CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(TBTCO) - Để tín chỉ các-bon thực sự trở thành “tài sản xanh” có giá trị kinh tế cao vẫn cần tháo gỡ nhiều vấn đề từ góc độ chính sách và thị trường. Bên cạnh việc sớm hoàn thiện chính sách đồng bộ cho thị trường các-bon, cần giải quyết điểm nghẽn lớn nhất là vốn đầu tư và vì thế, không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp.

Nhiều vướng mắc về pháp lý cần được gỡ
Tại Diễn đàn "Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia cơ chế tín chỉ chung hướng tới sẵn sàng cho thị trường các-bon tại Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Bộ Môi trường Nhật Bản tổ chức ngày 22/7, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ những kinh nghiệm xây dựng, triển khai dự án tạo tín chỉ các-bon.
Ông Long Borareaksmey - Tổng Giám đốc khu vực Asia, Công ty TNHH Green Carbon đã giới thiệu về dự án tạo tín chỉ các-bon thông qua ứng dụng Công nghệ tưới khô - ướt xen kẽ (AWD). Kỹ thuật AWD đã được chứng minh là giúp giảm phát thải khí mê-tan tới 50% so với phương pháp canh tác ngập nước truyền thống. Đồng thời, góp phần tăng năng suất lúa khoảng 5%, giảm chi phí sản xuất nhờ tiết kiệm nước và thuốc bảo vệ thực vật, từ đó gia tăng thu nhập cho nông dân khoảng 150 USD/ha/năm.
Tại Việt Nam, Green Carbon đã ký kết Biên bản ghi nhớ với nhiều viện nghiên cứu nông nghiệp tại các vùng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Các chương trình hợp tác tập trung vào đo lường phát thải khí mê-tan và nghiên cứu các giải pháp canh tác phù hợp với từng vùng sinh thái. Công ty này đang phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Viện Di truyền Nông nghiệp triển khai dự án lưu trữ các-bon trong đất bằng cách trồng xen các giống cây như đậu tương trong giai đoạn đất bỏ hoang.
Đại diện Tập đoàn JFE Engineering (Nhật Bản) và Công ty CP Môi trường Thuận Thành cũng đã giới thiệu Dự án Nhà máy điện rác T&J Green Energy tại Bắc Ninh, được hỗ trợ bởi cơ chế JCM. Dự án này có công suất phát điện 11,6 MW; công suất xử lý rác 500 tấn/ngày (bao gồm rác sinh hoạt và công nghiệp); giảm phát thải dự kiến 41.805 tấn CO₂/năm. JFE Engineering đang xây dựng nhà máy thử nghiệm chuyển đổi rác thành khí tổng hợp, từ đó sản xuất hóa chất như methanol, tích hợp công nghệ thu giữ, sử dụng và lưu trữ các-bon.
Năm 2026 sẽ ban hành tiêu chuẩn quốc gia về tín chỉ các-bon rừng
Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về tín chỉ các-bon rừng đang được xây dựng với lộ trình cụ thể, kỳ vọng ban hành vào đầu năm 2026. Với hệ thống tiêu chuẩn đang được hoàn thiện và các định hướng chính sách rõ hơn, Việt Nam đang từng bước hình thành nền tảng pháp lý - kỹ thuật cho ngành “công nghiệp các-bon rừng”, mở ra cơ hội xuất khẩu một loại tài nguyên mới mang giá trị môi trường bền vững.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó trưởng Ban An toàn môi trường và phát triển bền vững (Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam) cho hay, hiện nay vẫn còn nhiều thách thức trong phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam. Điển hình, Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều vướng mắc về pháp lý khi tham gia thị trường tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế, như: Thiếu quy định cụ thể và đồng bộ về sở hữu, mua bán tín chỉ các-bon; chưa có hướng dẫn kỹ thuật rõ ràng để tính toán lượng hấp thụ và giảm phát thải; quá trình theo dõi, đánh giá, chứng nhận lượng CO₂ hấp thụ còn kéo dài và tốn kém...
Vì vậy, tập đoàn này kiến nghị Chính phủ cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về thị trường các-bon Việt Nam; đơn giản hóa quy trình cấp tín chỉ carbon quốc tế; xây dựng cơ chế riêng cho tín chỉ các-bon trong nước, phù hợp điều kiện thực tiễn của doanh nghiệp Việt Nam.
Cục Biến đổi khí hậu khẳng định, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp lý để vận hành thị trường các-bon, hợp tác quốc tế về trao đổi kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên. Đồng thời, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thuộc Nhật Bản trong việc rà soát, điều chỉnh các hướng dẫn JCM phù hợp với quy định của Thỏa thuận Paris và bối cảnh mới trong nước, quốc tế.
Việt Nam đang trong giai đoạn đầu xây dựng phát triển thị trường các-bon nên sẽ có những bước đi, lộ trình phù hợp. Đây là cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp chủ động hơn trong đầu tư vào các hoạt động giảm phát thải và tận dụng hiệu quả các cơ chế tài chính các-bon mới.
Được biết, ngoài các dự án đã đăng ký, Nhật Bản đang tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp tiềm năng xây dựng và triển khai dự án để đăng ký theo cơ chế JCM. Các dự án này tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng giảm phát thải lớn của Việt Nam như trong canh tác sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, năng lượng, giao thông.
Điểm nghẽn lớn nhất vẫn là vốn đầu tư
Để tín chỉ các-bon rừng thực sự trở thành “tài sản xanh” có giá trị kinh tế cao, vẫn cần tháo gỡ nhiều vấn đề từ góc độ chính sách và thị trường.
Bà Nghiêm Phương Thúy - đại diện Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, thành viên Tổ soạn thảo Nghị định về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng cho biết, hiện tồn tại nhiều khái niệm như thuế các-bon, hạn ngạch các-bon hay tín chỉ các-bon. Dù đều quy đổi về 1 tấn CO₂ tương đương, sự khác biệt về bản chất khiến việc triển khai dễ nhầm lẫn, nhất là ở cấp địa phương.
Giá tín chỉ các-bon từ các dự án Giảm khí phát thải khí nhà kính từ việc mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) hiện ở mức rất thấp, trong khi chi phí tạo tín chỉ lại cao. Giao dịch tại Bắc Trung Bộ từng chỉ khoảng 5 USD/tín chỉ, khiến nhiều chủ rừng e ngại tham gia nếu không có cơ chế bảo đảm lợi ích.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xem xét hai phương án định giá: theo thị trường để dễ quản lý, hoặc theo chi phí tạo tín chỉ để đảm bảo quyền lợi bên cung cấp. Dù theo hướng nào, điểm nghẽn lớn nhất vẫn là thiếu vốn đầu tư. Việc tạo tín chỉ từ hấp thụ các-bon là quá trình dài hạn, không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp. Nếu không có sự đồng hành từ khu vực tư nhân, các dự án khó đi vào thực tế.
35.000 tín chỉ các-bon đã được cấp
Cơ chế tín chỉ chung (JCM) là cơ chế Nhật Bản đề xuất đối với các quốc gia đang phát triển nhằm thúc đẩy việc chuyển giao và phổ biến các công nghệ phát thải các-bon thấp để hướng tới tăng trưởng xanh ở nước sở tại và hỗ trợ thực hiện cam kết quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Nhật Bản.
Việt Nam là đối tác tham gia cơ chế JCM, trên cơ sở hỗ trợ về tài chính và công nghệ từ Nhật Bản từ năm 2013 đến năm 2020 và tiếp tục ký kết tham gia cho giai đoạn đến năm 2030. Điều này thể hiện kỳ vọng thúc đẩy hợp tác giữa hai nước hướng tới đạt được những kết quả giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Theo đó, giai đoạn 2013 - 2020, Nhật Bản triển khai hợp tác cơ chế JCM với 17 quốc gia, trong đó có Việt Nam và hiện nay đã lên đến 30 quốc gia, và có trên 256 dự án đã và đang tham gia cơ chế tín chỉ chung, có 106 phương pháp luận tạo tín chỉ các-bon.
Ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, việc thực hiện cơ chế JCM tại Việt Nam cũng đóng góp cho sự phát triển của thị trường các-bon trong nước. Cụ thể, cơ chế JCM đã được triển khai tại Việt Nam với các kết quả như: thành lập Ủy ban hỗn hợp hai nước và phê duyệt 15 phương pháp luận, đăng ký 14 dự án. Các dự án chủ yếu tập trung vào các dự án tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, cải tiến trang thiết bị để hiệu quả năng lượng cao hơn. Đến nay, 35.000 tín chỉ các-bon đã được cấp, với tổng mức cam kết hỗ trợ tài chính từ Nhật Bản khoảng 35 triệu USD.