CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Chờ những cú hích để hàng Việt xuất khẩu vượt ‘cửa ải’ ESG

Invest Global 09:45 17/01/2025

“Cửa ải” tiêu chuẩn ESG sẽ dễ dàng hơn cho hàng Việt xuất khẩu trong năm 2025 nếu như các doanh nghiệp nội địa nhanh chóng có những cú hích để đưa các mục tiêu khắt khe này vào chiến lược cốt lõi của mình. Bằng không, nếu trì hoãn hay coi nhẹ, sẽ khó tránh khỏi tình trạng bất lợi do tụt hậu, khó duy trì vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Xét về xanh hóa trong “cửa ải” tiêu chuẩn ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) mà các doanh nghiệp (DN) Việt chuyên về xuất khẩu (XK) sẽ đối mặt ngày càng gắt gao hơn trên thị trường toàn cầu trong năm 2025 này, đứng ở góc độ ngành da giày, ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam (Lefaso), cho rằng các DN da giày có nguy cơ bị áp lực về việc sản xuất xanh nhiều nhất.

Mắt xích không thể coi nhẹ

Trao đổi với VnBusiness, ông Kiệt cho biết áp lực này không chỉ diễn ra trong thời gian gần đây mà đã từ khá lâu. Chẳng hạn như trong vấn đề năng lượng, có khá nhiều DN da giày đang chuyển sang sử dụng năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió. Hoặc như trước đây DN thường sử dụng một số các loại keo dán giày vốn có chứa hóa chất độc hại cho người lao động thì hiện tại họ chuyển sang dùng keo nước, thậm chí còn sử dụng những nguyên vật liệu có thể có keo sẵn để giảm thiểu tối đa việc dùng keo.

-7631-1737021705.png

Các DN chế biến nông sản cần thực hiện tốt các tiêu chí ESG sẽ giúp cho việc “vượt ải” XK trở nên dễ dàng hơn.

“Đó là một trong những dẫn chứng để cho thấy việc đặt áp lực lên sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn đối với DN nội địa trong ngành da giày đã diễn ra từ lâu và khá là quen thuộc”, ông Kiệt chia sẻ.

Trong “cửa ải” ESG, riêng về vấn đề xanh hóa, có thể thấy các mặt hàng của Việt Nam XK vào EU sẽ ngày càng tăng thêm áp lực trước việc áp dụng những quy định mới về bảo vệ môi trường trong năm 2025, yêu cầu các nhà XK phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn về chất lượng và sự bền vững.

Như với XK thủy sản, phía EU đang áp dụng các quy định mới. Nhất là chứng nhận bền vững như ASC (Aquaculture Stewardship Council) và MSC (Marine Stewardship Council) sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các sản phẩm thủy sản XK vào EU. Điều này mang đến nhiều thách thức cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt là về chi phí và yêu cầu cải tiến quy trình sản xuất. Để đáp ứng tiêu chuẩn bền vững, các DN sẽ phải đầu tư vào công nghệ xanh và cải thiện quy trình, điều này đòi hỏi một khoản chi phí đáng kể.

Đứng ở góc độ của một DN hàng đầu về XK tôm, Ts. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC), nhấn mạnh riêng trong khâu chế biến thì việc xanh hóa là mắt xích không thể thiếu và tầm quan trọng của nó thuộc hàng đầu. Bởi vì đây là điểm giao thoa giữa bên hoàn thiện sản phẩm và bên tiêu thụ sản phẩm. Nếu mắt xích này không tốt thì người tiêu dùng khó cảm nhận được nỗ lực của bên tạo ra sản phẩm, việc tiêu thụ không đạt yêu cầu cao nhất. Cho nên các DN chế biến không thể coi nhẹ chuyện này.

Theo ông Lực, xanh hóa chỉ là mỹ từ chỉ việc thực thi nội dung cốt lõi các tiêu chí phát triển bền vững. Cho nên triển khai xanh hóa phải bài bản có tính chất lâu dài, phải tính bước thực thi đủ các trụ cột các tiêu chí DN bền vững. Xanh hóa và sâu xa hơn là phát triển bền vững là con đường tất yếu các DN muốn tồn tại và phát triển phải tham gia.

Bên cạnh vấn đề xanh hóa, với hai yếu tố còn lại trong tiêu chuẩn ESG là Xã hội (Social) và Quản trị (Governance) cũng đòi hỏi các DN Việt phải coi trọng nhiều để có thể dễ dàng “vượt ải” XK.

Như chia sẻ của bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt chất lượng cao, tại lễ công bố chương trình Gears@Vietnam (chương trình hỗ trợ DN tại Việt Nam đo lường và thực hành ESG toàn diện trong quản trị nguồn nhân lực) tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 16/1, đó là việc thích ứng với các tiêu chuẩn bền vững của thế giới đang vô cùng cấp thiết trong hành trình hội nhập của các DN Việt vào lúc này.

Tránh khỏi tình trạng bất lợi

Bà Vũ Kim Hạnh cho biết ngoài yếu tố Xanh hóa (Environment) trong bộ ba ESG (Environment – Social – Governance), thì việc triển khai một chương trình nhằm hỗ trợ DN đáp ứng yếu tố Xã hội (Social) và Quản trị (Governance) là rất quan trọng. Cộng đồng DN cần được hỗ trợ cung cấp những thông tin và giải pháp khả thi để chuẩn bị cho một xu hướng đang nổi lên trong tiêu chuẩn ESG, đó là yếu tố bình đẳng giới tại nơi làm việc. 

“Đây là thành phần trọng yếu của chữ S (Social) trong bộ ba ESG mà các thị trường lớn trên thế giới đang luật hóa và áp dụng ngày càng khắt khe đối với các đối tác trong chuỗi cung ứng. ​​Việc chuẩn bị sớm những yếu tố này sẽ giúp DN Việt Nam tránh khỏi tình trạng bất lợi do tụt hậu, từ đó có lợi thế trong việc duy trì vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, quan trọng hơn hết, theo vị chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, việc thực hiện chiến lược bình đẳng giới tại nơi làm việc một cách toàn diện chính là chìa khóa giúp DN Việt thu hút nguồn lực đầu tư trong bối cảnh cạnh tranh mới.

Trong năm 2025 này, giới chuyên gia có lời khuyên cho những DN Việt vốn đang chú trọng nhiều vào hoạt động XK là không nên coi nhẹ hay trì hoãn việc đưa các mục tiêu xã hội và môi trường vào chiến lược cốt lõi của mình.

Một câu hỏi quan trọng được đặt ra là “làm thế nào để các DN Việt có thể cân bằng giữa việc theo đuổi lợi nhuận khi XK với yêu cầu ngày càng tăng về ESG?”.

Câu hỏi này cũng phản ánh thay đổi cơ bản trong môi trường kinh doanh cho các DN Việt. Các bên liên quan, từ những những nhà thu mua quốc tế cho đến người tiêu dùng toàn cầu, kỳ vọng rằng DN Việt sẽ đóng góp tích cực cho xã hội và môi trường. Họ ngày càng đưa ra yêu cầu chặt chẽ hơn cho DN Việt về việc thực hành ESG.

Như lưu ý của Phó giáo sư Burkhard Schrage (Đại học RMIT), các công ty Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức cân bằng giữa trọng tâm truyền thống là tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông với mối quan tâm về ESG đang ngày càng được coi trọng. Thay đổi này có thể khiến các mục tiêu tài chính của DN mâu thuẫn với kỳ vọng rộng lớn hơn của xã hội.

“Lãnh đạo DN có tư duy tiến bộ đang bắt đầu nhận ra rằng lợi nhuận và sứ mệnh DN không loại trừ lẫn nhau. Họ hiểu rằng cân nhắc đến ESG không chỉ là mệnh lệnh đạo đức mà còn là chiến lược kinh doanh thông minh”, ông Schrage nói.

Cũng nên nhắc lại một đánh giá gần đây của Deloitte, đó là trong quá trình tiếp xúc, tư vấn cho các DN, điều nhận thấy là DN Việt Nam còn lúng túng và chưa chủ động phản ứng trước xu hướng này. Thực tế, việc thực hành chiến lược ESG không quá phức tạp và khó khăn như nhiều DN đang hình dung.

Trong khi đó, nhìn vào hoạt động XK thời gian qua cho thấy với những DN nội địa có kết quả ESG tốt thường sẽ nâng cao được danh tiếng thương hiệu trên thị trường quốc tế và đặc biệt là tiếp cận được các thị trường mới. Điều này góp phần vào thành công tài chính dài hạn và tăng trưởng bền vững. Cho nên, điều dứt khoát để các DN Việt có thể đạt thành công về mặt XK trong năm 2025 này là cần phải xem ESG là một chiến lược cốt lõi của mình.     

Thế Vinh

Khung pháp lý