CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

"Chứng khoán Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng ngay cả khi không có vốn nước ngoài"

Invest Global 13:07 03/12/2024

"Điều này được chứng minh bằng lợi nhuận tích cực trong 2 năm qua khi nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng", Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Phú Hưng chia sẻ.

Năm 2024, câu chuyện bán ròng của khối nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục là chủ đề được các nhà đầu tư quan tâm. Mặc dù thị trường liên tục đón những thông tin tích cực như tăng trưởng GDP của Việt Nam đều ở mức cao, cũng như triển vọng nâng hạng trong năm 2025 của thị trường chứng khoán ngày càng hiện hữu.

Bên cạnh đó, dù Fed cũng đã thực hiện giảm dần lãi suất và hiện nay các chính sách tại Việt Nam cũng đều đang hướng đến thúc đẩy nền kinh tế, khối ngoại vẫn liên tiếp bán ròng tại thị trường Việt Nam với tổng giá trị lên đến hàng tỷ USD.

Trao đổi trong Talk show Phố Tài chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, bà Hồ Thúy Ái, Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Phú Hưng chia sẻ, có nhiều nguyên nhân khiến khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng, trong đó có yếu tố dù lãi suất của Mỹ đã giảm dần nhưng vẫn ở mức cao hay dòng vốn toàn cầu săn đón làn sóng cổ phiếu AI... Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều yếu tố thuận lợi và nếu giải quyết nhanh một số vấn đề còn tồn tại, song song với đó là triển vọng nâng hạng sẽ giúp thu hút dòng vốn ngoại sớm quay trở lại.

BTV Mùi Khánh Ly: Chuyện khối ngoại bán ròng không còn lạ trong hai năm nay, nhưng thời gian gần đây khối này vẫn tiếp tục bán ròng dù Fed đã bắt đầu giảm lãi suất, Việt Nam thì vẫn đang trong xu hướng thúc đẩy nền kinh tế một cách tích cực. Theo bà, nguyên nhân là vì sao?

Bà Hồ Thúy Ái: Các nhà đầu tư luôn tìm kiếm lợi nhuận, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam chưa mang lại lợi nhuận cao hơn các khoản đầu tư quốc tế trong vài năm qua. Vậy tại sao lợi nhuận của thị trường chứng khoán Việt Nam không thể theo kịp thị trường chứng khoán quốc tế?

Chúng tôi cho rằng có sự ảnh hưởng của các yếu tố dài hạn và ngắn hạn. Kể từ cuối năm ngoái, mức tăng trên thị trường chứng khoán toàn cầu chủ yếu tập trung vào các cổ phiếu liên quan đến AI, nhưng lợi nhuận của các cổ phiếu khác không tăng quá ấn tượng. Khi nguồn vốn toàn cầu săn đón các cổ phiếu liên quan đến AI, thị trường chứng khoán Việt Nam tự nhiên tương đối trầm lắng vì các công ty niêm yết của Việt Nam không có các cổ phiếu hưởng lợi.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, các đợt IPO tại Việt Nam còn hạn chế, thị trường thiếu nguồn hàng mới khiến việc thu hút vốn vào thị trường trở nên khó khăn. Nếu có nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn hơn trong tương lai, chắc chắn sẽ khơi gợi lại nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế của Việt Nam các năm vừa qua tốt hơn nhiều nước nước khác, nhưng thị trường chứng khoán lại chưa thể tạo ra lợi nhuận vượt trội. Hệ quả này cũng đến từ sự không nhất quán giữa thị trường chứng khoán và phân bổ các ngành kinh tế. Các nhà đầu tư nước ngoài lạc quan rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc gia tăng sản xuất, xuất khẩu mạnh và sức tiêu dùng. Tuy nhiên, ba ngành chính là tài chính, bất động sản và tiêu dùng chiếm 3/4 cổ phiếu của Việt Nam. Các cổ phiếu phần mềm chỉ chiếm chưa đến 4%...Chính vì vậy, thị trường thiếu đi các mục tiêu đầu tư có liên quan.

Vậy thực tế dòng tiền toàn cầu đang diễn ra như thế nào? Có tương đồng với Việt Nam không?

Bà Hồ Thúy Ái: Dòng tiền trên toàn cầu có diễn biến không hoàn toàn tương đồng với Việt Nam. Tôi lấy ví dụ về thị trường Trung Quốc, dòng tiền trước đây rời thị trường chứng khoán nước này để chuyển sang các thị trường như Nhật Bản và Đông Nam Á.

Tuy nhiên, sự dịch chuyển dòng tiền đã bắt đầu được ghi nhận qua việc chứng khoán Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia và Thái Lan bị thoái vốn ròng trong khoảng thời gian qua. Trong khi đó, chứng khoán Đông Nam Á mặc dù được hỗ trợ bởi việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến tới cắt giảm lãi suất, tuy nhiên mức giảm không đáng kể, khiến dòng tiền chưa có xu hướng quay trở lại.

Còn theo dữ liệu thống kê từ EPFR Global, dòng vốn cổ phần vào các thị trường phát triển như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản…vẫn đang lớn hơn dòng vốn đi vào các thị trường mới nổi như Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc.

Chỉ còn một tháng nữa là kết thúc năm 2024 và thị trường chuẩn bị bước sang năm 2025 với nhiều tâm thế như triển vọng nâng hạng đang đến gần, sự phục hồi của nền kinh tế sẽ rõ nét hơn thì liệu dòng tiền ngoại có sớm quay lại không, thưa bà?

Bà Hồ Thúy Ái: Như đã đề cập trước đó, có một số vấn đề dài hạn cần giải quyết trước khi Việt Nam có thể thu hút vốn nước ngoài và nâng cấp lên thị trường mới nổi. Vì vậy, sẽ khó cho chúng ta tiên liệu: nguồn vốn nước ngoài có quay trở lại Việt Nam như kỳ vọng vào năm 2025 hay không?

Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng ngay cả khi không có vốn nước ngoài. Điều này được chứng minh bằng lợi nhuận tích cực trong 2 năm qua khi nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng.

Một lợi thế của Việt Nam là thị trường không có hiện tượng bong bóng do AI gây ra như ở một số nước khác. Ngoài ra, chúng tôi dự kiến sẽ có một cuộc siết chặt vốn toàn cầu khi bong bóng AI vỡ, khi đó Việt Nam với các ưu thế riêng sẽ vượt trội hơn các thị trường khác vào thời điểm đó.

Việt Nam sẽ cần phải làm những gì để thu hút lại dòng tiền ngoại và sớm đón được dòng vốn mới khi các cơ hội từ triển vọng nâng hạng đang ngày càng rõ ràng hơn?

Bà Hồ Thúy Ái: Thị trường trong năm 2024 đã cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan và phản ứng tích cực trong bối cảnh cánh cửa nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam vào năm 2025 ngày càng rộng mở.

Nếu điều đó thật sự diễn ra, chúng tôi cho rằng Việt Nam cần chú trọng đến các vấn đề sau để thúc đẩy nhanh và đón dòng vốn chảy vào.

Thứ nhất, chúng ta cần cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa, các cơ quan và tổ chức kinh doanh chứng khoán, các công ty quản lý quỹ cần tăng cường các hoạt động nhằm nâng cao sự minh bạch thông tin và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư thông qua việc tuân thủ các quy định luật pháp.

Thứ hai là tăng cường phát triển hạ tầng thị trường chứng khoán, việc nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và các sàn giao dịch để tạo thuận lợi cho việc giao dịch và giám sát, điển hình như việc vận hành hệ thống KRX sắp tới đây cũng cần được thúc đẩy trở lại.

Thứ ba là cần giảm giới hạn và hạn chế đối với vốn nước ngoài và thực hiện nhiều đợt IPO hơn để tăng tính đa dạng của thị trường, sẽ giúp thu hút thêm nhiều doanh nghiệp sản xuất, công nghệ niêm yết, từ đó gia tăng sự đa dạng và hấp dẫn đầu tư. Bên cạnh đó, cách doanh nghiệp Việt Nam cần cải thiện mô hình quản trị, nâng cao tính minh bạch, cần sớm đạt chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế IFRS, và công bố thông tin bằng tiếng Anh.

Tuy nhiên, về lâu dài, quan trọng nhất vẫn là đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường Việt Nam. Tất cả các yếu tố định lượng chúng ta đang làm cố gắng thoả mãn các tiêu chí của các tổ chức đặt ra để vào được vào được thị trường mới nổi của FTSE.

Còn về phía các thành viên thị trường, trong đó có công ty bà đã và đang chuẩn bị những gì để cùng Việt Nam thúc đẩy và đón dòng vốn mới vào thị trường Việt Nam?

Bà Hồ Thúy Ái: Về phía Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Phú Hưng (PHFM), chúng tôi luôn đề cao chất lượng các giải pháp đầu tư để mang đến giá trị bền vững cho nhà đầu tư bất kể đó nhà đầu tư trong hay ngoài nước, cá nhân hoặc tổ chức.

Vì vậy để cùng Việt Nam thu hút vốn mới từ khối ngoại, chúng tôi tiếp tục nâng cao năng lực nghiên cứu để đón đầu cơ hội trong diễn biến thị trường sắp tới, đồng thời tinh giản quy trình mở tài khoản, chăm sóc nhà đầu tư, minh bạch công bố thông tin bằng nhiều ngôn ngữ nhằm góp phần tạo dựng lòng tin và thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn vào Việt Nam.

Chúng tôi cũng sẽ tăng cường mối quan hệ hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài như thiết lập mạng lưới kết nối nhà đầu tư quốc tế và tham gia các sự kiện đầu tư để giới thiệu các cơ hội đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bên cạnh đó, công ty cũng tích cực tham gia và góp ý kiến ở các diễn đàn về chính sách đầu tư để thể hiện tiếng nói của ngành quản lý quỹ trong việc phát triển thị trường nói chung.

Riêng đối với các nhà đầu tư thì nên có chiến lược đầu tư như thế nào trong bối cảnh hiện nay?

Bà Hồ Thúy Ái: Trong bối cảnh thị trường hiện tại, các nhà đầu tư nên thực hiện các chiến lược đầu tư thận trọng hơn để hạn chế rủi ro và tối ưu hiệu quả đầu tư. Một số chiến lược nhà đầu tư nên cân nhắc áp dụng như: luôn bám sát vào các cổ phiếu thanh khoản và chất lượng, tránh xa các cổ phiếu bị chi phối bởi các câu chuyện hoặc tin đồn.

Việc lựa chọn đầu tư vào các doanh nghiệp chất lượng làm giảm rủi ro của việc đầu tư không đúng thời điểm. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng cần nắm giữ các cổ phiếu khác nhau để giảm thiểu rủi ro. Một danh mục đầu tư đa dạng sẽ là một lựa chọn tốt hơn.

Cuối cùng, hãy đầu tư dài hạn. Một số nghiên cứu cho thấy tần suất giao dịch của các nhà đầu tư có mối tương quan nghịch với lợi nhuận đầu tư của họ. Điều này chỉ ra rằng đầu tư dài hạn rất phù hợp với các nhà đầu tư nói chung.

Để đầu tư hiệu quả và ứng biến tốt với diễn biến thị trường sắp tới, nếu các nhà đầu tư cá nhân bận rộn, không chuyên hoặc bán chuyên, thay vì sao nhãng công việc chính để tập trung nghiên cứu về các cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán, vì điều này sẽ cần rất nhiều thời gian; có thể cân nhắc đầu tư vào quỹ mở được quản lý bởi các chuyên gia và các tổ chức chuyên nghiệp, để đạt được mục tiêu cả về hiệu quả đầu tư cũng như hạn chế rủi ro thị trường.