CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Chứng khoán trong nước khởi đầu tuần 9-13/9 không mấy tích cực khi giảm 0,5% xuống 1.267,7 điểm, với độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, tỷ lệ mã tăng/giảm giá là 104/282. Chỉ số chính sau đó tiếp tục suy giảm trong các phiên 10/9 và 11/9, trước khi hồi phục tăng 0,25% ở phiên 12/9. Dù vậy, đà phục hồi đã không thể tiếp diễn trong ngày 13/9 khi VN-Index giảm 0,4%.
Kết tuần, VN-Index giảm 1,7% xuống mức 1.251,7 điểm, HNX-Index giảm 0,9% xuống 232,4 điểm và UPCOM-Index giảm 0,4% xuống mức 92,9 điểm. Trong đó, FPT (+0,7%), TPB (+2,5%) và SBT (+8,4%) là các mã chính hỗ trợ thị trường. Chiều ngược lại, SSB (-15,3%), VIC (-3,9%) và BID (-2,2%) gây áp lực lên chỉ số.
Khối ngoại bán ròng 1.132,9 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần, trong đó bán ròng 1.122,2 tỷ đồng trên HOSE, bán ròng 17,2 tỷ đồng trên HNX và mua ròng 6,5 tỷ đồng trên UPCOM.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCP chứng khoán VNDirect đánh giá thị trường tiếp tục trải qua một tuần giao dịch trầm lắng, điều này phản ánh sự thận trọng trước những diễn biến vĩ mô quan trọng bao gồm (1) kỳ họp lãi suất sắp tới của Fed diễn ra vào giữa tuần sau với dự báo Fed có tiến hành cắt giảm lãi suất lần đầu trong năm nay, (2) thị trường chờ xem phản ứng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sau động thái cắt giảm lãi suất của Fed và (3) cơn bão Yagi lớn nhất trong hàng chục năm qua đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam gây gián đoạn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp.
Ông Hinh cho biết vẫn giữ quan điểm tích cực đối với triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn cuối năm và kịch bản VN-Index vượt mốc 1.300 điểm trong năm 2024 hoàn toàn khả thi nhờ những yếu tố hỗ trợ từ Fed dự kiến hạ lãi suất điều hành khoảng 0,75% trong những tháng cuối năm, áp lực tỷ giá và lạm phát hạ nhiệt giúp NHNN có điều kiện để chuyển hướng mục tiêu sang ưu tiên tăng trưởng kinh tế, gia tăng cung tiền và duy trì mặt bằng lãi suất ở vùng thấp, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục cải thiện và tiến triển mới trong câu chuyện nâng hạn thị trường.
"Đồng thời, kinh nghiệm quá khứ cho thấy đỉnh thị trường luôn xuất hiện trong giai đoạn giao dịch sôi động và đáy thị trường hình thành khi thanh khoản thị trường trầm lắng. Do vậy, tôi cho rằng VN-Index đang ở trong giai đoạn tích lũy cho sóng tăng cuối năm và nhà đầu tư nên tận dụng gia đoạn này để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu quanh vùng hỗ trợ 1.250 điểm của VN-Index, ưu tiên những nhóm ngành có câu chuyện tăng trưởng tích cực cuối năm như ngân hàng, chứng khoán, xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ) và bất động sản khu công nghiệp", chuyên gia này nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá thị trường chứng khoán vẫn đang ở giai đoạn sóng tăng với chu kỳ sóng được hình thành từ cuối 2022. Yuanta Việt Nam nhìn nhận rủi ro dài hạn vẫn ở mức thấp. Fed có khả năng sẽ giảm lãi suất trong tháng 9, cùng với đó là tỷ giá USD/VND đã hạ nhiệt là điều kiện để NHNN có thể sẽ duy trì lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ cho nền kinh tế. Đồng thời, động lực tăng trưởng của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều mặc dù chậm do tác động từ đà hồi phục chậm của các nước lớn và ảnh hưởng từ thiên tai, song Yuanta Việt Nam vẫn đánh giá kinh tế đang ở chu kỳ hồi phục.
Yuanta Việt Nam cho rằng:"Cơn bão Yagi có thể sẽ ảnh hưởng đến một phần dự phóng của chúng tôi cho năm 2024, nhưng mức độ ảnh hưởng không nhiều và P/E dự phóng 2024 đang dưới mức 12.x cho thấy mức định giá hiện nay vẫn thấp. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư nên ưu tiên chiến lược mua và nắm giữ cho danh mục dài hạn".