CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Chuẩn bị nguồn cung hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết Nguyên đán 2025

Invest Global 08:28 16/12/2024

Tuần qua (9 - 13/12), thị trường có nhiều biến động về giá cả đối với nhiều mặt hàng như vàng, xăng dầu, đặc biệt trên thị trường đang tất bật chuẩn bị nguồn cung hàng hóa thiết yếu để đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết Nguyên đán 2025 với nhiều mặt hàng giảm giá sâu...

(TBTCO) - Tuần qua (9 - 13/12), thị trường có nhiều biến động về giá cả đối với nhiều mặt hàng như vàng, xăng dầu, đặc biệt trên thị trường đang tất bật chuẩn bị nguồn cung hàng hóa thiết yếu để đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết Nguyên đán 2025 với nhiều mặt hàng giảm giá sâu...

Chuẩn bị nguồn cung hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết Nguyên đán 2025 Tại Hà Nội, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2025 tăng trung bình từ 7% - 25%. Ảnh tư liệu Vàng đang trải qua giai đoạn biến động mạnh mẽ

Vàng theo truyền thống được coi là khoản đầu tư an toàn trong thời kỳ bất ổn địa chính trị, và tăng mạnh khi lãi suất thấp. Nét nổi bật trên thị trường tuần này là giá vàng biến hóa linh hoạt, tăng - giảm bất ngờ.

Điển hình, ngày 12/12, giá vàng giao ngay tại 2.718 USD/ounce, tăng 24 USD so với mức giá cùng thời điểm hôm trước là 2.694 USD/ounce. Như vậy, giá vàng thế giới tăng mạnh và đạt mức cao nhất trong 9 tuần sau báo cáo lạm phát quan trọng của Mỹ. Tuy nhiên, ngày 13/12, giá vàng thế giới bất ngờ quay đầu “lao dốc”, với vàng giao ngay giảm 35,4 USD xuống 2.682,7 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.705,9 USD/ounce, giảm 50,1 USD so với rạng sáng 12/12. Giá vàng thế giới đã mất đi hơn 1% vào thứ Năm khi các nhà đầu tư đổ xô chốt lời sau khi giá kim loại quý này liên tiếp tăng giá và chạm mốc cao nhất trong hơn 5 tuần vào đầu phiên.

Tại Việt Nam, giá vàng nhẫn và vàng miếng SJC tiếp đà tăng. Ngày 12/12, giá vàng SJC tăng hơn 1 triệu đồng lên gần 87 triệu đồng/lượng; giá vàng nhẫn một số thương hiệu tiến sát mốc 86 triệu đồng/lượng. Ngày 13/12, giá vàng miếng tăng vượt ngưỡng 87 triệu đồng/lượng; giá vàng nhẫn một số thương hiệu vượt mốc 86 triệu đồng/lượng. Theo các chuyên gia, vàng trong nước tăng mạnh do ảnh hưởng tích cực từ giá vàng thế giới. Thị trường vàng đang trải qua giai đoạn biến động mạnh mẽ trong những tuần gần đây, và xu hướng này khó sớm kết thúc.

Ngược chiều với giá vàng, giá xăng dầu đồng loạt hạ nhiệt. Giá xăng dầu thế giới ngày 13/12 nới dài đà giảm; giá xăng dầu trong nước đồng loạt giảm, trừ xăng RON 95-III. Theo đó, giá bán lẻ xăng E5 RON 92 không quá 19.861 đồng/lít, xăng RON 95-III không quá 20.596 đồng/lít, dầu diesel không quá 18.255 đồng/lít, dầu hỏa không quá 18.566 đồng/lít, dầu mazut không quá 15.574 đồng/kg.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính - Công thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều ngày 12/12. Tất cả các mặt hàng xăng dầu đồng loạt giảm trừ xăng RON 95-III tăng 33 đồng/lít. Giá xăng E5 RON 92 giảm 3 đồng/lít, dầu diesel giảm 127 đồng/lít, dầu hỏa giảm 251 đồng/lít, dầu mazut giảm 551 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành này, liên Bộ không trích lập, không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5 RON 92, xăng RON 95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.

Việc điều hành giá xăng dầu như trên nhằm bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới. Đồng thời tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 và xăng khoáng A95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường.

Nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào

Chưa đầy hai tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2025, thời điểm này tại các tỉnh, thành hàng nghìn doanh nghiệp chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nguồn hàng hóa dồi dào để đáp ứng nhu cầu mua sắm lớn nhất trong năm của người dân.

Điển hình, Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh vừa khởi động Chương trình Bán hàng lưu động - Bình ổn thị trường Tết 2025 với mong muốn "kết nối tiêu dùng - lan tỏa yêu thương", với nhiều khuyến mãi hấp dẫn lên đến 60%.

Chương trình quy tụ hơn 40 mặt hàng từ các ngành hàng thiết yếu đặc trưng như hóa phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm... và hơn 500 sản phẩm thiết yếu dành cho các gia đình như nước giải khát, nước giặt, sữa tắm, dầu gội, trứng gà tươi, yến sào, mì chay, bánh kẹo, nước uống dinh dưỡng, dầu nhớt xe máy, bếp ga… Những sản phẩm này sẽ đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu cho các gia đình trong dịp Tết tiết kiệm, an toàn.

Tại Hà Nội, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2025 tăng trung bình từ 7% - 25% tùy từng mặt hàng so với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2024, nhằm sẵn sàng phục vụ nhân dân, trong đó những mặt hàng thực phẩm, rau củ quả cũng được các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh thu mua, sản xuất nhằm kịp thời cung ứng cho người dân những ngày cao điểm tiêu dùng.

Theo Sở Công thương Hà Nội, đơn vị đã triển khai các giải pháp phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng hàng hóa của người dân Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2025, trong đó, chú trọng đến những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa…

Sở Công thương Hà Nội đã có sự chuẩn bị trước Tết khoảng 3 tháng để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cũng như mặt hàng đảm bảo chất lượng phục vụ người dân trên địa bàn thành phố. Việc chuẩn bị nguồn cung hàng hóa từ sớm sẽ tránh tình trạng "tát nước theo mưa", gây tăng giá trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2025.

Được biết, Bộ Công thương đã có chỉ thị đề nghị sở công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu các mặt hàng thiết yếu… để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung gây tăng giá đột biến trong dịp Tết.

12 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tham gia chương trình bình ổn

Có 12 nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tham gia chương trình bình ổn thị trường, như: gạo, lương thực chế biến khô, bột, đường, dầu ăn; thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm; thủy hải sản, thực phẩm chế biến, rau củ quả... Các tháng tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25 - 43% nhu cầu thị trường. Thịt gia súc 5.034 tấn/tháng; thủy hải sản 195,5 tấn/tháng; thịt gia cầm 5.519,5 tấn/tháng; trứng gia cầm 23 triệu quả/tháng…