân hàng thương mại vốn nhà nước cho biết: “Do chưa có tiêu chí thống nhất về dự án xanh, nên mỗi ngân hàng lại thẩm định theo tiêu chí riêng. Dù các ngân hàng đã chủ động hợp tác với đối tác nước ngoài và các cơ quan chức năng để đào tạo cán bộ thẩm định, đánh giá rủi ro, nhưng đến nay quy trình này vẫn còn nhiều vướng mắc”.

Bên cạnh đó, còn vướng mắc trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi cấp tín dụng do thiếu quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường.

Trong khi đó, nhiều ngân hàng cho biết khó tìm các dự án xanh để giải ngân. Do đó, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho rằng, cần có nền kinh tế xanh, phát triển bền vững. Muốn vậy, phải có cơ chế song hành để thúc đẩy. Đơn cử, công tác quy hoạch môi trường phải gắn với vùng trồng, thổ nhưỡng, phát thải của cả một vùng, tiếp đến là hướng dẫn sản xuất... Chỉ khi có cơ chế phối hợp tổng thể, thì các dự án mới dễ đạt được chứng nhận dự án xanh và tín dụng xanh mới được thúc đẩy.

Để tiếp tục khuyến khích tín dụng xanh, nhiều ý kiến cũng đề xuất NHNN cần có những chính sách ưu đãi riêng cho các ngân hàng thương mại tham gia giải ngân dự án xanh; đồng thời tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để các bên có thể áp dụng thống nhất, góp phần đơn giản thủ tục cho vay.

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2023 diễn ra cuối tuần qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã có chỉ thị nêu rõ tập trung xây dựng cơ sở pháp lý để phát triển tín dụng xanh, xây dựng kế hoạch hành động của ngành ngân hàng để triển khai Chiến lược quốc gia về tín dụng xanh. Trong đó, ưu tiên tập trung vào việc phối hợp với các tổ chức quốc tế để huy động các nguồn vốn quốc tế hỗ trợ phát triển tín dụng xanh.

Dự kiến đầu tháng 6/2023, Thông tư số 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ có hiệu lực. Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh cũng đang được gấp rút hoàn thiện.

Thanh Hoa