CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Chờ khâu chính sách giúp doanh nghiệp lách qua ‘khe cửa hẹp’

Invest Global 08:32 13/01/2023

Trong bối cảnh dự báo còn nhiều khó khăn phía trước, điều mà các doanh nghiệp mong mỏi để lách qua “khe cửa hẹp” là khâu chính sách hỗ trợ có sự “đồng cam cộng khổ”, sát sườn, thực tế, hiệu quả hơn. Đơn cử như gia hạn giảm 2% thuế VAT, linh hoạt đổi chiều chính sách lãi suất, tỷ giá… và có các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho sản xuất kinh doanh.

Đứng ở góc độ của một doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, ông Nguyễn Chánh Trung, Phó tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Tân Long, cho biết với thị trường vốn năm 2022 vừa rồi, công ty có những vấn đề mà việc xử lý rất bối rối khi lãi suất đột ngột tăng. Điều này đã gây khó khăn cho chuỗi cung ứng, làm cho khách hàng gặp khó, bản thân DN cũng khó kinh doanh.

Đừng để doanh nghiệp bị động

Hoặc như chính sách về tỷ giá, theo ông Trung, tuy vấn đề này diễn ra trong ngắn hạn nhưng “ngủ một đêm dậy thì tỷ giá thay đổi vài phần trăm”. Trong khi đó, DN đang làm thương mại hai chiều, vừa nhập khẩu về để phân phối và vừa sản xuất để xuất khẩu. Dù cân đối được một phần nhưng công ty rất bị động.

“Cho nên phía DN chúng tôi mong rằng thời gian tới sẽ hiểu được chính sách một cách sớm hơn”, ông Trung nhấn mạnh.

-9114-1673519428.jpg

Điều mà các doanh nghiệp mong mỏi để lách qua “khe cửa hẹp” trước nhiều khó khăn trong năm 2023 là khâu chính sách có sự “đồng cam cộng khổ”, sát sườn hơn nữa.

Có thể thấy chia sẻ của vị lãnh đạo DN nêu trên là điều mà những người làm chính sách về tiền tệ cần lưu tâm. Nhất là cần lắng nghe phản ánh từ phía DN khi làm chính sách và chính sách phải tiên lượng, đoán được trước một chút, hạn chế giật cục và bất ngờ đối với DN.

Nhân bàn về chính sách lãi suất và tỷ giá, dưới góc độ của một chuyên gia kinh tế, ông Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam), lưu ý với lãi suất hiện nay rất cao, nếu duy trì cả năm sẽ gây khó cho các DN. 

Theo ông Thành, để vượt qua “khe cửa hẹp” khi mà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý 1/2023 sẽ kém tích cực và quý 2 vẫn tiếp tục khó khăn thì có thể đổi chiều chính sách rơi vào giữa năm 2023 bằng cách mạnh tay hạ lãi suất. Chẳng hạn khi áp lực tỷ giá không còn, cơ hội thay đổi chính sách có thể là vào tháng 5/2023.

Như khuyến nghị của vị chuyên gia này, chính sách tiền tệ phải chủ động để có khả năng chuyển hướng sang hỗ trợ tăng trưởng, nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ mặt bằng lãi suất. 

Ngoài ra, cần rút kinh nghiệm từ năm 2022, đó là những chính sách nào thiết kế tốt nhưng đòi hỏi điều kiện, thực thi khó khăn thì sẽ không mang lại hiệu quả, những chính sách tài khoá mang tính tự động không cần thêm một bộ máy thực thi sẽ áp dụng nhanh chóng.

Đơn cử như miễn giảm thuế là tự động, không cần thêm bất cứ quy trình, điều kiện gì thì DN và người dân cũng được hưởng lợi. Những chính sách như vậy giúp thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đầu tư của DN.

Xét về chính sách giảm thuế, những phản ánh, kiến nghị mới đây từ phía DN và các hiệp hội DN đa phần cho rằng nên tiếp tục gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) khi mà bắt đầu từ ngày 1/1/2023, chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ… hết hiệu lực. Và thay vì chỉ chịu thuế suất 8% thì người mua hàng hóa, dịch vụ quay lại nộp thuế VAT 10% như trước.

Cần sự “đồng cam cộng khổ”

Theo các chuyên gia và DN, việc giảm thuế VAT sẽ giúp kéo giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ..., vừa góp phần kiểm soát lạm phát vừa giúp DN tăng sức cạnh tranh, sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn làm tăng thêm doanh thu, lợi nhuận. Như vậy, DN sẽ nộp thuế nhiều hơn để bù đắp cho nguồn thu ngân sách do giảm thuế VAT.

Theo kiến nghị mới đây của Hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM (FFA), đa số DN đều cảm nhận và đánh giá cao tính thiết thực của chính sách giảm thuế VAT 2% theo Nghị định số 15/2023/NĐ-CP và mong muốn được gia hạn chính sách này trong năm 2023.

Đặc biệt trong bối cảnh có nhiều dự báo năm nay sẽ tiếp tục là năm đầy khó khăn cho DN, nếu được tiếp tục giảm thêm 2% thuế VAT sẽ giúp DN tiết kiệm thêm một khoản tiền, từ đó có thêm nguồn lực để phục hồi, tái đầu tư cho sản xuất.

Ngoài những vấn đề nêu trên, theo giới chuyên gia, các chính sách hỗ trợ cho DN vẫn còn tản mát nhiều nơi. Sự liên kết giữa các chính sách hỗ trợ và các bộ, ban, ngành trong việc phối hợp hỗ trợ, nâng cao năng lực của DN vẫn còn hạn chế.

Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Nghị quyết này có nêu rõ quan điểm của Chính phủ là “tập trung tháo gỡ khó khăn, có các giải pháp chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho sản xuất kinh doanh”.

Bàn thêm về chính sách hỗ trợ cho các DN trong năm nay, vừa qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần thực hiện các hoạt động hỗ trợ DN nhỏ và vừa trong chuyển đổi số, mở rộng thị trường, phát triển nguồn nhân lực… tương ứng với các nhiệm vụ được giao trong các văn bản pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, theo góp ý của VCCI, cần triển khai các hoạt động hỗ trợ DN tiếp cận và áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững; thực hiện các giải pháp nhằm phát triển nhanh cộng đồng DN phát triển bền vững.

Và hơn thế nữa, các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới cần coi trọng và thường xuyên chủ trì, phối hợp với các hiệp hội DN tổ chức các hoạt động đối thoại, trao đổi với DN để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và có thể giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc của DN.

Nói chung, để giúp DN vượt qua sóng gió, thử thách trong năm nay thì khâu chính sách hỗ trợ nên kịp thời, sát sườn, thực tế và hiệu quả hơn. Khả năng phục hồi, cạnh tranh và sức chống chịu của DN trước các cú sốc từ bên ngoài đang đòi hỏi sự “đồng cam cộng khổ” hơn nữa từ khâu chính sách.

        Thế Vinh

Khung pháp lý