CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Dư nợ tín dụng xanh cuối quý 1/2024 gần 637 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Trong bản kiến nghị quý 2/2024 gửi đến Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ban, ngành trung ương, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất một số giải pháp phát triển tín dụng xanh hướng tới nền kinh tế xanh bền vững.
SỚM BAN HÀNH DANH MỤC XANH VÀ BỘ TIÊU CHÍNgành ngân hàng đóng góp đáng kể vào việc thực hiện tăng trưởng xanh với vai trò là công cụ khuyến khích đầu tư tài chính vào các dự án thân thiện với môi trường. Tín dụng xanh được xem là công cụ tài chính có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm soát hành vi bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp và ngăn chặn sự phát triển không kiểm soát của các doanh nghiệp gây ô nhiễm, nguy hại đến môi trường.
Tuy nhiên, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối quý 1/2024, quy mô tín dụng xanh còn khiêm tốn, chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, với dư nợ gần 637 nghìn tỷ đồng từ 47 tổ chức tín dụng.
Vì vậy, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất 3 kiến nghị nhằm phát triển tín dụng xanh tới ba bên liên quan.
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý, cụ thể hóa các tiêu chí xác định dự án “xanh”. Thực tế cho thấy, khung pháp lý và thể chế liên quan đến tín dụng xanh, ngân hàng xanh ngày càng được hoàn thiện song còn mang tính định hướng, chưa có yêu cầu cụ thể với các tổ chức tín dụng về đánh giá yếu tố môi trường và xã hội khi thẩm định tín dụng.
Hiện các văn bản quy phạm pháp luật thường chỉ đưa ra các quy định khung, ít quy định cụ thể, chi tiết về các vấn đề liên quan đến hoạt động tín dụng xanh của các tổ chức tín dụng.
Do đó, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động tín dụng xanh trong các văn bản pháp lý của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước là điều cần thiết.
Bên cạnh đó, xây dựng hướng dẫn về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án như thế nào là xanh và cần có đánh giá phù hợp với từng phân ngành kinh tế của Việt Nam.
"Đây là cơ sở để các tổ chức tín dụng căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh cho các dự án. Bên cạnh đó, cần thống nhất các quy định, định nghĩa cụ thể về các danh mục, ngành lĩnh vực xanh có thể áp dụng chung trên cả nước", nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.
"Có thể cân nhắc cho phép không tính nguồn vốn để cho vay các dự án xanh vào tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và ưu đãi tái cấp vốn, tái chiết khấu, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với phần nguồn vốn ngân hàng huy động để tài trợ cho các dự án tín dụng xanh".
Cần phải nhấn mạnh rằng nguồn vốn cho các hoạt động xanh của ngân hàng hiện nay còn khá hạn chế.
Bên cạnh đó, các dự án bảo vệ môi trường, phát triển bền vững thường có thời gian thu hồi vốn chậm, trong khoảng thời gian dài.
Trong khi đó, nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại là vốn ngắn hạn, huy động theo chi phí vốn thương mại trên thị trường nên dẫn đến chi phí cao.
Do vậy, cần có chính sách hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, với lãi suất ưu đãi, đồng thời kêu gọi nguồn lực quốc tế cho việc cung ứng vốn cho các dự án xanh.
"Tăng giới hạn tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng đạt tiêu chuẩn ngân hàng xanh để hướng đến tài trợ cho các phương án/dự án xanh nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra", nhóm chuyên gia Trường Đại học Kinh tế Quốc dân kiến nghị.
Tuy nhiên, việc sử dụng các công cụ này cần được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc thận trọng, linh hoạt theo hướng vừa đảm bảo được nguồn vốn cho tín dụng xanh, vừa đảm bảo ổn định các mục tiêu trong điều hành chính sách tiền tệ.
Ngoài ra, xây dựng lộ trình cụ thể cho việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ các lĩnh vực, ngành xanh về thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, quy hoạch, chiến lược phát triển... của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh.
Cơ chế hỗ trợ có thể thực hiện là cho phép bảo lãnh các khoản tín dụng xanh hoặc thành lập định chế tài chính đặc biệt trong cấp tín dụng xanh vào các dự án trọng điểm.
"Chính phủ cũng có thể nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển bền vững cho các dự án xanh trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước và rà soát lại hệ thống các chính sách hiện hành để đảm bảo tập trung, tránh phân bổ nguồn lực dàn trải", nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất.
LƯU Ý QUẢN TRỊ RỦI RO CÁC DỰ ÁN XANHThứ hai, đảm bảo an toàn tài chính của các hoạt động tín dụng xanh
Nhóm nghiên cứu cho rằng các tổ chức tín dụng cần hoàn thiện các tiêu chuẩn theo Basel III, đặc biệt là các tiêu chí về quản trị rủi ro do các dự án được tài trợ bởi tín dụng xanh.
Bởi nhìn chung, các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án xanh thời gian thường dài, doanh nghiệp phải đối mặt với mức độ rủi ro cao hơn các dự án thông thường khác do tính chuyên biệt và độ phức tạp.
Bên cạnh đó, bổ sung tiêu chí xanh vào các quy định pháp luật về hoạt động cấp tín dụng như Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, Thông tư số 07/2015/TT-NHNN ngày 25/06/2015 quy định về bảo lãnh ngân hàng nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật về tài chính – ngân hàng.
"Đẩy nhanh việc ban hành quy định hướng dẫn các tổ chức tín dụng về quản lý rủi ro về môi trường liên quan tới công tác cấp tín dụng xanh. Đặc biệt, văn bản này cần có điều khoản quy định theo hướng khuyến khích về tỷ lệ dư nợ, huy động vốn; điều chỉnh tỷ lệ quy đổi của khoản dư nợ tín dụng xanh xuống mức thấp hơn khoản tín dụng khác; tăng tỷ lệ nợ xấu nhằm cho phép ngân hàng cho vay xanh nhiều hơn", nhóm nghiên cứu gợi ý.
Ngoài ra, tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu bổ sung chế tài xử phạt đối với các ngân hàng, tổ chức tín dụng lợi dụng tín dụng xanh để cấp vốn cho các dự án không đạt yêu cầu.
GẮN VỚI CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂNThứ ba, xây dựng, hoàn thiện các quy định, chính sách để tín dụng xanh trở thành một trong nền tảng cho sự phát triển ổn định của các tổ chức tín dụng.
Nhóm nghiên cứu cho rằng các ngân hàng cần hoàn thiện các quy trình, quy chế nội bộ liên quan đến công tác tín dụng xanh, ngân hàng xanh.
Các tổ chức tín dụng cần xây dựng và công bố chính sách về môi trường trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, trong đó bao gồm cam kết quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; thực hiện phân loại, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro đối với khoản cấp tín dụng được quản lý rủi ro môi trường theo quy định.
"Gắn chính sách về phát triển xanh trong định hướng và chiến lược kế hoạch kinh doanh của tổ chức tín dụng; xây dựng các chương trình tín dụng xanh theo chiến lược và hướng dẫn chung từ Ngân hàng Nhà nước", nhóm chuyên gia nhấn mạnh.
Cùng với đó, phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng xanh. Đây là một cơ sở quan trọng cho việc nâng cao tính cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng trong lĩnh vực tín dụng xanh.
Chủ động lựa chọn các sản phẩm dịch vụ mà các quốc gia đi trước đã thực hiện thành công, tiến hành điều chỉnh phù hợp thực tiễn của Việt Nam và tổ chức mình để xây dựng thành danh mục sản phẩm dịch vụ riêng của tổ chức.
Ngoài ra, tăng cường nhận thức của đội ngũ cán bộ về công tác tín dụng xanh. Trong đó, các tổ chức tín dụng cần tăng cường đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên ngân hàng về công tác thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án xanh theo tiêu chí đối với các ngành kinh tế liên quan có rủi ro cao nhất đối với môi trường và xã hội mà Ngân hàng Nhà nước đã ban hành trong Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường - xã hội.
Chất lượng chuyên môn của cán bộ chuyên trách hoạt động cấp tín dụng xanh là một trong những nhân tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của dòng tín dụng này.