CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

'Chậm chân' Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội trở thành mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Invest Global 10:16 27/06/2024

Nhiều chuyên gia có chung nhận định rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành mắt xích trong các chuỗi cung ứng đang bị thiếu hụt trên toàn cầu. Cơ hội nhiều đi cùng với thách thức lớn nhưng thời gian không chờ đợi chúng ta.

Nhiều chuyên gia có chung nhận định rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành mắt xích trong các chuỗi cung ứng đang bị thiếu hụt trên toàn cầu. Cơ hội nhiều đi cùng với thách thức lớn nhưng thời gian không chờ đợi chúng ta. dien-dan-kinh-doanhDiễn đàn kinh doanh "Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp". Ảnh: DDDN

Thông tin tại Diễn đàn kinh doanh "Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp vừa tổ chức, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang ở giai đoạn giao thoa đặc biệt của nhiều xu hướng phát triển. Trong đó, nổi bật là xu hướng chuyển dịch của chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã, đang có các hành động cụ thể để thay đổi cơ cấu chuỗi cung ứng, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo đó, Việt Nam được nhiều quốc gia, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên toàn cầu đánh giá là điểm đến đầu tư chiến lược và nhiều tiềm năng. Đây chính là thời điểm lịch sử mang đến cơ hội lớn cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp nhận dòng vốn đầu tư, công nghệ để trở thành mắt xích trong những chuỗi cung ứng đang bị thiếu hụt trên toàn cầu.

Tuy nhiên, theo báo cáo gần đây của VCCI cho thấy, trong khoảng 800.000 doanh nghiệp tư nhân trong nước đang hoạt động thì doanh nghiệp lớn chiếm chưa đến 2%, còn lại là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ - đây cũng là một trong nút thắt để doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng của thế giới.

Vấn đề chính với các doanh nghiệp nhỏ và vừa là thiếu kỹ năng quản lý, ít đổi mới công nghệ, khả năng tiếp cận tài chính còn rất nhiều hạn chế khiến việc kết nối kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước còn hết sức mờ nhạt. Hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động của các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế. Hiện đã có những doanh nghiệp ngành ô tô, xe máy và điện tử trong nước hội nhập thành công, tuy nhiên con số còn rất khiêm tốn.

Việt Nam nổi lên là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư Hoa Kỳ

Phát biểu tại phiên thảo luận, bà Bùi Thị Việt Lâm - đại diện quốc gia tại Việt Nam của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) cho biết, Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư Hoa Kỳ về sản xuất công nghệ cao. Cơ hội nhiều, thách thức lớn nhưng thời gian không chờ đợi chúng ta.

bui-thi-viet-lamBà Bùi Thị Việt Lâm - đại diện quốc gia tại Việt Nam của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC). Ảnh DDDN

Năm 2023, Việt Nam - Hoa Kỳ thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Sau ký kết này, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ rất hào hứng và chờ đợi những chính sách mới, đột phá, thu hút đầu tư, đặc biệt vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn.

Bà Lâm cho biết, USABC cùng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa khai trương sáng kiến "Phát triển mạng lưới đối tác tiến bộ công nghệ và điện tử toàn cầu" với mục tiêu Chính phủ Mỹ, doanh nghiệp Mỹ và các đối tác tham gia xây dựng đẩy mạnh nền tảng cung ứng, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam, đưa doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, đại diện USABC cho biết, cơ hội chỉ có thể kéo dài 1-2 năm, nếu không chuyển hoá cơ hội thành hiện thực sớm thì dòng vốn đầu tư sẽ tìm cơ hội khác, vì Việt Nam không phải là nước duy nhất có lợi thế trong khu vực, cùng với đó là đang diễn ra một cuộc chạy đua thu hút đầu tư nước ngoài của các nước Asean.

"Một năm trở lại đây chúng ta thấy rõ sự thay đổi nhanh chóng trong thu hút đầu tư của Malaysia, Indonesia, Singapore… để thu hút dòng đầu tư. Nhiều nhà đầu tư đã tìm hiểu Việt Nam nhưng sau đó vì nhiều lý do đã chọn đầu tư ở thị trường khác. Điều đáng tiếc không chỉ nằm ở con số đầu tư lớn mà khi họ đã lựa chọn đầu tư ở đâu thì ở đó sẽ hình thành hệ sinh thái, chuỗi cung ứng phục vụ cho doanh nghiệp, sản phẩm đó", bà Lâm nhấn mạnh.

Ngoài ra, vị này cũng lưu ý rằng, đầu tư lớn vào một nước Asean là không nhiều. Vì vậy, khi nhà đầu tư đã chọn 1 nước trong khu vực thì cơ hội để đầu tư vào một quốc gia khác là rất khó.

Từ những nhận định trên, bà Lâm đưa ra một số khuyến nghị đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Thứ nhất, doanh nghiệp không thể tự làm một mình, doanh nghiệp cũng còn nhiều hạn chế không thể so sánh với các gã khổng lồ. Vì vậy, rất cần có chính sách đồng bộ thậm chí đột phá, nhất là khi các quốc gia xung quanh có chính sách mạnh mẽ và táo bạo để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

"Chẳng hạn như có các cơ chế sandbox về chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Luật khuyến khích công nghiệp công nghệ số, Chiến lược phát triển ngành bán dẫn,…", bà Lâm nói.

Thứ hai, về phía doanh nghiệp phải nhanh nhạy, chuẩn bị cho bước chuyển mình, nắm bắt các xu thế như tín chỉ xanh, kinh tế số… để nắm bắt xu thế mới, tăng cường xuất khẩu hàng hoá, tạo cho doanh nghiệp thế mạnh về cạnh tranh.

Ý kiến chuyên gia