CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
UBND TP. Hà Nội vừa tổ chức hội nghị công bố Quy chế quản lý kiến trúc Hà Nội và Chương trình phát triển đô thị Hà Nội giai đoạn đến năm 2035.
Đây là hai nội dung quan trọng và cần thiết triển khai cụ thể hóa một số nội dung xác định tại Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Trong đó, Quy chế quản lý kiến trúc TP.Hà Nội có hiệu lực thi hành từ ngày 10/1/2025, đã quy định chi tiết việc quản lý, kiểm soát kiến trúc, cảnh quan đối với các công trình cao tầng (công trình có số tầng từ 9 trở lên) trong Khu vực nội đô lịch sử, TP. Hà Nội. Phạm vi ranh giới quản lý thuộc địa giới hành chính 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, một phần phía Bắc Hai Bà Trưng và một phần phía Nam của quận Tây Hồ.
Về nguyên tắc quản lý, Hà Nội cho phép nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng tại các vị trí hai bên đường vành đai, tuyến phố hướng tâm, tuyến phố chính và tại khu vực điểm nhấn đô thị. Đối với các khu vực đất khác có điều kiện tổ chức công trình điểm nhấn cao tầng nằm trong khu vực nội đô lịch sử thì được phép nghiên cứu công trình cao tầng, nhưng tầng cao, chiều cao cụ thể xác định trong thiết kế đô thị riêng phải được cấp thẩm quyền phê duyệt…
Tuy nhiên, khi nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng phải đảm bảo các điều kiện chung tại Phụ lục 9 của Quy chế quản lý kiến trúc TP.Hà Nội và các điều kiện riêng.
Trong đó, về điều kiện riêng dành cho đường vành đai 1: không xây dựng công trình cao tầng trong khuôn viên công viên Thủ Lệ (đường Cầu Giấy với đoạn từ nút giao đường Bưởi đến nút giao đường Kim Mã); đảm bảo phát huy giá trị cảnh quan hồ Ngọc Khánh (đoạn từ đường Kim Mã đến nút giao đường Nguyễn Chí Thanh); không xây dựng công trình cao tầng trong khuôn viên Công viên Thống Nhất (đường Đại Cồ Việt, đoạn từ nút giao với đường Giải Phóng đến nút giao với đường Vân Hồ 3); phù hợp với nội dung quản lý khu phố cũ Hà Nội (đường Đại Cồ Việt, đoạn từ nút giao với đường Vân Hồ 3 đến nút giao với Phố Huế).
Khu vực hai bên tuyến phố hướng tâm: không xây dựng công trình cao tầng; đối với các ô đất nằm giáp với chỉ giới đường đỏ tại nút giao Cát Linh - Giảng Võ, nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng với chiều cao tối đa 21 tầng/76m (phố Giảng Võ, đoạn từ nút giao với đường Nguyễn Thái Học đến nút giao đường Cát Linh).
Tại vị trí khu trung tâm triển lãm Giảng Võ, nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng làm điểm nhấn phù hợp với quy định (Phố Giảng Võ, đoạn từ nút giao với đường Cát Linh đến nút giao với đường La Thành);
Không xây dựng công trình cao tầng tại khu đất cây xanh, thể dục thể thao được quy định tại quy hoạch phân khu đô thị H1-2; đảm bảo không xây dựng công trình cao tầng trong khoảng cách tối thiểu 50m (Phố Văn Cao, đoạn từ nút giao với đường ven hồ Tây đến nút gia với đường Hoàng Hoa Thám);
Không xây dựng công trình cao tầng (Phố Tôn Đức Thắng, đoạn từ nút giao với phố Nguyễn Thái Học đến nút giao với ngõ 221 Tôn Đức Thắng).
Khu vực hai bên tuyến phố chính: Không xây dựng công trình cao tầng trên các phố Hàng Đậu, Phan Đình Phùng, đường Hoàng Hoa Thám (đoạn từ nút giao với đường Hùng Vương đến nút giao với phố Ngọc Hà)...
Các vị trí khác như tại nút giao khu đô thị Tây Hồ Tây và vành đai 2; khu vực bán đảo phía đông Hồ Tây; khu vực ô đất tại 29 Liễu Giai: đối với những ô đất còn lại nằm giáp chỉ giới đường đỏ tại nút giao, được phép xây dựng công trình cao tầng làm điểm nhấn; được cụ thể hóa tại quy hoạch chi tiết hoặc thiết kế đô thị được duyệt, công trình điểm nhấn phải có hình thức kiến trúc mới, độc đáo được Hội đồng kiến trúc quy hoạch Thành phố thông qua.
Còn với khu vực bán đảo Quảng An, thực hiện theo quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian Trung tâm bán đảo Quảng An, tỷ lệ 1/500; đối với công trình của Đảng, Nhà nước thì chỉ tiêu, yêu cầu về kiến trúc, cảnh quan cần được xác định trên cơ sở đặc thù của công trình, chỉ đạo của các cấp và thực hiện theo dự án riêng.